Ai làm ra điệu sử rầu?
Lụa không nhớ đã mấy lần sắm vai Thị Kính. Vai diễn mẫu mực đã lấy đi nước mắt của bao nhiêu thế hệ khán giả. Vai diễn của một thời gió mưa được truyền từ cụ nội cho bà nội, cho mẹ và bây giờ cho Lụa. Dù Lụa sắm vai một lần, hai lần hay trăm lần đi chăng nữa thì cảm xúc của nhân vật vẫn nguyên vẹn như thế...
Lụa khóc cho số phận nhân vật mà như khóc cho cuộc đời mình. Người làng bảo Lụa sinh ra là để hát chèo, múa chèo và cháy hết mình cho những nhân vật chèo. Lụa là con gái út của ông Thịnh ở thôn Trung, nhưng người làng vẫn gọi ông Thịnh là ông Cả Vượng. Thật ra Cả Vượng là tên của cụ nội Lụa, nhưng những ông trùm chèo của họ Hoàng bao đời nay đều được gọi là Cả Vượng một cách vô tình hay hữu ý, như một sự nhắc nhớ, tri ân tôn kính đối với cụ nội Lụa - người nghệ nhân tài năng khai sinh ra gánh hát Cả Vượng huyền thoại.
Lụa vừa tròn mười sáu tuổi, cái tuổi như trăng rằm vằng vặc giữa trời với mặt trái xoan, mắt lá răm, môi mọng táo chín, má ửng hoa đào, tóc rẽ ngôi giữa chính chuyên mỗi khi chải buông như thác đổ. Lụa mang vẻ đẹp mỏng mày hay hạt đúng chất truyền thống của một cô đào làng chèo. Mỗi khi Lụa hát chèo, gió ngừng thổi, mây dừng bay, chim quên tiếng hót, hoa khẽ khàng tỏa hương để lắng tai hứng từng lời ca như người ta rót mật ong, mật mía. Lụa đang ngồi rửa bát bên giếng khơi.
Trăng mười bốn rơi tõm nơi đáy giếng. Lụa cúi xuống thả gầu múc nước thấy vầng trăng mà ngỡ khuôn mặt mình. Gầu chạm mặt nước làm trăng vỡ ra thành sóng như hàng trăm con chạch vàng trườn bò loăng ngoăng. Lụa múc từng gầu ánh trăng đổ vào chậu đồng. Ngực Lụa cọ vào yếm sồi đau nhói. Lụa hát điệu sử rầu – gối hạc – ba than trong vở chèo “Quan âm Thị Kính” sẽ lên màn tối nay. Giọng chèo sóng sánh như ánh trăng trong chậu đồng.
Gió mát đưa hương cốm non dâng lên trong đêm tối. Lụa hít căng một lồng ngực hương cốm, tưởng lồng ngực mình muốn vỡ ra ngập tràn hương cốm khắp không gian tĩnh mịch. Lụa ngỡ giọng chèo của mình là ngọn gió thổi bình yên vào làng quê. Lụa yêu tha thiết ngọn gió, hương cốm và những làn điệu chèo của quê hương, xứ sở này.Bỗng mẹ gọi vọng từ trên nhà xuống:
- Lụa ơi, rửa bát nhanh lên còn ra đình chuẩn bị diễn. Người ta đã ra cả rồi đấy. Ngồi đấy mà hát nữa à?
Lụa trả lời vóng lên:
- Vâng, con xong ngay đây ạ.
Lụa tém váy đứng lên tíu tít bê mâm bát chạy ù vào chạn bếp. Lụa rạo rực như có than lửa trong lòng. Lụa lại sắp thành than lửa cháy rực đam mê trên sân khấu đỏ đèn. Lụa cùng bố mẹ giữ nghề Tổ của cha ông. Lụa tự hào lắm. Bà nội Lụa thường thở dài rồi chép miệng bảo cái nghiệp này đa đoan lắm, thong dong phần nghiệp thì lại lận đận phần đời, nhưng càng lận đận lại càng đam mê, lạ thế. Trong nhà Lụa, chị Là cũng biết hát vài điệu nhưng không có giọng chèo, chị Gấm mất năm lên ba tuổi vì bị bệnh thương hàn, còn anh Vóc theo nghề cá đi biển quanh năm, suốt tháng.
