Ăn uống đúng cách rất quan trọng với người bệnh sốt xuất huyết
Những thực phẩm có hàm lượng protein và sắt cao giúp ngăn ngừa thiếu máu và tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể sớm phục hồi khi mắc bệnh sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết lây lan qua vết cắn của muỗi bị nhiễm bệnh, chủ yếu là Aedes. Các triệu chứng bao gồm từ sốt, đau nhức cơ thể, buồn nôn, nôn, phát ban cho đến đau nhức…
NỘI DUNG
1. Thực phẩm nên ăn, uống khi mắc sốt xuất huyết
2. Các thực phẩm cần tránh khi mắc sốt xuất huyết
Trong trường hợp gặp phải bất kỳ triệu chứng nói trên, điều quan trọng là phải đi xét nghiệm. Tiểu cầu phải được theo dõi và nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, người bệnh phải nhập viện ngay lập tức.
Theo ThS Dinh dưỡng Đặng Thị Hoàng Khuê - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, người bệnh sốt xuất huyết cần cung cấp đủ nước và dinh dưỡng. Chú ý các nhóm thực phẩm bổ sung vào chế độ ăn khi mắc bệnh sốt xuất huyết cần đáp ứng việc cải thiện tiểu cầu, tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn ngừa nhiễm trùng. Ngoài ra còn có những thực phẩm nên tránh khi bị sốt xuất huyết.
1. Thực phẩm nên ăn, uống khi mắc sốt xuất huyết
Trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết, nên kết hợp các loại thực phẩm vào chế độ ăn uống để nhanh phục hồi sức khỏe như uống nhiều nước, ăn các thực phẩm giàu sắt, protein, các vitamin như A, C, K…
Uống nhiều nước hoặc chất lỏng: Uống nhiều chất lỏng và nước là cần thiết để cung cấp nước cho cơ thể, duy trì sự cân bằng nước và điện giải, uống ít nhất 3 lít (khoảng 12 cốc) chất lỏng mỗi ngày. Dùng các thức uống pha chế ấm, trà thảo dược, ăn cháo, súp.
Cùng với những chất lỏng nóng này, những chất lỏng lạnh như nước chanh, sữa, nước dừa, nước cam… đều có lợi cho việc cải thiện số lượng tiểu cầu. Những đồ uống này có tác dụng bù nước, giúp duy trì cân bằng điện giải, giải độc cơ thể và rất cần thiết cho hệ miễn dịch. Một số loại trà như trà hoa cúc và trà bạc hà cũng có thể có lợi trong việc kiểm soát các triệu chứng liên quan đến sốt xuất huyết như buồn nôn, nhức đầu, đau nhức cơ thể.
Trái cây: Bổ sung thêm các loại trái cây như cam, quýt, lê, mận, đào, đu đủ, táo, dưa hấu, chuối, xoài, lựu để hỗ trợ nhu cầu đáp ứng các chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin C, chất chống oxy hóa và chất xơ. Những loại trái cây này cải thiện tiêu hóa, duy trì hệ thực vật đường ruột và kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Rau: Thêm nhiều loại rau có màu sắc khác nhau như củ cải, cải xoăn, cà rốt, rau diếp, rau bina… vào chế độ ăn uống thường xuyên giúp thúc đẩy sức khỏe đường ruột và hoạt động miễn dịch tốt. Nhiều loại vitamin có trong các loại rau có màu sắc khác nhau như vitamin A, C cùng với các khoáng chất như kẽm, magie… là những chất chống oxy hóa tốt và tăng khả năng miễn dịch.
Gia vị: Các loại gia vị, thảo mộc như nghệ, gừng, tỏi, quế, bạch đậu khấu và hạt nhục đậu khấu có tác dụng chống viêm, kháng nấm, kháng virus, kháng khuẩn, tăng cường miễn dịch. Bổ sung các loại gia vị này vừa đủ vào công thức nấu ăn thường xuyên để nâng cao sức khỏe tổng thể.
