Bước đầu phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn tại xã Trí Nang
Những năm qua Đảng ủy, UBND xã Trí Nang (Lang Chánh) đã lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đã hình thành, từng bước thay đổi tập quán canh tác và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Mô hình trồng xoài keo của hộ gia đình bà Lê Thị Hậu, bản Hắc, xã Trí Nang.
Là 1 trong 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Lang Chánh nên Trí Nang có tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện những mô hình sản xuất quy mô lớn chưa thực sự hiệu quả, số lượng mô hình còn hạn chế. Từ năm 2020, UBND xã đã tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn đổi ruộng đất; tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, từng bước ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, khuyến khích người dân lựa chọn, hình thành những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị và thực hiện liên doanh, liên kết trong sản xuất. Cùng với đó, UBND xã đã lồng ghép, cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ những hộ dân có đủ điều kiện về quỹ đất, trình độ sản xuất để phát triển những mô hình nông nghiệp.
Với gần 6 ha đồi thấp vốn sản xuất mía, keo nhưng hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng, năm 2022 được sự vận động, kích cầu của UBND xã, hộ gia đình bà Lê Thị Hậu ở bản Hắc đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây mới vào sản xuất. Bà Hậu cho biết: Tháng 4-2022, được vận động, hỗ trợ của chính quyền, gia đình đã thực hiện liên kết với Công ty CP Xuất khẩu T9 đưa hơn 300 gốc chanh leo, 555 gốc xoài keo vào sản xuất, tổng diện tích khoảng 1,8 ha. Nhờ được tập huấn kỹ thuật sản xuất nên diện tích cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Điều đáng mừng là công ty thực hiện thu mua toàn bộ sản phẩm. Ngoài ra, gia đình tôi còn liên kết sản xuất gần 4 ha dược liệu như mạch môn, bách bộ, đinh lăng với Công ty TNHH Nam dược Miền Trung. Việc sản xuất quy mô lớn đã giúp gia đình có thể chăm sóc đồng loạt, cùng thời điểm nên tiết kiệm được chi phí và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Không chỉ tại bản Hắc mà hầu hết các bản trên địa bàn xã Trí Nang đã hình thành được mô hình phát triển nông nghiệp có quy mô từ 1 ha trở lên. Trong đó có một số mô hình hiệu quả như: chanh leo, xoài keo, dược liệu, cây gai xanh, mía nguyên liệu... Phó Chủ tịch UBND xã Trí Nang Vi Văn Thu cho biết: Từ việc tuyên truyền, hỗ trợ tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả, đến nay người dân trên địa bàn xã đã “hứng thú” với phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Tiêu biểu như mô hình trồng chanh leo, ổi lê diện tích hơn 3 ha của hộ gia đình ông Hà Văn Hạnh; mô hình trồng cây gai xanh tại bản Hắc, bản Giăng... Đến nay, toàn xã đã phát triển được hơn 8 ha sản xuất cây dược liệu theo hợp đồng liên kết. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn còn nhiều hạn chế, như các mô hình chưa bảo đảm các điều kiện về tích tụ, tập trung đất đai để hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện. Bên cạnh đó, tập quán sản xuất của đa phần người dân còn lạc hậu, chưa lựa chọn được đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp nên việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa rõ rệt dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao như kỳ vọng.
Bước đầu chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn đã mang lại những hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho người dân. Đồng thời, nhờ việc mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, diện mạo ngành nông nghiệp xã Trí Nang đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp ở các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch ngày càng tăng; diện tích liên kết sản xuất đạt khoảng 40 ha/năm. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 200 tỷ đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đây chính là động lực để địa phương bảo đảm chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.