Bình tắm ào một cái rồi sà vào mâm cơm mẹ vừa dọn sẵn bên hè. Đèn dầu đặt giữa mâm gỗ hắt một quầng sáng leo lét. Trăng sáng như ban ngày, dát vàng xuống mảnh sân gạch son, soi rõ cả từng chiếc lá khô bị gió cuốn về cuối sân sáng lấp lánh như những mảnh bạc. Con mèo già nằm cuộn tròn nhàn nhã dưới chân Bình, bộ lông ướt đẫm ánh trăng, mắt long lanh như hai giọt trăng.
Bữa cơm tối có cá bống kho tiêu, canh cua nấu rau đay và cà pháo dầm tương, Bình ăn ngon lành quá. Thấy Bình ăn vội nên mẹ nhắc: “Cẩn thận kẻo nghẹn đấy con”. Nhà Bình nghèo, có nghề hàng xáo, bố Bình mất năm Bình vẫn còn bế ngửa. Nhà neo người, chỉ có Bình và mẹ, ra vào chạm nhau như hai cái bóng. Chị Nhiên lấy chồng làng bên, hai đứa con nheo nhóc nên cũng vất vả đồng áng, lợn gà mới đủ ăn, đủ mặc, thỉnh thoảng chị mới về thăm nhà rồi quáng quàng đi ngay. Bình lùa xong bát cơm, ngẩng lên xin phép mẹ:
- Thưa mẹ, tối nay con đi xem chèo ngoài sân đình. Mẹ có đi không ạ?
Mẹ nhìn Bình nở một nụ cười đen nhánh độ lượng:
- Thôi con cứ đi xem. Mẹ sàng nốt mẻ gạo này để mai kịp chợ phiên. Con đi xem về rồi kể mẹ nghe nhé.
Tự dưng Bình thấy thương mẹ quá, niềm thương cảm trào dâng lên khiến sống mũi Bình cay xè, nước mắt muốn ứa ra. Mẹ Bình là con cụ đồ Soạn nổi tiếng hay chữ Nho nhất làng Hoành Nha – một làng có nhiều người học hành, đỗ đạt và coi trọng chữ nghĩa, văn chương.
Cụ đồ học một biết mười, thông hiểu Tứ thư, Ngũ kinh nhưng tính tình lại khảng khái, cương trực, không ham lều chõng, khoa bảng như bao nhiêu đồng môn khác để có cơ hội khoác áo vua ban, đội mũ cánh chuồn, đầu che lọng tía, lưng ngả võng đào mà hưởng bổng lộc triều đình trong khi dân chúng còn đói khổ, lầm than nên cụ chọn làm một thầy đồ dạy học, sống một cuộc đời thanh bần, đạm bạc.
Mẹ Bình là con gái nên không được học chữ Nho, nhưng bà vẫn nghe lỏm bố dạy học trò mỗi khi bưng trà, rót nước nên tuy là người biết mặt chữ bập bõm nhưng bà vẫn thuộc lòng ca dao, tục ngữ, và truyện thơ như “Truyện Kiều”, “Nhị Độ Mai”, “Lục Vân Tiên”, “Tống Trân - Cúc Hoa”. Bình lớn lên bằng dòng sữa và lời ru của mẹ. Tâm hồn thi sĩ mơ mộng, đẹp đẽ của Bình cũng được nuôi dưỡng từ những yêu thương ngọt lành và trong mát như suối nguồn.
Mẹ Bình cũng mê chèo, say chèo, nhưng tối nay đành gác lại niềm say mê ấy vì nỗi lo gánh nặng cơm áo đời thường còn đè lên đôi vai gầy guộc của những người đàn bà làng Hoành Nha như mẹ Bình. Ngày bé, Bình thường theo mẹ đi xem chèo. Mỗi khi có gánh hát thì làng vui như mở hội, nhất là gánh hát Cả Vượng. Lúc sàng gạo, Bình vẫn nghe mẹ ngâm nga: “Chẳng thèm ăn chả, ăn nem. Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo”. Người xem chật như nêm cối, đông như mắc cửi. Trẻ con ra ngồi chờ từ lúc trời chiều còn chưa tắt bóng nắng. Người lớn vui buồn theo từng lớp nhân vật trên sân khấu. Có lần đang xem vở chèo “Trương Viên”, Bình quay sang thấy mẹ mắt đỏ hoe, nên ngây thơ hỏi:
- Sao mẹ lại khóc?