Quả hạch: Các loại hạt chứa nhiều protein, chất béo lành mạnh, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
Probiotic: Bổ sung men vi sinh trong chế độ ăn uống như sữa chua, phomai kefir, kombucha và đậu nành. Probiotic chứa nhiều vi khuẩn tốt hoạt động trên hệ tiêu hóa và tăng cường khả năng miễn dịch.
Protein: Một số thực phẩm giàu protein tốt cho người bị sốt xuất huyết như trứng, sữa, phomai và các sản phẩm từ sữa. Bên cạnh đó, các thực phẩm như thịt thăn bò, thịt gà, thịt vịt, cá cũng là nguồn cung cấp các dưỡng chất tốt và cần thiết cho người bệnh.
Chế độ ăn nhiều calo: Thực phẩm giàu năng lượng như gạo, khoai tây, sữa… rất cần thiết để cung cấp nhu cầu calo đầy đủ giúp lấy lại sức mạnh và năng lượng bị mất do nhiễm trùng.
Những thực phẩm kể trên rất giàu protein và sắt là những chất dinh dưỡng cần thiết để ngăn ngừa thiếu máu. Sốt xuất huyết thường dẫn đến giảm tiểu cầu và huyết sắc tố do xuất huyết, đó là lý do tại sao việc tiêu thụ những thực phẩm này lại quan trọng với sức khỏe người bệnh.
2. Các thực phẩm cần tránh khi mắc sốt xuất huyết
Nên tránh thực phẩm có chứa lượng salicylat cao khi đang điều trị nhiễm trùng sốt xuất huyết. Các hợp chất này hoạt động tương tự như aspirin trong cơ thể và tiêu thụ quá mức có thể làm loãng máu và cản trở quá trình đông máu hiệu quả. Điều này có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết vốn đã cao ở bệnh sốt xuất huyết.
Những thực phẩm cần tránh bao gồm:
Thực phẩm có màu sẫm: Thực phẩm như socola, đồ uống socola và nước trái cây có màu tím hoặc đỏ như củ dền đỏ, thanh long đỏ không được khuyến khích vì dễ làm thay đổi màu sắc của chất nôn, nước tiểu hoặc phân. Ví dụ, ăn nhiều thanh long đỏ có thể khiến cho phân, nước tiểu có màu đỏ, điều này là do các sắc tố đỏ trong thanh long được gọi là betalain phân hủy trong dạ dày và ruột kết.
Cần lưu ý, sự đổi màu của chất nôn, nước tiểu hoặc phân do chảy máu bên trong là dấu hiệu bệnh trầm trọng hơn, do đó việc ăn những thực phẩm trên có thể khiến người bệnh, người chăm sóc chủ quan hoặc nhầm lẫn nếu có triệu chứng xuất huyết.
Đồ ăn chiên, rán và nhiều chất béo: Sốt xuất huyết làm giảm khả năng tiêu hóa khiến bệnh nhân sốt xuất huyết khó tiêu hóa các chất béo. Thực phẩm chứa nhiều chất béo có thể dẫn đến huyết áp cao và cholesterol cao. Điều này có thể cản trở quá trình phục hồi của người bệnh và làm hệ thống miễn dịch yếu đi. Trong thời gian bị bệnh và phục hồi, tốt nhất nên tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ và lựa chọn cách chế biến nhẹ nhàng như hấp, luộc.
Thức ăn cay: Thức ăn cay là điều cấm kỵ đối với bệnh nhân sốt xuất huyết. Thực phẩm cay thúc đẩy sự tích tụ acid trong dạ dày, có thể gây kích ứng thành dạ dày và làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, cản trở quá trình phục hồi của cơ thể.
Đồ uống có gas, cồn: Khi bị sốt xuất huyết, cơ thể cần nhiều chất lỏng để hydrat hóa nhưng cà phê, trà, nước tăng lực, nước soda dễ dẫn đến mất nước và phá vỡ cơ bắp.