Bác Hồ với Phú Thọ - Phú Thọ làm theo lời Bác

PTĐT - 62 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh và dự hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ.

Kỳ VI: Ngành nông nghiệp khắc ghi lời Bác

Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới tại huyện Tam Nông.

Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới tại huyện Tam Nông.

>>> Kỳ V: Cầu Việt Trì năm ấy và sự phát triển giao thông huyết mạch>>> Kỳ IV: Đền Hùng vang vọng lời Người>>> Kỳ III: Quê bưởi 2 lần đón Bác>>> Kỳ II: Điện văn gửi đồng bào miền Nam từ Chu Hóa>>> Kỳ I: Cổ Tiết - Vạn Xuân và dấu hình Bác

Nói chuyện với 2.000 cán bộ từ tỉnh đến xã, Người đã thăm hỏi, khen ngợi một số thành tích sản xuất nông nghiệp đồng thời căn dặn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh quyết tâm “ra sức thi đua sản xuất, đảm bảo vụ mùa thắng lợi”. Khắc ghi lời Bác dạy, những năm qua, Phú Thọ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững, gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới. Bác Hồ từng căn dặn “Muốn giải quyết tốt vấn đề ăn thì phải làm thế nào cho có đầy đủ lương thực. Mà lương thực là do nông nghiệp sản xuất mà ra. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là việc cực kỳ quan trọng”. Đó cũng là lý do mà khi sinh thời, Bác thường trực tiếp đến các địa phương, xuống đồng thăm hỏi bà con nông dân để biết và hiểu rõ thêm tình hình sản xuất nông nghiệp. Cũng vì lẽ đó, ngày 20/7/1958, giữa lúc Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ thực hiện kế hoạch 3 năm “Cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội (1958 - 1960)” thì Người về thăm tỉnh và tham dự hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa đồng thời có những lời nhắc nhở, căn dặn Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh: “Ra sức thi đua sản xuất, đảm bảo vụ mùa thắng lợi. Muốn được như thế phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn cán bộ và nhân dân”. Lời dạy của Bác chính là động lực để nông dân Phú Thọ phấn đấu thi đua lao động sản xuất, giành thắng lợi toàn diện trên mặt trận nông nghiệp, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích “Tỉnh dẫn đầu miền Bắc” năm 1961.

Làm theo lời dạy của Bác, sau 62 năm, nông nghiệp Phú Thọ tiếp tục phát triển khá toàn diện, trở thành “trụ đỡ” trong lĩnh vực kinh tế. Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã có tác động rất lớn tới việc đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. An ninh lương thực cho 1,4 triệu dân số toàn tỉnh được đảm bảo, cuộc sống nông dân được cải thiện nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngành nông nghiệp đã định hướng cho nông dân chuyển từ lượng sang chất, tích cực đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, hướng tới xây dựng nền kinh tế nông nghiệp bền vững. Đáng chú ý, lĩnh vực nông nghiệp đã phát triển theo hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của từng địa phương; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất theo quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng cũng như nhu cầu của thị trường; mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị bước đầu được hình thành và nhân ra diện rộng, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng sản xuất hiện đại, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, giúp người dân nông thôn tăng thu nhập và cải thiện đời sống.Thực hiện lời dạy của Bác, Phú Thọ xác định nông nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nên Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (năm 2000) đã xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn - từng bước hình thành vùng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; đây cũng là chủ trương xuyên xuốt trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn đến nay. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII tiếp tục xác định trọng tâm khi định hướng về phát triển công nghệ cao (CNC) và đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các giải pháp như tập trung dồn đổi, tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp CNC. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản đã được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn quan tâm đầu tư.

5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có 85 dự án được chấp thuận đầu tư, đáng chú ý một số dự án có hoạt động ứng dụng CNC vào sản xuất, qua đó hình thành và phát triển được một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC như: Vùng chăn nuôi xã Tề Lễ, huyện Tam Nông hiện có 9 dự án đầu tư sản xuất, chăn nuôi ứng dụng CNC, trong đó một số dự án đã đi vào hoạt động như: Dự án sản xuất trứng gà sạch của Công ty cổ phần ĐTK cung cấp 500.000 quả trứng gà/ngày, tương đương 175 triệu quả/năm; dự án chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm DABACO; bên cạnh đó một số dự án trồng cây ăn quả CNC của Công ty cổ phần khoa học và công nghệ nông nghiệp H2 với mục tiêu xây dựng khu trồng cây ăn quả (quýt, bưởi) và nhà máy chế biến trên diện tích 86ha tại xã Đông Thành, huyện Thanh Ba; dự án trồng trọt, chăn nuôi áp dụng CNC của Công ty TNHH công nghệ sinh học Cosmos tại xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn…Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết: Những năm gần đây, ngành đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo ngành hàng, theo chuỗi sản xuất, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp làm đầu ra cho chuỗi liên kết, sản xuất nông, lâm, nghiệp, thủy sản của tỉnh. Nông nghiệp CNT của tỉnh đã từng bước hình thành, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Với phương châm “đi tắt, đón đầu”, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tích cực nghiên cứu, ứng dụng, đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, mang lại năng suất, hiệu quả cao.

Tính riêng năm 2019, giá trị tăng thêm ngành Nông nghiệp đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm trước; giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 103,6 triệu đồng (tăng 5,7 triệu đồng so với năm 2018); sản lượng thịt hơi ước đạt 173,8 nghìn tấn, tăng 1,6%; diện tích lúa chất lượng cao đạt 27,6 nghìn ha, chiếm 45% (tăng 4 nghìn ha so với năm 2018). Đặc biệt, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh hoàn thành mục tiêu trước 3 năm. Đến nay, Phú Thọ đã có 105 xã đạt chuẩn và 246 khu dân cư nông thôn mới. Lâm Thao là huyện đầu tiên của khu vực miền núi phía Bắc đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015; dự kiến cuối năm 2020, thị xã Phú Thọ sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thành phố Việt Trì và huyện Thanh Thủy có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới...Đã 62 năm trôi qua song những lời dạy của Bác về phát triển sản xuất nông nghiệp, chăm lo đời sống cho nhân dân vẫn còn nguyên giá trị, là động lực để ngành Nông nghiệp nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung phấn đấu thi đua sản xuất, từng bước đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững; xây dựng khu vực nông thôn trở thành những miền quê đáng sống.

Chính Văn

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/dao-duc-ho-chi-minh/202005/bac-ho-voi-phu-tho-phu-tho-lam-theo-loi-bac-170747