Mẹ nhìn Bình âu yếm và trìu mến:
- À, mẹ thương cô Thị Phương nhịn đói, phải cắt thịt cánh tay nấu cho mẹ chồng ăn đấy con ạ.
Bình hồ hởi:
- Sau này lớn lên con cũng muốn lấy cô Thị Phương mẹ ạ.
Mẹ mỉm cười rồi kéo đầu ôm Bình vào lòng mà bảo:
- Con trai tôi ngoan quá.
Bình quên ngay ý nghĩ về mẹ khi sực nhớ tới Lụa – cô đào chính của hội chèo đêm nay, người mà Bình đã thầm thương, trộm nhớ từ lâu mà chưa có dịp để bày tỏ tình cảm. Bình thấy trong lòng rộn ràng như mở hội khi nghe thấy tiếng trống chèo xa xa từ đình làng vọng lại. Bình nghe quả tim đập thình thịch như trống chèo.
Ôi, tiếng trống chèo nghìn năm làm nứt ngói mũi hài, mòn gạch Bát Tràng của đình làng rêu phong trầm mặc. Bình qua nhà thằng Việt để rủ đi xem chèo. Bàn chân hai đứa thênh thang bước trên chan chứa đường trăng và giục giã trống chèo. Những viên đá mấp mô nửa đen, nửa trắng, những bờ lá mướt mát, những vòm cây tối sẫm, những tiếng chim mơ hồ đều quên đi những nghèo nàn và đói khổ thường ngày mà tình tứ, lúng liếng trong đêm hội chèo làng.
*
Lụa cùng mấy cô đào, anh kép đang ngồi trang điểm ở phía sau đình làng, còn các nhạc công của gánh hát đang lên dây đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu và thử trống, chũm chọe, thanh la,… trong lúc mấy người phục vụ đang kiểm tra lại bộ âm thanh, đèn chiếu sáng thật cẩn thận, kĩ lưỡng trước khi vở diễn lên màn. Chỗ trang điểm được quây bằng tấm vải nhung đỏ và ngăn đôi ở giữa, một bên dành cho các cô đào, bà mụ, còn bên kia là của các chú kép, ông lão, anh hề.
Tối nay, Lụa sẽ sắm vai Thị Kính trong vở chèo “Quan âm Thị Kính”. Ròng rã cả tháng, Lụa cùng với gánh hát tập luyện chỉ để cho một đêm. Lụa có cảm giác mình giống như ngọn đuốc, âm thầm tích lửa để bùng cháy, như nụ hồng ủ nhựa để tỏa hương, cũng có lúc Lụa lại thấy mình giống như con thiêu thân kia, cứ thấy ánh sáng ngọn đèn thì phải lao vào như một đam mê cháy bỏng, mãnh liệt.
Sự bùng cháy, tỏa hương và niềm đam mê đó xuất phát từ tình yêu của Lụa với những làn điệu chèo, động tác chèo, nhân vật chèo và sân khấu chèo truyền thống. Chèo là tâm hồn, là máu thịt mà Lụa được thừa hưởng từ bà, từ mẹ và hơn cả là bố Lụa, người giữ linh hồn của gánh hát Cả Vượng. Nó cao hơn một nghề để kiếm miếng cơm, manh áo. Bà nội nói đó là nghiệp, nghiệp chèo con ạ nên đã trót dan díu rồi thì phải sống chết với nó, dù nhiều cay đắng nên không dễ gì mà bỏ được đâu, cứ toan gỡ lại buộc vào như chơi.
Lụa vừa cởi cái áo cánh, yếm sồi và váy đụp ra để mặc lên người bộ tứ thân cho màn Thị Kính mắc tiếng oan giết chồng, bỗng thấy gáy râm ran như bị kiến lửa đốt. Lụa bất chợt quay lại thì bắt gặp một đôi mắt đang chằm chằm nhìn Lụa từ bên ngoài tấm vải nhung đỏ. Đôi mắt ấy bắt ánh đèn sáng rực lên như có lân tinh hay bầy đom đóm hàng trăm con đang nhảy múa ở bên trong. Lụa suýt kêu lên nhưng đã kịp lấy tay tự bịt miệng mình lại.
