Chất người núi Đọi, sông Châu
Giáp Tết Quý Mão, mấy anh em đồng hương chọn quán cà-phê bên cầu Long Biên, Hà Nội đón tất niên sớm. Trong tiết trời se lạnh, gió liu riu qua những bãi ngô bắp đang vào mẩy trên bến sông Hồng, câu chuyện ngược dòng những trăm năm lịch sử. Rằng Hà Nội-Hà Nam có nhiều nét tương đồng.
Giáp Tết Quý Mão, mấy anh em đồng hương chọn quán cà-phê bên cầu Long Biên, Hà Nội đón tất niên sớm. Trong tiết trời se lạnh, gió liu riu qua những bãi ngô bắp đang vào mẩy trên bến sông Hồng, câu chuyện ngược dòng những trăm năm lịch sử. Rằng Hà Nội-Hà Nam có nhiều nét tương đồng.
Thì đấy, trước năm 1890, toàn bộ vùng đất Hà Nam ngày nay còn thuộc quyền cai trị của Triều đình Huế. Ngày đó còn gọi là phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội. Hà Nam mình có nhiều di sản văn hóa quý giá, nhưng đáng kể đầu tiên là tại đây đã phát hiện 21 trống đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ. Trong số đó có Trống đồng Ngọc Lũ là Bảo vật quốc gia, một phiên bản được trưng bày tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ. Thế giới biết đến trống đồng là của Việt Nam, gọi tắt là Trống đồng Hà Nội, mấy ai khảo sát chi li nó là Trống đồng Ngọc Lũ, thuộc về miền châu thổ sông Hồng - Hà Nam.
Ông bạn kĩ sư cầu đường, trước đây làm ở Sở Giao thông Hà Nội thuộc lòng từng con số về kinh tế Thủ đô, chậm rãi góp chuyện: Đấy là văn hóa, lịch sử xa. Tôi muốn nói về cái gần hơn. Như nơi chúng mình đang ngồi đây, bên cầu Long Biên. Cầu này do người Pháp xây dựng hoàn thành vào năm 1902. Sau này ta lo chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng. Những người thợ sơn cầu quanh năm treo mình trên sông, sơn được đầu này thì đầu kia sơn tróc, lặng thầm góp sức vào việc nối thông hai bờ sông Mẹ. Phải mãi đến đầu những năm 80 thế kỷ 20, Hà Nội mới có thêm cầu Thăng Long và Chương Dương. Đó là hai cây cầu làm chứng sau khi cả nước thống nhất chuẩn bị bước vào thời kỳ đổi mới. 40 năm trôi qua, bây giờ nội đô lừng lững vượt sông Hồng với tám cây cầu hiện đại. Và với tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô ta sẽ có thêm 10 cây cầu bắc qua sông, trong đó có cầu Phú Xuyên giáp với Hà Nam. Khi ấy Hà Nội sẽ có cả thảy 18 cây cầu soi bóng sông Hồng.
Núi Đọi, sông Châu. Ảnh: Điện Biên
Ông kĩ sư cầu đường nói củ tỉ như thế bởi muốn làm phép so sánh với Hà Nam, cửa ngõ Thủ đô. Riêng về những cây cầu qua sông Đáy cũng có gì đó giống với chuyện cây cầu Hà Nội. Mấy chục năm trước Hà Nam chỉ có độc nhất vô nhị cầu Hồng Phú ở thị xã Phủ Lý. Đó là cây cầu bê-tông kiên cố, niềm tự hào của người Nam Hà (khi còn chung tỉnh với Nam Định). Vậy mà sau một phần tư thế kỷ đã lừng lững tám cầu bê-tông và hai cầu dây văng lặng ngắm dòng sông Đáy mùa khô hạn cũng như mùa mưa lũ. Còn phải kể thêm những cây cầu hiện đại nối Hà Nam với Hưng Yên, Thái Bình. Bây giờ, người dân ba tỉnh có thể dễ dàng qua thăm nhau dùng bữa tối rồi trở về nhà. Cây cầu và dòng sông như một câu chuyện tình vừa thực tế vừa có phần lãng mạn. Đương nhiên, rút ngắn khoảng cách, rút ngắn thời gian là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển. Vậy thì đúng là Hà Nam giống với Hà Nội quá, qua hình ảnh những cây cầu; qua hình ảnh dòng sông chở nặng phù sa, gạn lọc, kết tinh trầm tích, những giá trị mới được gắn kết, tôn bồi, làm nên sức mạnh tinh thần to lớn thời mở cửa.
