Bắc Ninh khuyến khích công nhân ở lại nhà máy liên tục 15 ngày
Công nhân được khuyến khích ở lại nhà máy tối thiểu 15 ngày một đợt. Số công nhân khi quay trở về nhà trọ sẽ được quản lý tương tự như F2.
Chiều 26/5, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị bàn giải pháp triển khai việc bố trí công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy nhằm tăng cường phòng, chống dịch Covid-19. Hội nghị tổ chức trong bối cảnh Bắc Ninh tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới, trong đó có một số ca bệnh là công nhân trong các doanh nghiệp.
Nếu không có giải pháp mạnh, Bắc Ninh sẽ luôn phải chạy theo dịch
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, 89% ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh là xuất phát từ cộng đồng, nguy cơ lây lan vào các khu, cụm công nghiệp rất lớn.
Nếu không có giải pháp mạnh và đi trước, Bắc Ninh sẽ luôn phải chạy theo dịch. Vì vậy, ông Tuấn cho rằng việc triển khai biện pháp, đặc biệt là bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân lao động tại nhà máy là phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động, doanh nghiệp.
B
Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn phải bố trí chỗ ở tạm cho người lao động trong khu vực nhà máy để duy trì sản xuất liên tục, không bị gián đoạn.
Ngoài ra, những người có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 tiếng mới được đến làm việc tại nhà máy. Công nhân được khuyến khích ở lại tối thiểu 15 ngày một đợt. Số công nhân khi quay trở về nhà trọ sẽ được quản lý tương tự như F2.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng khẳng định tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất khó lường. Do đó, việc bố trí cho công nhân, người lao động ăn, ở tại nhà máy là bảo vệ sự an toàn cho doanh nghiệp, bảo đảm chuỗi sản xuất, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người lao động.
"Đây là giải pháp chưa có tiền lệ, song là biện pháp an toàn nhất trong tình hình hiện nay, tỉnh sẽ triển khai đối với tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh", ông Tuấn nói.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp tập trung và 26 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 450.000 công nhân. Tỉnh Bắc Ninh ghi nhận dịch Covid-19 ở một số doanh nghiệp lớn như Công ty Samsung Electronics, Công ty TNHH Canon Việt Nam... và có trên 50.000 lao động phải nghỉ việc do tác động của dịch Covid-19.
Đề xuất xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh
Cùng ngày, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng có buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Bắc Ninh bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu và duy trì, phục hồi sản xuất trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết thời gian qua, địa phương đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cung ứng lao động, vận chuyển hàng hóa, hạn chế việc tạm dừng, gián đoạn quá trình sản xuất…
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng trong 5 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại của tỉnh vẫn được duy trì ổn định, thu hút đầu tư nước ngoài tăng, một số ngành chủ lực có tỷ trọng lớn và tăng cao.
Hiện, nguồn cung hàng hóa luôn bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng sốt giá, khan hiếm hàng hóa trên toàn tỉnh.
Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành khung hướng dẫn xây dựng kịch bản ứng phó (giãn cách dây chuyền sản xuất, tổ chức sản xuất hợp lý..) phù hợp với diễn biến theo từng cấp độ của dịch bệnh; xây dựng phương án điều tiết, bảo đảm nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho địa phương.
Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh đề nghị được hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, đồng thời cho phép lưu thông hàng hóa đủ điều kiện, cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh; hỗ trợ, giảm chi phí bảo quản, nhất là nông sản sau thu hoạch...
Ghi nhận ý kiến của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các khu công nghiệp là rất cao, Bắc Ninh cần chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó ở mức độ cao hơn, đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp không bị đình trệ, đứt gãy chuỗi sản xuất.
Trong đó, địa phương cần yêu cầu các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật bản đồ an toàn dịch Covid-19 để xây dựng phương án phòng, chống dịch và sản xuất phù hợp, kiên quyết đình chỉ sản xuất các doanh nghiệp không bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Về cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, Bắc Ninh phải chủ động mọi phương án ở cấp độ tình huống xấu nhất của dịch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp và người dân lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là khuyến khích tổ chức bán hàng trên môi trường mạng.
Tính đến tối 26/5, Bắc Ninh ghi nhận 624 ca mắc Covid-19 sau gần 4 tuần dịch bệnh bùng phát trở lại. Đây là địa phương có số ca mắc lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau Bắc Giang.