Đôi mắt mất hút sau tấm vải nhung vào bóng đêm dày đặc, như thể người đó vừa nhắm mắt lại, khiến cho lân tinh vụt tắt và bầy đom đóm bay đi mất. Lụa nóng bừng cả mặt như người say rượu sáng. Lụa định bảo các diễn viên là có người rình trộm thay váy áo, nhưng lại thôi. Đám trai làng láu cá, nghịch ngợm vẫn rình trộm như thế, chẳng may có lần rình trúng mấy cậu kép, anh hề bị đuổi chạy tán loạn, thế mà chẳng chừa, lần sau gánh hát về lại nháy mắt hỏi nhau: “Không biết mấy cô đào thay yếm bên nào nhỉ?”, rồi cười thật tinh quái, ranh mãnh.
*
Bình đi xem chèo về đã lên giường nằm từ lâu mà vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Gà gáy canh ba. Trăng ngả về Tây. Sương rơi trên tàu chuối tiêu bên ngoài cửa sổ nghe rõ từng tiếng lộp bộp như gõ trống. Lúc Bình về, mẹ đang sảy gạo. Mẹ hỏi đêm nay vở chèo hay không, Bình trả lời mẹ qua quýt chứ không kể tường tận, chi tiết cho mẹ nghe như mọi lần mẹ bận việc không đi xem được.
Mẹ cũng lấy làm hơi lạ. Mẹ lạ cũng phải vì trong đầu Bình bây giờ không nghĩ đến vở chèo nữa mà Bình đang nghĩ đến cô đào Lụa. Đêm nay Lụa sắm vai Thị Kính khiến cho Thị Mầu mất hồn và người xem ngơ ngẩn.
Niềm ngơ ngẩn của người xem và sự mất hồn của Thị Mầu cộng lại không chắc đã bằng nỗi nhớ của Bình. Thị Kính đã bắt cả hồn lẫn vía của Bình rồi. Ba hồn, bảy vía của Bình đã đi theo lông mày lá liễu, sống mũi dọc dừa, đôi mắt lá răm, làn môi hoa đào, thắt lưng hoa lý, vạt áo nâu sồng của Lụa. Mỗi lời hát, điệu múa, và nhập vai xuất thần biểu lộ tâm trạng nhân vật của Lụa làm cho Bình say sưa.
Lụa đẹp như sao băng và trắng như hoa đại. Lúc rình Lụa thay váy áo sau đình làng, Bình đã kịp trông thấy rồi.
Bình ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Bình mơ mình đang nằm ôm Lụa trên đê làng Hoành Nha xanh biếc cỏ mật cạnh con sông Sò đỏ nặng phù sa. Đê làng như thắt lưng xanh và sông Sò như dải yếm thắm. Bình lần lượt cởi từng áo cánh, yếm sồi và váy đụp trên người Lụa. Những thứ vướng víu ấy tuột ra khỏi thân thể con gái, để lộ ra làn da khỏa trần nõn nà như ngà voi, như lụa bạch. Bình thấy quần áo trên người mình cũng đã cởi ra từ bao giờ. Bình nằm đè lên Lụa. Bầu vú Lụa tròn đầy và hơi thở Lụa nóng hổi dưới cánh tay săn chắc và vồng ngực vạm vỡ của Bình. Bình và Lụa tan vào nhau thành một đám ráng vàng bay trên triền đê xanh, trên dòng sông đỏ.
Bình chợt tỉnh giấc... Bình tung chăn ngồi dậy rồi chạy ra giếng múc một gầu nước dội từ đầu xuống chân. Nước lạnh và khí trời thanh khiết làm máu trong người Bình chảy mạnh.
*
Nhà Lụa bên thôn Trung có một vườn cau liên phòng ra quả bốn mùa. Buồng sai trĩu trịt, quả căng tròn và vỏ xanh bóng. Những khi không tập chèo hay diễn vở, Lụa vẫn gánh cau đi chợ bán. Đường đi chợ Hoành Nha ngang qua thôn Thượng ngay trước cửa nhà Bình. Bình để ý cứ ngày phiên thì thể nào Lụa cũng đi chợ bán cau. Bính đứng nấp ở bên hàng rào cúc tần có dây tơ hồng vàng óng chờ Lụa đi ngang rồi ra đường đứng trông cho đến khi bóng Lụa khuất sau rặng nhãn cuối đường.
