Biện pháp nào ngăn chặn lừa đảo trực tuyến?

Nạn lừa đảo trực tuyến, mạo danh cơ quan, tổ chức để chiếm đoạt tài sản của người dân vẫn diễn biến phức tạp. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này.

Bộ TT-TT sẽ tiếp tục chặn SIM rác để ngăn ngừa lừa đảo trực tuyến

Bộ TT-TT sẽ tiếp tục chặn SIM rác để ngăn ngừa lừa đảo trực tuyến

Mới đây nhất, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về việc mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng.

Theo điều tra, Cục Đăng kiểm cho biết thời gian vừa qua, tài khoản ngân hàng của cơ quan này nhận được các khoản tiền từ 10.000 - 23.000 đồng được chuyển khoản từ các tài khoản cá nhân. Hầu hết không ghi rõ nội dung chuyển tiền.

Sau khi điều tra, Cục Đăng kiểm Việt Nam xác định, hiện nay đang xuất hiện nhóm đối tượng gọi điện cho chủ phương tiện thông báo rằng kể từ 1-10-2024, Cục Đăng kiểm sẽ thay đổi mẫu tem kiểm định và đề nghị chủ phương tiện muốn được đổi tem mới thì thanh toán khoản tiền là 10.000 đồng/tem cùng tiền cước vận chuyển là 23.000 đồng về tài khoản của Cục.

Bên cạnh đó, nhóm đối tượng này cũng hướng dẫn chủ phương tiện truy cập vào một đường link giả mạo Cục Đăng kiểm Việt Nam để khai báo thông tin cá nhân phục vụ cho việc đổi tem.

Khi chủ phương tiện truy cập vào đường dẫn giả mạo đó thì sẽ có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm quyền điều khiển thiết bị nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Cục Đăng kiểm Việt Nam không phải là cơ quan đầu tiên bị các đối tượng lừa đảo mạo danh nhằm chiếm đoạt tài sản. Trên thực tế, việc mạo danh diễn ra với Tòa án, Viện Kiểm sát, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Ngân hàng, trường học…

Dù đã được cảnh báo liên tục nhưng nhiều người vẫn trở thành nạn nhân, thiệt hại hàng tỷ đồng sau mỗi vụ việc.

Tình trạng lừa đảo trực tuyến diễn biến phức tạp đã được cử tri tại nhiều địa phương gửi tới Bộ TT-TT. Trả lời cử tri, Bộ TT-TT cho biết, thời gian qua, Bộ TT-TT đã thực hiện 06 giải pháp trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, mạo danh.

Bên cạnh giải pháp tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân, Bộ TT-TT đã triển khai các biện pháp quản lý các doanh nghiệp viễn thông nhằm ngăn chặn việc sử dụng sim rác, sim không chính chủ, sử dụng số điện thoại ảo để thực hiện việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Cụ thể, Bộ TT-TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý các trường hợp vi phạm. Từ năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xác thực hơn 125 triệu thuê bao từ đó xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ cũng đã nêu rõ quan điểm từ ngày 15-4-2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định (được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu của cuộc gọi rác). Trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ TT-TT sẽ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm (có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển thuê bao), đồng thời Bộ TT-TT sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở Người đứng đầu các doanh nghiệp.

Từ ngày 12-5-2024 đến nay, Bộ TT-TT (Cục Viễn thông) đã triển khai các đoàn kiểm tra về quản lý thông tin thuê bao di động tại các doanh nghiệp viễn thông di động. Tới thời điểm hiện tại, Bộ TT-TT đã đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới trong 2 tháng của 03 doanh nghiệp viễn thông di động: Vietnamobile, VNSKY đình chỉ từ ngày 1-7-2024 đến ngày 31-8-2024; Mobicast đình chỉ từ ngày 6-6-2024 đến ngày 5-8-2024.

“Đây là một hình thức xử lý rất nặng đối với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ TT-TT trong vấn đề xử lý SIM rác, SIM không chính chủ”- Bộ TT-TT cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) cho các cơ quan nhà nước. Để tiếp tục ngăn chặn tình trạng này, thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân: không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, qua đường link trên email/SMS; không download, sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc có khả năng lấy cắp thông tin cá nhân…;

Phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện danh sách số điện thoại định danh của cơ quan nhà nước, cung cấp danh sách cho các doanh nghiệp viễn thông di động để hoàn thiện và chính thức triển khai tính năng định danh cuộc gọi;

Xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM; Phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước góp phần xác định thông tin chính chủ.

Hà Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bien-phap-nao-ngan-chan-lua-dao-truc-tuyen-post594508.antd