Bài 1: Mò mẫm tìm... đường sống!
Đại hội VI - Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) diễn ra trung tuần tháng 12-1986 khi chúng tôi đang là sinh viên năm ba Khoa Triết - Kinh tế chính trị Đại học (ĐH) Tổng Hợp TPHCM. Ngày đó, với vốn liếng lý luận bập bẹ và rất 'giáo điều', với cảm nhận theo đặc thù ngành học, chúng tôi rất chăm chú theo dõi diễn biến và tinh thần của đại hội qua báo đài ở trường, ký túc xá rồi bàn tán xôn xao. Chúng tôi mơ ước và tin tưởng cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và Tây Nam sẽ kết thúc, đất nước sẽ chuyển mình, đời sống sẽ khá hơn. Nhưng việc thay đổi lớn lao, sâu rộng, tốt đẹp như bây giờ thì 37 năm trước quả thật không ai có thể tưởng tượng nổi! Nhìn lại công cuộc đổi mới vĩ đại này thật bồi hồi, xúc động!
30-4-1975, đất nước thống nhất, nhưng vết thương chiến tranh còn loang lỗ trên khắp lãnh thổ hình chữ S và trong tâm hồn của 36 triệu người Việt ở hai bờ sông Bến Hải. Với những người ở miền Nam, cuộc sống đi xuống so với "thời ông Thiệu" vì không còn viện trợ của Mỹ và mọi ngành nghề đều được "tập thể hóa" hoặc "quốc doanh hóa". Thêm vào đó là những xáo trộn về thân phận đã làm hàng chục vạn người có dính dáng đến chế độ cũ và cải tạo tư sản sau chiến tranh phải ôm mặc cảm, ấm ức vượt biên, gây ra những vấn đề rất hệ trọng về an ninh trật tự và ngoại giao. Hòa bình chưa được bao ngày thì biên giới Tây Nam bị quân Pol Pot quấy phá, năm 1979 đến lượt biên giới phía Bắc bị Trung Quốc xâm lược.
Đã vậy, Việt Nam còn phải chịu rất nhiều bất lợi trong đối ngoại từ áp lực cấm vận của Mỹ và những chính sách thù địch của nước láng giềng. Một nước nhỏ, kiệt quệ sau mấy mươi năm chiến tranh lại bị kẹp, ép giữa những thế lực khổng lồ thì dĩ nhiên phải "khô xương, mất máu". Hàng vạn thanh niên đã hi sinh hoặc chịu thương tật nặng nề từ các cuộc chiến bảo vệ biên giới ở phía Bắc, Tây Nam kéo dài hơn 10 năm (1978 - 1989). Cùng với sự mất mát xương máu đau xót đó là 1/3, thậm chí 1/2 thu nhập quốc dân (bao gồm các nguồn viện trợ từ Liên Xô và các nước XHCN hơn 1 tỷ rup/USD/năm) được biến thành vũ khí, hậu cần, chính sách phục vụ chiến tranh vệ quốc.
Trong 10 năm sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống khó khăn bao trùm từ Nam ra Bắc. Phải ăn khoai, bắp, bột mì, bo bo... thay cơm và thiếu cả thứ tối thiểu như thuốc chữa bệnh, quần áo, xà phòng, thực phẩm, xăng, dầu... Suốt 10 năm gọi là "tái thiết sau chiến tranh" đó, cả nước chỉ có vài công trình lớn được tài trợ từ các nước XHCN với tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ rup/USD, mà cầu Thăng Long (Hà Nội), thủy điện Sông Đà (Hòa Bình), thủy điện Trị An (Đồng Nai)... được coi là những "công trình thế kỷ”.
