Cần phân định vai trò quản lý và chủ sở hữu của nhà nước

Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) với vai trò quản lý nhà nước, nhưng chưa triển khai giải pháp với vai trò là chủ sở hữu của DN. Thực tế này khiến cho không ít doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gặp khó khăn lớn, trong khi vẫn phải thực hiện những trách nhiệm được Đảng và Nhà nước giao.

Vietnam Airlines đang đề nghị Chính phủ, với vai trò là chủ sở hữu, hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp. Ảnh: VNA

Vietnam Airlines đang đề nghị Chính phủ, với vai trò là chủ sở hữu, hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp. Ảnh: VNA

Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) với vai trò quản lý nhà nước, nhưng chưa triển khai giải pháp với vai trò là chủ sở hữu của DN. Thực tế này khiến cho không ít doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gặp khó khăn lớn, trong khi vẫn phải thực hiện những trách nhiệm được Đảng và Nhà nước giao.

Dẫu lớn mạnh cũng lao đao

Một tin vui cho các hãng hàng không: Tại phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31-12-2020 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không, vốn phải chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Nhưng như thế rõ ràng là chưa đủ để các hãng hàng không “bay cao”. Chẳng thế mà mới đây, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) đã phải lên tiếng đề nghị Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng.

“VNA sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ tháng 8-2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản của Chính phủ với vai trò là chủ sở hữu. Khi con cái khó khăn, thì đầu tiên là phải quay về cầu cứu “bố mẹ” là chủ sở hữu”, lãnh đạo VNA trần tình. Ông cũng nói thêm rằng, VNA đã và đang phải thực hiện các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao ngay trong thời kỳ đại dịch. Ví VNA như bông hoa đẹp trên một cây hoa khỏe mạnh, nhưng đang bị một cơn mưa gió quá lớn nên tạm thời đang khó khăn, nhưng “nếu được chăm sóc thì nhất định sẽ phục hồi”, ông Thành khẳng định, vượt qua giai đoạn thiếu vốn trước mắt, VNA sẽ phát triển bền vững sau khủng hoảng.

Dễ thấy khó khăn hiện nay không phải là tình cảnh của riêng Hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Tính đến tháng 5-2020, Covid-19 đã “thổi bay” gần 50% (tương đương 190 tỷ USD) giá trị vốn hóa của 115 hãng hàng không niêm yết trên thế giới và ước tính cần 250 tỷ USD từ các chính phủ để hỗ trợ ngành hàng không. Theo số liệu từ Hiệp hội Hàng không thế giới (IATA), doanh thu của các hãng hàng không thế giới dự kiến giảm 419 tỷ USD và lỗ khoảng 84 tỷ USD trong năm 2020, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương lỗ khoảng 29 tỷ USD.

Với VNA, năm 2020, dự kiến lỗ ròng lên tới 13.000 tỷ đồng, mặc dù kết quả kinh doanh của năm 2019 rất tốt. Cũng theo ông Dương Trí Thành, Vietnam Airlines đã trao đổi với một chủ sở hữu của mình là Hãng ANA của Nhật Bản về việc hỗ trợ vốn (ANA sở hữu 8,6% cổ phần Vietnam Airlines - PV), tuy nhiên, ANA thậm chí còn khó khăn hơn. Họ cũng đang đi vay 10 tỷ USD cho hoạt động của chính mình và không thể có nguồn tiền tăng vốn và cho vay.

Một điều đáng nói, cho đến nay, nhà nước vẫn chưa triển khai giải pháp nào với tư cách là chủ sở hữu của VNA. Ở đây, việc chưa phân định rạch ròi giữa vai trò quản lý nhà nước với vai trò chủ sở hữu đã khiến Chính phủ có sự phân vân, khó xử nhất định khi muốn hỗ trợ DN mà không “đụng chạm” đến những quy định hiện hành.