Nhưng còn một cái giống Hà Nội rất cơ bản nữa. Đó là sự giống nhau trong bước chuyển của nền kinh tế. Năm 2022 vừa qua, đánh dấu một kỳ tích: Hà Nam thực hiện tự chủ về ngân sách. Vậy là chúng ta đã về đích sớm so với lời hẹn mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX (2020 - 2025) đề ra: “Đến 2025 là tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%; tự cân đối ngân sách”. Đến đây, ông bạn nói một câu chắc như cua gạch: Khi luận chứng về một điều gì đó thì hãy dùng sự thật để chứng minh, chứ không dùng lí lẽ của người khác để biện minh cho ý tưởng của mình.
Vì sao quê hương chúng ta có sự bứt phá mạnh mẽ? Hai năm liền chống chọi với đại dịch Covid-19, có thời điểm, có làng quê ngột thở trong “vùng đỏ”. Vậy mà sau dịch, kịp xắn tay áo vào việc phục hồi và phát triển kinh tế, nói bài bản là “thích ứng linh hoạt”. Hiếm có nơi nào từ một vùng chiêm trũng thuần nông, cái đói cái nghèo kéo dài đằng đẵng đời này qua đời khác vẫn kiên trì “thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên, thứ ba canh điền”, nhà nông ta vẫn gắng gỏi, “ông lão dắt trâu đi bừa là con ông lão ngày xưa đi cầy”, vậy mà gặp ngọn gió công nghiệp hóa đã đổi hướng, đổi đời thoáng chốc như nằm mơ vậy. Cái sự đổi hướng ấy hội tụ trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vẫn trung thành với nhà bác học Lê Quý Đôn: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi nông bất ổn, phi trí bất hưng”, phải đẩy công-thương lên thì mới giàu được. Và cái cơ cấu ấy ở Hà Nam, ở cái nơi rốn nước ngày xưa ấy, công nghiệp và dịch vụ đã tăng với tốc độ thần tốc. Tôi thật sự bất ngờ khi nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh thông báo, đến nay trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ của Hà Nam chiếm tới 90,8%, trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm 67,3%; còn lại chưa đầy 10% là nông nghiệp.
Một góc thành phố Phủ Lý hôm nay. Ảnh: Điện Biên
Xin nhớ lại, 25 năm trước khi mới tái lập tỉnh, tỉ trọng nông nghiệp mới chỉ chiếm một nửa trong cái bánh kinh tế khổng lồ, cái bánh không đủ nuôi cái dạ dầy. Nhưng 10% sản phẩm nông nghiệp ấy lại là vốn quý của nhà nông ta. Nó giữ cái “ổn” trong nhà và suy rộng ra làng, ra nước. Trong trận đánh “giặc Covid-19” vừa rồi, nhìn dòng người dắt díu nhau hồi hương trở về quê, tạm xa các khu công nghiệp càng thấy cái bồ thóc của nhà nông như một cái phao luôn nổi khi mặt nước phẳng lặng hay khi lũ xoáy. Điều này cha ông ta xưa nói “hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Và người dân trấn Sơn Nam Hạ xưa lại bình tĩnh suy xét trên luống cày thời kinh tế số, sao cho con gà biết đẻ trứng vàng.