Hai năm đầu sau đổi mới, có nhiều hội thảo khoa học ở TPHCM, Đà Lạt với câu hỏi "Tại sao 10 năm qua, kinh tế Việt Nam suy thoái và chậm tiến hơn các nước Đông Nam Á?". Tôi nhớ câu trả lời của các nhà khoa học, nhà kinh tế là: "Vì chúng ta chỉ mơ ước kinh tế vĩ mô để nhanh chóng rút gọn thời kỳ quá độ, nhanh chóng tiến lên CNXH nên hạ tầng cơ sở bị hụt hẫng...". Có ý kiến còn cho rằng: "Nếu 3 tỷ rup/USD viện trợ từ Liên Xô và các nước XHCN không đưa vào xây dựng các "công trình thế kỷ” mà đầu tư vào phát triển sản xuất nhỏ, tiểu thủ công nghiệp thì kinh tế Việt Nam đã đi lên"...
Ngày nay, tức 35 - 37 năm sau, nhìn lại những đánh giá đó đều phiến diện, chủ quan, không đạt tầm khoa học. Nghị quyết Đại hội VI đánh giá sát thực tiễn khi giải thích nguyên nhân từ hậu quả chiến tranh, bệnh duy ý chí, giáo điều và cơ chế quan liêu bao cấp. Chỉ ra được nguyên nhân là điều rất may mắn cho đất nước, song muốn thanh toán chế độ bao cấp trong thực tiễn và trong tư duy không phải là chuyện một sớm một chiều. Sau Đại hội VI, dư âm từ sai lầm trong cải tạo tư sản ở miền Nam, hợp tác hóa ở miền Bắc và "giá - lương - tiền" với hệ quy chuẩn là thóc, lúa rất lạc hậu tiếp tục tàn phá nền kinh tế với siêu lạm phát lên đến 700 - 800%/năm. Siêu lạm phát làm đồng lương còm cỏi của tất cả cán bộ công nhân viên bị "bốc hơi" theo từng ngày, từng giờ...
Cũng vì thảm trạng của nền kinh tế như vậy mà tháng 5-1988, 19 tỉnh miền Bắc rơi vào thiếu đói, chính phủ phải nhờ Liên Hợp quốc viện trợ nhân đạo... Lớp trẻ dưới 30 tuổi như con, cháu chúng ta bây giờ không thể nào hình dung ra cuộc sống của thời bao cấp. Mà đã nghèo thì đi đôi với ... khổ. Cán bộ cấp Tỉnh ủy và cả những nhà khoa học lừng danh đều phải trốn giờ làm ở cơ quan, chạy đôn chạy đáo cho kịp đến mậu dịch chen lấn xếp hàng rồi đưa phiếu, đưa sổ ra để nhận mấy con cá ươn, vài ký gạo mốc mà mừng đến chảy nước mắt! Rồi các thượng tá, đại tá từ chiến trường về với huân chương đeo đỏ ngực, ngày ngày thồ mớ rau lang, rau bí tự trồng ra chợ bán để có thêm vài đồng chi tiêu trong gia đình...
Lúc đó, tôi vừa ra trường về Lâm Đồng công tác Tuyên giáo, lương được 38kg gạo mỗi tháng, cả cơ quan từ thủ trưởng đến tạp vụ, lái xe đều xắn quần băm rau, nấu cháo nuôi lợn. Một phần cơ quan bị biến thành chuồng lợn, vườn hoa bị cuốc lên để trồng khoai lang nuôi lợn. Làm cán bộ định hướng dư luận mà đầu óc chả nghĩ được điều gì ngoài cơm áo, gạo tiền và mấy bài chính trị giáo điều phát ngượng với thực tế! Trong những hội nghị lớn, cấp trên về truyền đạt kinh nghiệm lập các khu chế xuất, khu công nghiệp, siêu thị... ở nước ngoài. Chúng tôi vừa nghe vừa ngáp vì nghĩ đó chỉ là chuyện viễn tưởng chắc hết đời mình đến đời con mới may ra thấy được.
