Tin tức kinh tế ngày 13/10: giá gạo châu Á thấp nhất trong hơn một năm

Giá vàng nhẫn neo cao; giá gạo châu Á thấp nhất trong hơn một năm; đầu tư ra nước ngoài giảm hơn 50%… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 13/10.

Giá gạo châu Á thấp nhất trong hơn một năm

Tuần này, giá gạo tại các trung tâm xuất khẩu chính ở châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua, do nhu cầu chậm lại và nguồn cung tăng sau khi Ấn Độ nới lỏng các quy định hạn chế xuất khẩu đối với mặt hàng chủ lực này.

Tin tức kinh tế ngày 13/10: giá gạo châu Á thấp nhất trong hơn một năm. Ảnh minh họa.

Tin tức kinh tế ngày 13/10: giá gạo châu Á thấp nhất trong hơn một năm. Ảnh minh họa.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá 538 USD/tấn trong phiên 10/10, so với mức 552 USD/tấn của một tuần trước đó. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 7/2023.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng giảm nhẹ từ 510 - 515 USD/tấn của tuần trước xuống còn 510 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023.

Giá vàng nhẫn neo cao

Giá vàng thế giới trong ngày 13/10 giao dịch ở mức 2.659 USD/ounce, ổn định so với trước đó.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 13/10, giá vàng SJC tại khu vực Hà Nội niêm yết ở mức 82,5 - 84,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), ổn ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Giá vàng SJC tại PNJ đang được mua vào ở mức 81,8 - 82,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), ổn ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Giá vàng nhẫn tại PNJ niêm yết ở mức 82,3 – 83,3 triệu đồng/lượng, ổn ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện dự báo đạt mốc lịch sử 100 tỷ USD

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Điện tử, máy tính và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam cùng với nhiều ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang nỗ lực hồi phục sau dịch Covid-19.

Sau 9 tháng năm 2024, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã xuất khẩu 52,8 tỷ USD, nhập khẩu 79,1 tỷ USD; tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 131,9 tỷ USD. Với giá trị nhập khẩu đã đạt được và tốc độ tăng cao như hiện tại, hoàn toàn có cơ sở để hy vọng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện là mặt hàng đầu tiên trong lịch sử đạt giá trị nhập khẩu 100 tỷ USD vào năm 2024.

Đầu tư ra nước ngoài giảm hơn 50%

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2024 có 105 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 177,5 triệu USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 20 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh 12 triệu USD, giảm 93%.

Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (bao gồm cả vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 189,6 triệu USD, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 15 ngành; trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng với 58,6 triệu USD, chiếm 30,9% tổng vốn đầu tư. Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 34,7 triệu USD, chiếm 18,3%.

Trung Quốc là trường lớn nhất của rau quả Việt Nam

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%. Trong số 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản, hiện Trung Quốc đứng vị trí thứ 2 và chiếm 20,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó, có mặt hàng rau quả nói chung, trái cây nói riêng, từ nhiều năm nay Trung Quốc đang đứng ở vị trí Top đầu trong số các thị trường xuất khẩu.

Đoàn Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-13-10gia-gao-chau-a-thap-nhat-trong-hon-mot-nam.html