Bây giờ lại nói về sự giống nhau trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa Hà Nam và Hà Nội. Vẫn là ông bạn cầu đường kéo cao cổ áo khoác tránh cái rét ngọt thổi lên từ mặt sông: “Cái tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của Hà Nội trong 10 năm qua cũng na ná như mình. Công nghiệp - xây dựng - dịch vụ: khoảng 88%. Nhưng trong đó dịch vụ chiếm tới 65%. Còn ở Hà Nam, dịch vụ có tỉ trọng nhỏ hơn, 25% thôi. Thế là hợp lí. Dịch vụ sẽ tăng theo trong quá trình đô thị hóa, khi mức sống của người dân ngày một cao. Cho nên ở Hà Nam, các địa phương trở thành điểm sáng nông thôn mới kiểu mẫu là đang tiến tới việc đẩy nhanh kinh tế dịch vụ”. Mấy anh em có vẻ ngơ ngác giống như lần đầu đi học lớp chứng khoán, ù hết cả tai mà vẫn không làm sao nhớ được các khái niệm. Thầy bảo, thôi các anh cứ liều “chơi chứng khoán” đi thì mới thuộc được. Muốn biết bơi phải xuống nước. Nhà “Hà Nội học” bảo: “Dịch vụ có nhiều loại, dịch vụ sản xuất, dịch vụ tiêu dùng, dịch vụ cộng đồng... Dịch vụ, tóm lại, nó luôn đứng bên cạnh Thượng đế để chờ lệnh. Cánh ta cà-phê hôm nay là đang sử dụng dịch vụ tiêu dùng”.
Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Kim Bảng). Ảnh: P.V
Vậy đúng là ta “thua” Hà Nội ở khoản kinh tế dịch vụ cũng phải. Vì ta đang đi nhanh, đang bứt tốc về công nghiệp. Dân số ta ít hơn, thưa hơn. Rồi cỗ máy công nghiệp sẽ kéo theo dịch vụ. Ở thành phố Phủ Lý thì dịch vụ ăn uống, giải trí, thư giãn, làm đẹp chả kém gì Hà Nội. Vậy là trong tương lai, có bao nhiêu nhà kinh tế công nghiệp-dịch vụ đã ngắm mảnh đất hiền hòa bên sông Châu, sông Đáy? Đại bàng đang tìm nơi làm tổ ở mảnh đất có nhiều nét tương đồng với Thủ đô.
Không phải là lạc quan quá mức khi nghĩ đến một ngày không xa Hà Nam sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố cửa ngõ Thủ đô nghìn năm văn hiến. Các tiêu chuẩn, tiêu chí thì cơ bản đã hình thành. Diện mạo đô thị, nông thôn đã đổi thay nhanh chóng. Toàn tỉnh đã hình thành 9 khu đô thị mới đạt tiêu chí đô thị loại 5, thành phố Phủ Lý được công nhận là đô thị loại 2, thị xã Duy Tiên non trẻ đang vươn vai bước sang tuổi mới, huyện Kim Bảng đang phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2025. Tầm nhìn những năm 2030-2050 đã xác định.
Vậy là Tết này chúng ta có nhiều câu chuyện mới để nói với nhau. Nói về một hiện thực trong tầm tay, dẫu còn đòi hỏi sức vươn tới nhanh hơn, mạnh mẽ hơn như những cây cầu vượt sóng. Trí ta đã sáng, lòng ta đã quyết, đường ta đã định thì sức mạnh sẽ nhân lên gấp bội. Biết ơn tiền nhân đã khai sơn phá thạch. Lòng biết ơn là trái ngọt của những tháng ngày dày công vun xới. Đương nhiên, chớ quên nhắc nhau đừng bao giờ chủ quan, thỏa mãn, phải chống lại sức ỳ và những cố tật khác có gốc gác từ lối sản xuất nhỏ, làm ăn manh mún, đèn nhà ai nhà nấy rạng, trâu buộc ghét trâu ăn…
Một thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai. Hay ít nhất một tỉnh có nền công nghiệp-dịch vụ hiện đại, một phần nhờ công nghiệp văn hóa phát triển, sáng mắt, sáng lòng, vững tin trên đường lớn, mở lối tiễn người đi và mở cửa đón người về.
Trong ráng đỏ sông Hồng ngày áp Tết, những người con xa quê cứ miên man nghĩ về dáng vóc làng xưa thay áo mới. Cái gì “xưa” như “làng tôi xanh bóng tre” mà tốt, đẹp, thì giữ lấy, không sợ ai chê nệ cổ. Cái mới thì đón nhận, hào hứng và tỉnh táo. Đấy, chất người núi Đọi, sông Châu. Cùng với chất hào hoa, thanh lịch của người Tràng An, cái chất mà nhà thơ, chí sĩ Phạm Tất Đắc (1909-1935), người con quê hương, đã viết trong bài thơ dài Chiêu hồn nước: “Vạch trời thét một tiếng vang!”./.