Có lần, Bình không đứng trông nữa mà cả gan bám theo Lụa. Bình đi cách một quãng đủ để thấy cái áo cánh nâu non thắt đáy lưng ong, cái nón trắng tinh buộc quai nhiễu hồng, và tiếng kĩu kịt của đôi quang thúng gánh cau của Lụa. Lụa đứng lại nghỉ, lấy nón ra quạt, mấy sợi tóc mai trước trán bay lên như múa. Bình ngồi bên vạt cỏ ven đường, bồn chồn như ngồi trên đống lửa, chờ Lụa đi lại tiếp tục bám theo. Cứ như thế vài bận, Lụa biết Bình bám theo mình.
Một hôm, Bình nhìn trước, ngó sau rồi đánh liều chặn đường Lụa nắm quang gánh. Bình ấp úng như ngậm hột cau, mãi mới cất được lời:
- Tôi… mua… mua… cau. Tôi mua hết… cả gánh cau, cô Lụa ạ.
Lụa thoáng chút ngạc nhiên nhưng chợt nhận ra Bình hay bám theo mình mỗi lần đi chợ. Lụa thấy vẻ lúng túng của Bình, khẽ nở nụ cười bảo:
- Có phải cậu hay bám theo tôi đi chợ không? Cau hàng tôi đắt lắm đấy. Mà tôi bán từng quả chứ không bán cả buồng đâu.
- Đắt mấy tôi cũng mua. Tôi mua cau, và mua… người bán cau nữa. Chỉ cần cô Lụa không chê tôi… - Bình lấy hết can đảm nói ra mấy câu đấy như trút được tảng đá đang đè nặng trên vai.
Lụa thẹn mặt đỏ như mặt trời sắp lặn, quay đi nói khẽ:
- Cậu đã biết gì về tôi đâu mà nói thế?
- Tôi đã xem cô Lụa diễn chèo rồi. Tôi mê chèo, mê cả cô Lụa nữa. Tôi muốn lấy cô Lụa làm vợ - Bình tiếp tục tấn công không ngần ngại.
Lụa ngẩng lên thẽ thọt:
- Nếu cậu thích chèo và thương tôi thật lòng thì chỉ cần cậu trả lời cho tôi câu hỏi: “Ai làm ra điệu sử rầu?”. Hội chèo rằm tháng giêng tới ở đình làng, tôi đợi cậu. Cậu trả lời đúng tôi sẽ bằng lòng.
- Lụa hãy đợi tôi nhé - Bình vừa mừng rỡ vừa lo lắng như cầm vàng mà lội qua sông.
*
Bình hỏi mẹ, hỏi cụ Hào Tam là người già nhất làng, hỏi ông Nhang Ngũ trùm chèo gánh hát làng bên câu hỏi: “Ai làm ra điệu sử rầu?”. Mẹ lắc đầu không biết, cụ Hào Tam vuốt râu nói “do dân gian làm ra thôi”, còn ông Nhang Ngũ mắt nhìn ra xa xôi rồi bảo: “Sau này nếm trải những cay đắng, đau khổ của kiếp người thì cậu sẽ tìm ra câu trả lời, còn bây giờ tôi không trả lời cậu được, cậu Bình ạ”. Bình lo lắng và hoang mang lắm vì chưa tìm ra được câu trả lời chính xác. Vỏ bánh chưng trong bếp đã lấm tấm mốc, hoa đào ngoài ngõ rụng nốt từng cánh cuối cùng.
