Bình Thuận, Đắk Lắk dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường Tết
Tỉnh Bình Thuận ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá với tổng giá trị gần 350 tỷ đồng. Tỉnh Đắk Lắk có 10 doanh nghiệp lớn cam kết dự trữ hàng hóa thiết yếu trị giá hơn 271 tỷ đồng.
Để đảm bảo đầy đủ, thường xuyên, tránh xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2022, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Lắc đã có các phương án dữ trữ hàng hóa đảm bảo bình ổn thị trường Tết.
Tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá với tổng giá trị khoảng 350 tỷ đồng, tăng 237 tỷ đồng so với năm 2021.
Cụ thể, lượng hàng hóa phục vụ tết của Bình Thuận bao gồm gạo tẻ, gạo nếp, mỳ gói, đường, dầu ăn, thịt, sữa, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo… Tất cả hàng hóa đều phải đáp ứng tiêu chí bảo đảm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm và đáp ứng đầy đủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.
Giá bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp tham gia chương trình phải thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm của sản phẩm có cùng quy cách, chất lượng.
Theo kế hoạch, có 8 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn gồm chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận; Siêu thị Co.opMart Phan Thiết; Siêu thị Co.opMart La Gi; Siêu thị Co.opMart Phan Rí Cửa; Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam-Chi nhánh Bình Thuận; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Tùng Loan; Chi nhánh Công ty cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ; Trung tâm Dịch vụ miền núi-Ban Dân tộc tỉnh.
Hiện Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối lớn có kế hoạch dự trữ hàng, đảm bảo công suất dự trữ nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân với phương châm không để thiếu hàng, sốt giá, đảm bảo an toàn thực phẩm; trong đó, chú ý đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng các loại.
Cùng với việc triển khai kết hợp chương trình bình ổn với việc hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt việc phòng, chống dịch COVID-19 và đáp ứng yêu cầu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Thời gian bán hàng bình ổn được thực hiện trong 4 tháng (từ tháng 12/2021 đến hết tháng 3/2022). Ngoài việc bán hàng hóa trực tiếp tại các điểm bán cố định, các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức thêm điểm bán hàng lưu động tại địa bàn các huyện trong tỉnh và ưu tiên tổ chức điểm bán hàng tại các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo…
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Công Thương tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc tham mưu, đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết; trong đó, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung thịt lợn, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả, trứng gia cầm… bảo đảm đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về giá bán các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.
Tại tỉnh Đắk Lắk, theo Sở Công Thương tỉnh, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hiện đã có 10 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh cam kết dự trữ hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá hơn 271 tỷ đồng.
Việc xác định mặt hàng bình ổn dựa vào tính thiết yếu, nhu cầu sử dụng của người dân dịp Tết và tính nhạy cảm về cung cầu, giá cả. Các mặt hàng bình ổn chủ yếu gồm gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, bột ngọt và các loại thực phẩm chế biến, rau củ quả, nhiên liệu, bánh kẹo mứt. Thời gian thực hiện bình ổn kéo dài hơn 2 tháng, từ ngày 15/12/2021-28/2/2022.
Qua rà soát cung cầu thị trường, lượng hàng hóa cần cho khoảng 1,8 triệu dân tỉnh Đắk Lắk dùng trong 1 tháng vào dịp Tết dự kiến là 18.000 tấn gạo tẻ và gạo nếp, 3.600 tấn thịt lợn, 2.700 tấn rau củ quả, 1.260 tấn thủy hải sản…
Theo tính toán, lượng hoàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp, siêu thị lớn trên địa bàn sẽ đáp ứng khoảng 18% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Như vậy, một lượng lớn hàng hóa được dự trữ tại các cửa hàng, các chợ cũng là kênh lớn để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của nhân dân trong dịp Tết.
Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã trình ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Việc xây dựng kế hoạch nhằm sớm triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, kích cầu tiêu dùng, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh phát triển, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tính đến 16h ngày 6/12, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận có 8.524 ca mắc COVID-19. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp kéo dài, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa dự trữ nguồn hàng, vừa đảm bảo phòng chống dịch trong quá trình sản xuất kinh doanh theo quy định của Bộ Y tế. Qua các đợt giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy nhiều thời điểm, người dân đổ xô đi chợ hoặc siêu thị mua sắm hàng hóa dự trữ.
Do đó, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo, người dân không ồ ạt đi mua sắm hàng hóa để dự trữ dịp Tết sẽ dẫn đến khan hiếm hàng vào một thời điểm, tạo cơ hội cho gian lái, gian thương đẩy giá hàng hóa lên cao.
Theo ông Trần Trọng Lưu, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân và dự kiến đáp ứng đủ dịp Tết. Trường hợp xảy ra khan hiếm hàng hóa, Sở Công Thương theo dõi, điều chuyển hàng hóa đến điểm thiếu hàng trong vòng 24 giờ.
Qua các đợt dịch xảy ra trên địa bàn, hoạt động bán hàng trực tuyến đã được triển khai hiệu quả, lượng hàng bán trực tuyến chiếm khoảng 30% tổng giá trị hàng hóa bán ra.
Theo dự báo, người dân sẽ tiếp tục e dè, hạn chế tới trung tâm thương mại, siêu thị, chợ để mua sắm dịp Tết. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, hộ kinh doanh cần tiếp tục đẩy mạnh phương thức bán hàng trực tuyến và giao tận nhà./.