Đừng nghĩ là nuông “con đẻ”

Tại cuộc tọa đàm do Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức đầu tuần này, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ cựu cho rằng, cần xử lý tháo gỡ theo cơ chế đặc thù do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không chỉ theo khung pháp lý sẵn có. Các giải pháp cần phải vừa bảo đảm tính khả thi, vừa không tạo áp lực cân đối thu - chi trong tương lai.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nêu ra ba phương án hỗ trợ cho DN. Phương án thứ nhất là tăng vốn điều lệ: Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư vào VNA. Phương án thứ hai là chuyển giao vốn giữa các DN thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Phương án thứ ba là vay vốn từ chủ sở hữu nhà nước. Theo ông Cung, cả ba phương án đều cần cơ chế đặc thù, nhưng đều có cơ sở pháp lý và đều có tính khả thi.

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các chính phủ đã nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp của mình, với cả hai vai trò: quản lý nhà nước và thành viên, cổ đông góp vốn. Tuy bây giờ đang gặp khó, nhưng VNA hoàn toàn có thể trở thành nhân tố “đẩy” tăng trưởng rất hiệu quả”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

Chia sẻ quan điểm này, TS Vũ Bằng - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, việc vay vốn ngân hàng để tái cấp vốn cho VNA là phù hợp, có thể có kết hợp các khoản vay từ nhiều ngân hàng để cùng nhà nước tăng thêm nguồn tài chính giúp hãng này vượt qua khó khăn.

Giải pháp phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, về mặt pháp lý có những điểm vướng mắc, vì công ty có lỗ lũy kế thì không được phát hành ra đại chúng, song có thể phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho SCIC theo sự ủy quyền của Nhà nước với mức giá hài hòa giữa nhà nước và DN. Đương nhiên, việc này cần xin ý kiến của Đại hội đồng cổ đông.

Ngoài ra, Vietnam Airlines có thể phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi cho SCIC, được Nhà nước chỉ định. Tỷ lệ chuyển đổi được tính dựa trên giá cơ sở của Vietnam Airlines trên sàn (mã HVN) khoảng 26.000 đồng/cổ phiếu. Nếu giá trị sổ sách ở mức khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu thì có thể tính tỷ lệ chuyển đổi cân bằng giữa lợi ích của nhà nước trong khoảng đó.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, nhà nước cũng phải tính toán việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi để cơ cấu vốn chủ sở hữu vẫn giữ, nhưng nắm không quá nhiều.

Các giải pháp hỗ trợ DNNN cần phải vừa bảo đảm tính khả thi, vừa không tạo áp lực cân đối thu - chi trong tương lai. Ảnh: NGUYỄN NHƯ

TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ thì cho rằng, Nhà nước không đủ tiền để “cứu” tất cả DN. Do đó, phải chọn những DN có tiềm năng phục hồi nhanh, để khi hỗ trợ DN đó sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy nền kinh tế. “Tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, đưa giải pháp đặc biệt rồi xong cũng phải trao “kiếm lệnh” để thực thi giải pháp bởi nếu không sẽ bị trói buộc bởi rất nhiều quy định có trước đó”, ông Thiên nói.

Có thể những giải pháp hỗ trợ Hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ sớm được thống nhất. Nhưng về lâu về dài, vấn đề chủ sở hữu của nhà nước sẽ cần phải tường minh hơn. Nếu làm rõ được kế hoạch đầu tư của SCIC vào VNA (nguồn tiền được xác định là vốn của SCIC đang dồi dào và đủ khả năng thực hiện ngay) không phải là chuyện “nuông con đẻ, ghẻ lạnh con nuôi” thì VNA (và các DNNN khác) cũng sẽ không phải phấp phỏng lo sợ đến ngày rơi vào trạng thái mất thanh khoản.

CẨM HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/can-phan-dinh-vai-tro-quan-ly-va-chu-so-huu-cua-nha-nuoc-609050/