Hội chèo rằm tháng giêng thì đã sầm sập cận kề sau lưng. Bình đành mang câu trả lời của ông Hào Tam về nguồn gốc của điệu sử rầu đến hội chèo tháng giêng năm ấy. Nhưng Lụa không đến. Vở chèo “Quan âm Thị Kính” vắng bóng Lụa. Một cô đào mới sắm vai. Người đông trảy hội, riêng Bình lẻ loi. Bình chẳng thiết xem. Một mình lầm lũi trên dải đê làng trải dài ra tít tắp đến vô tận. Mưa xuân bay mờ sông Sò. Từng hạt li ti rắc bụi ướt đẫm mái tóc và vai áo Bình. Bình ngồi phệt xuống bãi cỏ ven đê, cỏ mềm như tơ, nơi Bình đã ân ái cùng Lụa trong giấc mơ đêm nào. Nỗi buồn trong lòng Bình giá mà có thể bay lên theo mưa và chảy xuống theo sông? Có một mối tình đã tan vỡ, như tiếng lách tách của cỏ xuân đang bật mầm dưới làn mưa bụi.
Lụa lấy chồng. Chồng Lụa là một ông đốc tờ trên tỉnh. Ông đốc tờ đã có một đời vợ. Bố Lụa mắc bệnh lao phổi thổ ra máu. Tiền điều trị, thuốc men đều một tay ông đốc tờ lo liệu. Thế mà ông trùm gánh hát vẫn không qua khỏi. Lụa gạt nước mắt, bằng lòng lấy ông đốc tờ để xóa món nợ đó. Gánh hát Cả Vượng tan rã. Các đào, kép sang gánh hát khác, một số người trở về làm nông dân chân lấm, tay bùn.
Hôm rước dâu Lụa, nhà trai bê chín mâm lễ vật phủ nhiễu đỏ đi trên chín cái xe tay cài hoa hồng bạch. Người ta đồn rằng, tiền cheo, tiền cưới đám này nghe đâu là chín lạng vàng cơ đấy. Gái làng thì trầm trồ khen cô dâu mặc áo dài trắng, ôm bó lay ơn trắng theo lối tỉnh trông sang trọng quá. Trẻ con lại chỉ trỏ vì chưa bao giờ thấy cái đầu lợn trùm mỡ chài nào to như thế. Hoa xoan rụng nát dưới gót giày.
Xác pháo rơi hồng trên đường thôn. Nước mắt Lụa tuôn đầm vạt áo nhiều như hoa xoan, nhiều như xác pháo. Bình đắp chăn nằm trong nhà, nghe rõ cả tiếng pháo nổ hồng, tiếng hoa xoan rụng tím, nhưng không thấy những giọt nước mắt nhớ thương của Lụa. Lụa khóc, ngoái tìm hình bóng một người.
Bình đã là một cậu giáo trường làng. Có đêm ngủ với vợ, Bình nói mê gọi tên Lụa thảng thốt. Vợ Bình nghe thấy, không nói gì, thở dài rồi úp mặt vào tường.
*
Một đêm cuối xuân. Mưa bụi đã ngại bay. Hoa xoan cũng lười rụng. Bình đi uống rượu ở nhà người bạn bên làng Thọ Nghiệp. Hơi men chuếnh choáng dẫn bước bàn chân Bình về ngang qua nhà Lụa. Ngôi nhà gỗ lim năm gian cửa im ỉm đóng. Ánh đèn dầu vàng vọt lọt qua giại thưa hắt bóng xuống mặt sân gạch. Hàng cau liên phòng vườn trước xào xạc trong ngọn đông phong. Bình sống lại một thời xưa cũ.
Bỗng có tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt, câu nựng con dịu dàng rồi giọng chèo theo điệu sử rầu của người mẹ cất lên khắc khoải, da diết trong đêm xuân sâu thẳm, mênh mang: “Thương ôi, bấy lâu sắt cầm tịnh hảo. Bỗng ai làm chăn gối lẻ loi. Nghĩ trách mình phận hẩm, duyên ôi. Xui nên nỗi thế tình run rẩy… Trách lòng ai sao nỡ phụ lòng. Đang tay nỡ bẻ phím đồng làm đôi…”. Bình rút bút lông trong túi vải, dưới ánh sáng yếu ớt của đèn dầu từ trong nhà Lụa chiếu ra, đề lên bức tường vôi trắng mới quét hai câu thơ tươi ròng màu mực: “Ai làm ra điệu sử rầu. Để anh trăm quán, nghìn cầu tìm em”. Bình vội vã bước đi, giọng chèo vẫn đuổi theo sau lưng Bình, nức nở và ai oán…
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/ai-lam-ra-dieu-su-rau-578093/