Bộ Công Thương đồng hành, gỡ khó cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong bão dịch corona
Bộ Công Thương đang tiếp tục triển khai các biện pháp để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, đồng thời giảm khó khăn cho hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu để duy trì đà sản xuất tăng trưởng.
Dịch bệnh do virus corona gây ra đã và đang ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Để đánh giá khả năng tác động đối với hoạt động xuất khẩu của các ngành hàng sang Trung Quốc và các thị trường khác, cũng như nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sáng 7/2/2020, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để nắm rõ những vấn đề này.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết, các ngành dù ít hay nhiều đều có sự liên hệ với phía Trung Quốc, về nguồn cung nguyên phụ liệu cũng như thị trường xuất nhập khẩu... do vậy, các ngành, hàng cũng ít nhiều đều chịu sự tác động của dịch bệnh nguy hiểm này.
“Đại diện cho Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu sẽ lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, ngành hàng trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nói.
Nguồn cung nguyên phụ liệu sắp cạn
Chia sẻ những khó khăn của ngành dệt may trước diễn biến bất thường của dịch bệnh, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may chịu tác động rất lớn do phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu, đầu vào từ phía Trung Quốc.
Dù các doanh nghiệp đã tìm mọi cách để cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh nhưng kết quả sẽ không khả quan nếu phía Trung Quốc tiếp tục đóng cửa biên giới.
“Với tình hình này, khả năng cầm cự của các doanh nghiệp đa phần là hết tháng ba, một số có thể đến tháng tư do công tác dự trữ nguồn hàng tốt”, ông Cẩm thông tin.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành dệt may còn lo ngại nếu như dừng sản xuất, doanh nghiệp phải trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của Luật Lao động hiện hành. Nhưng dệt may là ngành đặc thù, với hàng người lao động trong một doanh nghiệp thì không biết sẽ cầm cự được trong bao lâu.
Vì vậy, ngoài việc yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh; việc đóng, mở cửa khẩu của các nước cũng như việc chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu, ông Trương Văn Cẩm kiến nghị, các ngành phải khoanh vùng, kiểm soát dịch tốt hơn nữa, tránh lây lan càng sớm càng tốt.
Có lẽ Nhà nước, Chính phủ cần cân nhắc đến những khoản, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, nếu không doanh nghiệp sẽ phá sản, người lao động mất việc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị.
Tương tự với ngành dệt may, ngành da giày cũng chịu những tác động lớn do dịch bệnh gây nên. Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) chia sẻ, khảo sát sơ bộ, nguyên liệu trong kho của các doanh nghiệp da giày cũng chỉ đáp ứng được sản xuất một thời gian.
“Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, hiện các doanh nghiệp da giày đang tìm hướng thay thế nhưng chỉ đáp ứng được một phần. Như đối với mặt hàng da thuộc, các doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm nguồn cung khác từ Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh.
Tuy nhiên, nguyên liệu giả da, nguyên phụ liệu rõ ràng thị trường Trung Quốc vẫn là lợi thế lớn nhất”, bà Xuân nói.
Hiện nay, việc vận chuyển, lưu thông hàng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp da giày cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn hàng bị đình trệ do các cửa khẩu biên giới bị đóng cửa. Do vậy, đại diện Lefaso kiến nghị mở thêm các đường hàng không bởi nguồn nguyên phụ liệu của ngành da dày không nằm trong vùng dịch mà nằm nhiều ở phía Quảng Châu, Đông Quảng...
“Nếu như phía Trung Quốc mở cửa ở những nơi có khả năng an toàn thì vấn đề nguồn cung nguyên phụ liệu của ngành dệt may sẽ được giải tỏa. Vận tải bằng đường hàng không là giải pháp tức thì cho ngành”, bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
Thủ tục thông quan ngặt nghèo
Đối với lĩnh vực điện, điện tử, bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam nhận định, tác động của dịch bệnh đến ngành hàng này sẽ thấy rõ rệt trong vòng 1 - 2 tháng nữa.
Hiện nay, lượng hàng tồn kho trong các doanh nghiệp sản xuất đang gần hết. Trong khi đó, các lô hàng đặt mới lại đang tắc ở khâu thông quan tại cửa khẩu đường bộ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi cung ứng, bà Đỗ Thúy Hương chia sẻ.
Ngoài ra, bà Hương cũng cho biết, việc tìm kiếm nguồn cung thay thế của các doanh nghiệp sẽ không dễ tìm do nguồn cung của ngành hàng điện tử đã được “set up” theo chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước những khó khăn từ doanh nghiệp, bà Hương kiến nghị nhà nước cần có chính sách khoan nợ, dãn nợ, cũng như đưa ra các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành.
Đại diện Samsung tại Việt Nam đề nghị, Chính phủ Việt Nam phối hợp với phía Trung Quốc tạo thuận lợi cho thông quan hàng nhập khẩu tại cửa khẩu đường bộ, nhất là tại cửa khẩu Bằng Tường (Trung Quốc) và Lạng Sơn (Việt Nam).
Bộ Công Thương đồng hành, gỡ khó
Chia sẻ những khó khăn với các doanh nghiệp, Hiệp hội, ông Trần Thanh Hải cho biết, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (nCoV) có tác động toàn diện ở tất cả các mặt từ y tế, giao thông, du lịch, giáo dục, thương mại...
Đối với lĩnh vực thương mại, có thể thấy dịch bệnh này tác động ảnh hưởng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam không chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà cả trên các thị trường thứ ba, ảnh hưởng từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới cho đến thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng.
Mặc dù Cửa khẩu Hữu Nghị mở từ 3/2 nhưng do việc kiểm dịch nghiêm ngặt nên việc thông quan hàng hóa chưa được nhiều. Thêm vào đó, xuất hiện tâm lý e ngại của lái xe khi phải cách ly 14 ngày sau khi vận chuyển hàng qua cửa khẩu.
Thông tin về việc này, ông Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương đã có trao đổi với Bộ Y tế theo hướng triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch, ngăn dịch, nhưng vẫn đảm bảo biện pháp đưa ra không gây khó khăn quá mức cần thiết cho hoạt động giao thương.
“Chúng ta chấp nhận mất thời gian nhưng không để mất thời gian một cách vô lý, ông Hải nhấn mạnh.
Trong những ngày gần đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành triển khai nhiều hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với dịch nCoV.
Mới đây, ngày 5/2/2020, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh ký văn bản số 709/BCT-XNK gửi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đề nghị Hiệp hội khuyến nghị các hội viên cùng chung tay góp sức, có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho bãi, giảm chi phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa... để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân.
“Bộ Công Thương đang tiếp tục triển khai các biện pháp để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, đồng thời giảm khó khăn cho hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu để duy trì đà sản xuất tăng trưởng”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhấn mạnh.