Bến Tre đào tạo các nghề trọng điểm của khu vực ASEAN

Đến năm 2030, Bến Tre đặt mục tiêu sẽ phát triển hệ thống mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo.

Tư vấn việc làm cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Tư vấn việc làm cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người học; gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực lao động kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn vừa được UBND tỉnh Bến Tre ban hành, đến năm 2025, tổng số cơ giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia đào tạo giáo dục nghề nghiệp là 26 đơn vị, trong đó cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có 16 đơn vị.

Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo.

Bến Tre hình thành trường cao đẳng đa ngành, đa cấp, có năng lực tự chủ, sáng tạo và hội nhập, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; đồng thời đào tạo các nghề trọng điểm khu vực ASEAN và quốc tế từ trung cấp đến cao đẳng.

Đến năm 2030, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển đồng bộ và tái cấu trúc mạnh mẽ mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung vào các trường cao đẳng đào tạo đa trình độ, đa ngành nghề; tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 28, trong đó cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có 16 đơn vị.

Định hướng đến năm 2045, tỉnh sẽ sáp nhập Trường trung cấp công lập, Trường Cao đẳng Đồng khởi vào Trường Cao đẳng Bến Tre thành một Trường Cao đẳng đa ngành, đa cấp và trở thành Trường Cao đẳng hàng đầu của cả nước có khả năng cung ứng dịch vụ đào tạo đảm bảo thỏa mãn nhu cầu người học và người sử dụng lao động, bao gồm cả thị trường khu vực và cả nước. Tổng số cơ giáo dục nghề nghiệp năm 2045 là 31, trong đó cơ sở giáo dục công lập có 15 đơn vị.

Để thực hiện có hiệu quả, Bến Tre xây dựng các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đóng góp kinh phí đào tạo khi tiếp nhận lao động đã qua đào tạo. Mặt khác, tỉnh từng bước thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo lộ trình; thực hiện chuyển đổi từ cơ chế cấp kinh phí theo dự toán cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo.

Bến Tre tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; môi trường, khoa học và công nghệ; liên kết, hợp tác phát triển; hợp tác quốc tế; huy động, phân bổ vốn đầu tư... Đặc biệt là giải pháp về phát triển nguồn lực với hai nội dung trọng tâm là phát triển, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia và người dạy nghề, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tỉnh sẽ tổ chức, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo việc làm phù hợp và các chế độ, chính sách, quyền lợi đối với nhà giáo; tuyển mới giảng viên, giáo viên ngành nghề kỹ thuật, sắp xếp lại vị trí việc làm phù hợp đối với cán bộ quản lý. Bến Tre đào tạo sau đại học cho cán bộ, giáo viên để đạt tiêu chuẩn theo quy định; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ giảng viên, giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn, năng lực sư phạm, năng lực phát triển nghề nghiệp theo từng giai đoạn và đúng chuẩn quy định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp...

Tư vấn việc làm cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Tư vấn việc làm cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Ngoài ra, địa phương tập trung củng cố, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đủ về số lượng, đảm bảo cơ cấu, trình độ tay nghề theo quy định; chuẩn hóa cán bộ quản lý có trình độ, năng lực theo quy định. Bến Tre đẩy mạnh thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, quản lý tại các trường cao đẳng, trung cấp.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười, quan điểm của tỉnh là phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Công tác đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm, chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội và thu nhập của lao động có tay nghề...

Bến Tre chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo dục nghề nghiệp theo quy định; huy động nguồn lực xã hội cho công tác giáo dục nghề nghiệp, thực hiện cơ chế khuyến khích đào tạo cho người lao động trong doanh nghiệp.

Bến Tre hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 15 cơ sở công lập và 10 cơ sở ngoài công lập. Quy mô đào tạo bình quân hàng năm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 11.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2022 đạt 64,22%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 34,57%.

Hiện, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Bến Tre tham gia đào tạo 22 ngành nghề và nhóm ngành bậc Cao đẳng; 17 ngành nghề và nhóm ngành bậc Sơ cấp; dạy nghề thường xuyên 32 nghề. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo của các nghề này đạt trên 90%./.

Chương Đài/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ben-tre-dao-tao-cac-nghe-trong-diem-cua-khu-vuc-asean/302123.html