Cũng sau Đại hội VI chỉ vài tháng, tình trạng ngăn sông cấm chợ kéo dài gây khổ cho dân và đói kém khắp các vùng miền suốt thời bao cấp đã bị xóa bỏ. Tiếp đó là khoán 10 trong nông nghiệp giải quyết nốt tình trạng "cha chung không ai khóc" ở các tập đoàn, hợp tác xã, ruộng đất lại trở về tay nông dân để họ phát huy hết giá trị của nó. Dự thảo về việc xóa bao cấp trong giáo dục, y tế và kinh tế nhiều thành phần bắt đầu được nói đến. Đây cũng là mũi tên công phá tư duy cũ muốn dựa dẫm nhà nước của hàng chục triệu người, trong đó có tác giả loạt bài này.
Tháng 6-1988, lần đầu tiên trường ĐH Tổng Hợp TPHCM cấp bằng cử nhân cho sinh viên tốt nghiệp. Đây là điều rất phấn khởi. Song không ít sinh viên, trong đó có tôi lại bực bội, khó chịu vì sự thay đổi này khi nghe đại diện Ban giám hiệu tuyên bố "đào tạo nhân lực cho 5 thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân". Tại sao? Vì cứ nghĩ phải trở thành cán bộ trong cơ quan nhà nước mới oai, còn làm thuê cho các chủ tư nhân là tự đánh mất "vai trò làm chủ tập thể", tự "thỏa hiệp với bọn bóc lột", tự đánh mất "sứ mệnh lịch sử đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản" của mình...
Năm 1985 - khi ông Gorbachev lên làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô (ĐCSLX), trong các giảng đường trường ĐH Tổng Hợp TPHCM, chân dung của "nhà cải tổ" này được treo ngang bằng với ảnh Các Mác cùng với những lời ca ngợi, kỳ vọng của khối XHCN. Các sinh viên chúng tôi và cả những thầy cô giáo cứ ngỡ ông là vị cứu tinh cho ước mơ "chân dép lốp mà lên tàu vũ trụ” của mình. Chỉ vài năm sau, những người ngưỡng mộ Gorbachev nhất đã không khỏi thất vọng với "vị cứu tinh" khi Liên Xô - thành trì cách mạng thế giới sụp đổ!
Cùng với những thay đổi từ lý luận đến thực tiễn trong giai đoạn đầu đổi mới là làn sóng Việt kiều về nước. Những ai sợ đổi mới, sợ mất quyền lợi trong chế độ bao cấp đều dị ứng với sự tung hô những nhà đầu tư nước ngoài hoặc Việt kiều và tâm lý này được ngụy trang dưới khẩu hiệu "bảo vệ thành quả cách mạng". Sau này có thời gian suy ngẫm lại, ai trong chúng ta cũng thấy rằng, trước và song song với đổi mới, vai trò của văn học nghệ thuật, báo chí đã góp phần không nhỏ đến việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng từ Đại hội VI. Những tác phẩm điện ảnh, văn học, sân khấu, báo chí... đã kịp thời phản ánh những vô lý, trì trệ dẫn đến bất công trong chế độ bao cấp đã góp phần quan trọng hình thành tư duy đổi mới.
Từ nỗi niềm của dân trước nạn ngăn sông cấm chợ, nỗi niềm của những nhà quản lý địa phương, doanh nghiệp mệt mỏi với cơ chế xin cho, khát vọng được tự do làm ăn của người có tay nghề, phương tiện sản xuất bị trói buộc... cả những vấn đề chính trị nhạy cảm hơn như sự xuất hiện cường hào ác bá mới ở nông thôn, những thí sinh xuất sắc không được vào đại học vì lý lịch, hoài nghi về "thời kỳ quá độ”, "đấu tranh giai cấp" và "chủ nghĩa tư bản đang giãy chết"... đều được văn học, nghệ thuật phản ánh và được xã hội đón nhận nồng nhiệt.
Điều đó báo hiệu "cái mới" đã nảy sinh, hình thành, chờ thay thế cho những cản trở bước tiến của lịch sử. Thật may mắn cho đất nước, dân tộc và cho cả Đảng khi những nhà lãnh đạo đã dũng cảm vượt qua lý luận giáo điều để chọn "cái mới" trước khi chính thể ở Việt Nam có thể lâm vào khủng hoảng như Liên Xô, một số nước Đông Âu.
(Còn tiếp...)