Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Làm gì để môi trường đầu tư vẫn hấp dẫn?
Các quy định về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2024. Để không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư trong nước, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần ban hành thêm Nghị quyết về các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp.
Tác động mạnh tới môi trường đầu tư trong nước
Theo kế hoạch, các quy định về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OEDC được bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nội dung thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu này đã đạt được sự thỏa thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nhiều nước đã nội luật hóa các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế dưới 15%.
Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ đã tính toán dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 và dự kiến có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh của nghị quyết.
Đối với các tập đoàn trong nước, Chính phủ dự kiến có 6 tập đoàn sẽ thuộc diện điều chỉnh của nghị quyết và dự kiến số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (IIR). Dự kiến có thể thu từ các khoản đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn này là khoảng 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu). Tuy nhiên, theo quy định về thuế thuế tối thiểu toàn cầu, ngay cả đối với phần thu nhập trong nước của các tập đoàn này đang có thuế suất thực tế dưới 15% cũng sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa để tránh việc các nước thứ 3 sẽ được quyền thu khoản thuế này của Việt Nam từ năm 2025. Đây sẽ có thể là ảnh hưởng đáng kể đối với các tập đoàn trong nước.
Thảo luận tại chương trình làm việc Kỳ họp Quốc hội thứ 6, chiều 20/11, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo quy trình rút gọn tại Kỳ họp thứ Sáu này, để bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Đồng thời, thể hiện sự tiến bộ, minh bạch trong hệ thống quản lý thuế; khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với xu thế chung của thế giới…
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) lo ngại, việc ban hành Nghị quyết này dự kiến sẽ có tác động rất lớn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, tác động của việc áp thuế sẽ làm giảm sức hấp dẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định trog dự thảo Nghị quyết.
Cần chính sách hỗ trợ song hành
Để giữ sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc cho rằng, song song với việc ban hành Nghị quyết, Quốc hội cũng cần ban hành thêm Nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp. Qua đó, đáp ứng cùng lúc hai mục tiêu là thúc đẩy được dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào nền kinh tế nước ta, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước; đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược với xu thế hội nhập.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tiến Lộc lưu ý, về quan điểm phải khẳng định, việc ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư mới không phải là một biện pháp để bù đắp thiệt hại cho các nhà đầu tư, do họ phải nộp thuế bổ sung, vì điều này là vi phạm các nguyên tắc của OECD. Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm một nguyên tắc công bằng hướng tới tất cả các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể mà chính sách của chúng ta hướng tới, không phân biệt đó là doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không.
Góp ý vào vấn đề này, đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị, Chính phủ cần kịp thời trình các chính sách hỗ trợ đầu tư đồng bộ với hoàn thiện hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ về tài chính hoặc thực hiện phân bổ nguồn thu thuế bổ sung này để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó thu hút các nhà đầu tư mới phù hợp với chiến lược phát triển của quốc gia.
“Cần thiết phải sớm ban hành một Nghị quyết theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đồng thời lưu ý, phải có chính sách ưu đãi đầu tư song hành để "giữ chân" các nhà đầu tư, tiếp tục thu hút đầu tư; đánh giá kỹ tác động để quy định phù hợp trong Nghị quyết và có giải pháp để bảo đảm môi trường đầu tư..”- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải .