Chi Lăng: Phát triển sản xuất ớt theo hướng VietGAPTin khácSẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10Người đi tìm hình của nước

Năm 2022, huyện Chi Lăng triển khai mô hình trồng ớt theo tiêu chuẩn VietGAP và cấp mã số vùng trồng. Từ đó, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Linh Đức Tiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chi Lăng cho biết: Trước đây, người dân trồng ớt trên địa bàn huyện chủ yếu theo tập quán, kinh nghiệm. Trong đó, quy trình sản xuất của bà con khác nhau khiến chất lượng ớt không đồng đều. Một số gia đình còn lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật quá mức, ảnh hưởng đến chất lượng ớt. Do đó, sản phẩm ớt Chi Lăng chưa có đủ các điều kiện xuất khẩu sang các thị trường lớn, dẫn đến tình trạng thương lái ép giá, đầu ra bấp bênh. Phát triển mô hình sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP và cấp mã số vùng trồng nhằm giải quyết những vấn đề trên cũng như đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Người dân xã Mai Sao, huyện Chi Lăng thu hoạch ớt

Người dân xã Mai Sao, huyện Chi Lăng thu hoạch ớt

Theo đó, Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng đã hỗ trợ người dân tại thị trấn Đồng Mỏ và 4 xã: Quan Sơn, Bắc Thủy, Mai Sao, Nhân Lý triển khai mô hình trồng ớt theo quy trình VietGAP với tổng diện tích 100 ha.

Tại xã Quan Sơn có 195 hộ tham gia mô hình. Triển khai mô hình, Phòng NN&PTNT đã phối hợp với chính quyền xã tổ chức 2 lớp tập huấn cho người dân. Ông Vi Phương Nghiệp, thôn Đông Mồ, xã Quan Sơn cho biết: Gia đình tôi có 4 sào ớt tham gia mô hình VietGAP. Khác với việc trồng ớt truyền thống, vụ ớt 2022, tôi lựa chọn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, vi sinh thay vì sử dụng các loại phân bón hóa học. Ngoài ra, tôi còn thực hiện ghi chép ngày tháng bón phân, phun thuốc để liên tục theo dõi tình hình phát triển của vườn ớt.

Còn tại thị trấn Đồng Mỏ, có hơn 200 hộ dân tham gia mô hình. Từ khi triển khai, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với UBND thị trấn tổ chức 1 lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất ớt theo hướng VietGAP đến các hộ dân. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: quy trình trồng, chăm sóc; danh mục các loại phân hữu cơ nên sử dụng; một số loại sâu bệnh hại thường gặp và cách khắc phục…

Bà Vi Thị Vững, người dân khu Tiền Phong, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Gia đình tôi có 3 sào ớt. Trước đây gia đình thường trồng ớt theo tập quán, kinh nghiệm, do đó, cây thường bị bệnh và rất tốn công làm cỏ. Vụ ớt năm 2022, gia đình triển khai trồng ớt theo tiêu chuẩn VietGAP và được hỗ trợ bẫy bả ruồi vàng. Trong quá trình chăm sóc, tôi sử dụng 100% phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Đồng thời, sử dụng các màng nilon để đệm lót ngăn không cho cỏ mọc. Nhờ đó, giảm thiểu đáng kể công chăm sóc. Không chỉ vậy, cây ớt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP rất ít bị sâu bệnh hại, quả ớt khi thu hoạch có mẫu mã đẹp hơn.

Trao đổi với một số hộ dân tham gia mô hình tại thị trấn Đồng Mỏ và các xã như: Mai Sao, Quan Sơn… được biết, với quy trình chăm sóc VietGAP, cây ớt phát triển tốt hơn, ít bị sâu bệnh và hạn chế được việc mất dinh dưỡng do ngăn được cỏ dại. Theo ước tính của nhiều hộ dân, năng suất ớt được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt khoảng 16 tấn/ha, tăng khoảng 3 tấn/ha so với canh tác truyền thống.

Theo đánh giá từ Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng, dù mới triển khai nhưng thực tế đã cho thấy, việc phát triển sản xuất ớt theo hướng VietGAP giúp sản phẩm ớt có năng suất, chất lượng ổn định hơn, an toàn hơn. Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết thêm: Hiện nay, ớt của người dân chủ yếu vẫn được bán qua kênh thương lái. Do đó, đơn vị đang thực hiện các giải pháp để hướng đến việc xây dựng mã số vùng trồng cho ớt VietGAP. Thời gian tới, đơn vị sẽ kêu gọi các doanh nghiệp có đủ khả năng, tiềm lực trên địa bàn tham gia liên kết sản xuất, hướng đến xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn. Qua đó, đáp ứng tiêu chí xuất khẩu ớt chính ngạch cũng như ổn định đầu ra cho người dân.

Có thể thấy, phát triển mô hình sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Chi Lăng là hướng đi phù hợp với chủ trương hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ cây ớt và tạo tiền đề cho việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm Ớt Chi Lăng.

GIA KHÁNH

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/504945-chi-lang-phat-trien-san-xuat-ot-theo-huong-vietgap.html