Cần 'thiết kế' room tín dụng phù hợp cho doanh nghiệp, nông dân ngành lúa gạo
Theo Tổng Giám đốc Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận, hiện nay room tín dụng cho doanh nghiệp, người sản xuất lúa gạo đã có nhưng vẫn chưa phù hợp đặc tính của ngành, do đó cần có thiết kế phù hợp hơn cho ngành.
Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục
Ngày 13/12, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững”. Tại sự kiện, TS Cao Thăng Bình – đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện cao hơn các nước khác trong khu vực, trung bình 640-650 USD/tấn, có khi đạt 680 USD/tấn. Điều này cho thấy chất lượng lúa gạo của Việt Nam đang cao hơn các thị trường khác. Trong bối cảnh một số quốc gia có khuynh hướng giới hạn xuất khẩu thì đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng lượng và giá trị xuất khẩu.
Nói rõ hơn vấn đề xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt 7,8 triệu tấn với trị giá 4,4 tỷ USD, là mức kim ngạch cao nhất kể từ năm 1989 trở lại đây và dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Sản lượng lúa trung bình của Việt Nam là 43-45 triệu tấn/năm, tương ứng 26-28 triệu tấn gạo, trong đó khoảng 20 triệu tấn tiêu thụ trong nước, phần còn lại xuất khẩu.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam tập trung nghiên cứu phát triển giống lúa có giá trị cao, cả về chất lượng và năng suất, thích ứng biến đổi khí hậu. Các quy trình canh tác tiên tiến tăng cường, công nghệ chế biến gạo ngày càng phát triển… Nhờ vậy, gạo Việt ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế và được nhiều nước công nhận là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới, đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung
Ông Trung cũng nhấn mạnh, với việc Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030” được phê duyệt, Việt Nam xác định mục tiêu hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Tình trạng “bẻ kèo” giữa doanh nghiệp và người nông dân vẫn thường xuyên xảy ra
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề mà ngành lúa gạo cần có giải pháp nếu muốn phát triển bền vững, bao gồm vấn đề quy mô sản xuất nhỏ lẻ, người nông dân chưa thấy được lợi ích của tham gia hợp tác xã, chưa có chính sách hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp liên kết với người nông dân; biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo; xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng khiến gạo Việt gặp cạnh tranh từ các thị trường đối thủ và rào cản kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu….
PGS.TS Nguyễn Phú Sơn (thuộc trường Đại học Cần Thơ) cũng chỉ ra 10 điểm nghẽn mà ngành lúa gạo đang phải đối mặt. Trong đó, các tác nhân trong chuỗi hiện nay vẫn chưa nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất liên kết. Do đó, thời gian qua, tình trạng “bẻ kèo” giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, người nông dân vẫn thường xuyên xảy ra.
PGS.TS Nguyễn Phú Sơn
Tư duy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người nông dân trong chuỗi giá trị cũng chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và mang tính bền vững khi mà nông dân thì chú trọng sản lượng, còn doanh nghiệp lại mong muốn mua được giá rẻ.
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến thiếu vùng nguyên liệu sản xuất tập trung chất lượng cao cũng như làm hạn chế khả năng ứng dụng cơ giới và tự động hóa trong sản xuất lúa dẫn đến chi phí sản xuất cao. Ngành hàng lúa gạo hiện nay cũng chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn…
Cần có "thiết kế" room tín dụng phù hợp với đặc tính của ngành lúa gạo
Trước những thách thức trên của ngành lúa gạo Việt, PGS.TS Nguyễn Phú Sơn cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo.
Chi phí sản xuất cũng cần được cắt giảm để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo. Để thực hiện được giải pháp này, ông Sơn kiến nghị hỗ trợ tín dụng ưu đãi nhằm khuyến khích các hộ nông dân, hợp tác xã tăng cường hoạt động đầu tư ứng dụng cơ giới và tự động hóa. Đồng thời, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, kỹ thuật số và xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, đặc biệt đối với các hộ nông dân trong vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao.
Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cũng cho rằng, xu hướng của thế giới là cần 520 triệu tấn gạo mỗi năm, với sự tăng trưởng như hiện nay thì việc đáp ứng nhu cầu là gần như không thể. Do đó, việc liên kết không chỉ làm giảm chi phí sản xuất mà còn cung ứng ổn định về lúa gạo khi đây là ngành sản xuất quy mô lớn, nhu cầu lên tới hàng triệu tấn nên liên kết sản xuất cần diễn ra trên hàng triệu hộ nông dân.
Ông Thuận cũng nhấn mạnh về vấn đề room tín dụng khi hiện nay các chính sách chưa phù hợp với đặc tính của ngành.
“Mặc dù có nhiều ưu đãi cho người nông dân trồng lúa, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo. Tuy nhiên, sản phẩm tín dụng chưa hoàn toàn phù hợp với đặc tính của ngành khiến hiệu quả sử dụng dòng vốn kém hiệu quả. Do đó cần có thiết kế sản phẩm tín dụng phù hợp hơn cho doanh nghiệp, người sản xuất của ngành”, ông Thuận nói.
Cụ thể, ông Thuận cho rằng, với kế hoạch 1 triệu ha lúa thì room tín dụng cần là 1 tỷ USD cho canh tác, cho nhà máy chế biến lúa gạo là 3 tỷ USD. Vòng quay tín dụng của người nông dân là 4 tháng, tương đương với 1 vụ lúa. Vòng quay tín dụng của doanh nghiệp là 6 tháng để doanh nghiệp có thể tiêu thụ hết lúa gạo đã mua. Room tín dụng không cần tăng và không thể tăng do giới hạn diện tích, tuy nhiên cần thiết kế phù hợp với thời gian thu hoạch, tránh việc room giải ngân hoặc quay về ngân hàng trước khi người nông dân thu hoạch xong lúa hay doanh nghiệp bán hết lượng gạo trong kho.