'Cái thật và thực tại' - kiến tạo cuộc đời bằng cái tôi ý chí
Rank không chỉ là học trò xuất sắc của Freud, ông còn là người khai sáng con đường trị liệu mới dựa trên nền tảng tri thức phân tâm phong phú và đồ sộ mà Freud đã tạo lập.
Cái thật và thực tại của Otto Rank được dịch và lần đầu tiên giới thiệu tới độc giả Việt Nam, nhằm góp phần cung cấp cái nhìn toàn diện, có hệ thống về phân tâm học, cũng như dòng tâm lý trị liệu. Bên cạnh những gì đã quen thuộc, nó giúp độc giả bắt kịp những mạch nguồn tri thức lớn của thế giới.
Tìm hiểu những bí ẩn về cái tôi
Năm 1924 là thời gian đánh dấu cuộc ly khai lịch sử của Rank khỏi dòng chính của phân tâm học. Đấy là khi Otto Rank xuất bản cuốn sách The Trauma of Birth (tạm dịch Chấn thương sinh nở).
Sau đó, Rank chính thức bị "hất“ ra khỏi “Hội đồng bảy“ của Freud. Ông sang Mỹ để bắt đầu hiện thực hóa những ý tưởng của mình. Cái thật và thực tại là một trong những bước tiến quan trọng trong ý tưởng về tâm lý học ý chí của ông.
Trong cuốn sách, Rank chỉ ra rằng phân tâm học có những thế mạnh vô cùng to lớn. Nó có một nền tảng lý thuyết vững chắc. Nó cũng giúp con người lần đầu tiên đi sâu vào tận những ngóc ngách của tâm hồn, từ đó khám phá những sự thật nội tâm nguyên sơ, tìm ra bóng tối, cũng như thấy phần ánh sáng tuyệt vời. Đặc biệt, nó cung cấp cho nhà trị liệu những kỹ thuật cơ bản để bóc tách và lần hồi tìm ra những nỗi đau trong mỗi người.
Rank cũng nhận ra một điểm rất tinh tế. Về mặt lý thuyết, phân tâm cho người ta thấy cả một tòa lâu đài tráng lệ của tâm hồn con người. Song về mặt trị liệu, phân tâm học gần như mắc kẹt. Sau khi nhìn ra vấn đề trong tâm hồn con người, nó không biết sẽ phải trị liệu như thế nào. Càng về sau, phân tâm học càng trở nên bất lực trong việc chữa lành.
Để phản biện Freud, Jung lẫn Adler, Rank cho rằng cái tôi không phải chỉ là một địa hạt của những bản năng vô thức, nó cũng không phải nơi phô diễn của những quy ước và đạo đức xã hội. Cái tôi luôn tiềm chứa một ý chí. Chính nhờ ý chí này, nó không ngừng trải nghiệm và sáng tạo mình qua từng khoảnh khắc sống.
Cái tôi không chỉ biết đến thực tại bên ngoài, mà còn kiến tạo thực tại bên trong nó. Giữa nội giới và ngoại giới, nó tìm thấy một lối đi cho chính mình trong cuộc đấu tranh khốc liệt giữa bản năng hoang dại bên trong mình và ước chế xã hội bên ngoài mình.
Tolstoy đã nói: "Sự kiện trọng đại nhất trong cuộc đời một con người là khoảnh khắc anh ta ý thức về cái tôi của mình“.
Còn Rank nói sự kiện trọng đại nhất trong cuộc đời một con người là khoảnh khắc bạn kiến tạo cuộc đời bằng cái tôi ý chí sáng tạo của chính mình.
Otto Rank là người đặt nền móng cho liệu pháp ý chí
Rank đã chỉ ra trong Cái thật và thực tại: Một tâm lý học về ý chí - cái ý chí nội tâm bừng sáng trong mỗi người - sẽ là tia sáng chữa lành cho con người.
Quan điểm của Otto Rank thấm đẫm tinh thần hiện sinh của những triết gia "tiên tri“ thời đại trước ông, lẫn góp một phần vào sự bùng nổ của tinh thần hiện sinh sau ông. Có lẽ, nó còn rất gần với những triết lý sâu sắc của phương Đông.
Sau này Carl Roger - một nhà trị liệu nhân văn vĩ đại của thế kỷ 20 - đã kế thừa và mô tả: Nó là một quá trình mà cái tôi sáng tạo và kiến tạo nên chính mình, chứ không phải là một cái tôi chỉ chứa đầy dục năng hay những dồn nén đạo đức xã hội.
Dù tên ông đã gần như bị nhóm phân tâm học cực đoan ở Vienna phủ nhận, những giá trị do tâm lý học ý chí của ông mang lại vẫn luôn âm thầm được bạn đọc tiếp nhận.
Otto Rank được đánh giá là "thiên tài bị lịch sử tâm lý học lãng quên sau cuộc tẩy chay vào những năm 1930 do nhóm ủng hộ Phân tâm học dấy lên”.
Ý tưởng và lý thuyết của ông để lại ảnh hưởng và dấu ấn rõ nét nơi những nhà tâm lý lẫy lừng của Mỹ thế kỷ 20 như Carl Rogers, Fritz Perls và Rollo May.