Chính trị gia Pakistan ngồi 'ghế nóng' vì bê bối băng ghi âm

Các đoạn ghi âm bí mật của các chính trị gia Pakistan bị rò rỉ đã tạo ra cảm xúc tiêu cực trong dư luận giữa lúc tình hình chính trị bất ổn ngày càng trầm trọng. Cuối cùng, ai là người hưởng lợi từ bê bối mới nổi lên ở quốc gia Nam Á này?

Cả hai đời Thủ tướng Pakistan đều đang dính phải bê bối rò rỉ băng ghi âm có nội dung nhạy cảm

Cả hai đời Thủ tướng Pakistan đều đang dính phải bê bối rò rỉ băng ghi âm có nội dung nhạy cảm

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sahrif đã ra lệnh điều tra một số cuộc trò chuyện bị rò rỉ có chủ đích giữa cựu Thủ tướng Imran Khan và các phụ tá của ông vì cho rằng nó có nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Trong các đoạn ghi âm, ông Imran Khan dường như đang nói với các quan chức của đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) - một trong những đảng chính trị lớn nhất đất nước - về xử lý mật mã ngoại giao có liên quan đến “chế độ Mỹ”. Vào tháng 4-2022, trong bối cảnh các đảng đối lập có động thái bất tín nhiệm chống lại chính phủ, Thủ tướng Imran Khan tuyên bố rằng ông sở hữu một “bức thư” chứng minh việc Washington can thiệp lật đổ lãnh đạo Pakistan. Ông Khan cho rằng, người Mỹ trừng phạt vì ông theo đuổi “một chính sách đối ngoại độc lập”.

Chính phủ của Thủ tướng Pakistan đương nhiệm cho rằng, tuyên bố về “âm mưu có yếu tố nước ngoài” của ông Imran Khan chỉ là một nỗ lực nhằm khơi dậy tình cảm chống Mỹ ở Pakistan và đánh lạc hướng người dân khỏi sự “kém cỏi” nghiêm trọng trong suốt 3,5 năm cầm quyền của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Imran Khan không phải là chính trị gia lớn duy nhất của Pakistan bị rò rỉ các đoạn băng ghi âm. Các bản ghi âm nhắm vào Thủ tướng Shehbaz Sharif cũng được tiết lộ vào tuần trước. Trong đó, người ta có thể nghe thấy ông Shehbaz Sharif nói về việc phân bổ dự án điện cho người họ hàng của mình. Trong một đoạn clip khác, cháu gái của ông là Maryam Nawaz đang cố yêu cầu ông hủy bỏ một dự án y tế công cộng do chính phủ tiền nhiệm phát động.

Mặc dù 2 nhà lãnh đạo hàng đầu của Pakistan đổ lỗi cho nhau về chuyện rò rỉ các đoạn băng, nhưng các nhà phân tích cho rằng, họ đã gây mất uy tín như nhau cho cả phe đối lập và chính phủ. Tauseef Ahmed Khan - một nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Karachi tin rằng, điều này củng cố quan niệm của dân chúng là các chính trị gia đều có thể hành động bất chấp nhằm phục vụ cho quyền lực của họ.

Bà Bushra Gohar - một cựu nghị sĩ cho biết, đây không phải là lần đầu tiên điện thoại của các chính trị gia bị nghe trộm. “Tôi đã nêu vấn đề nghe lén điện thoại bất hợp pháp của các chính trị gia trong quốc hội” - bà nói với DW và cáo buộc các đoạn ghi âm bí mật được các cơ quan tình báo sử dụng để “tống tiền” các chính trị gia và làm suy yếu chính phủ dân sự. “Một vấn đề nghiêm trọng là ngay cả văn phòng của Thủ tướng cũng không an toàn cho bất kỳ cuộc họp an ninh nào. Nội dung băng ghi âm đang được thảo luận công khai, nhưng không ai đặt câu hỏi về tính bất hợp pháp của những bản ghi âm này” - bà Bushra Gohar nói.

Cũng có một số nhà phân tích cho rằng, vụ rò rỉ này dường như là một âm mưu làm hoen ố hình ảnh của các chính trị gia Pakistan. Nhưng cuộc chiến giằng co giữa cựu Thủ tướng Imran Khan và chính phủ đương nhiệm hiện đang căng thẳng đến mức khó có khả năng họ chung tay giải quyết vụ bê bối này. Người ta cũng cáo buộc rằng, quân đội hùng mạnh của nước này đứng sau chiến dịch “rò rỉ băng ghi âm”.

Nhưng dù sao, theo một số nhà phân tích, các chính trị gia cần phải xem xét lại hành động của mình trước thay vì luôn chỉ tay vào quân đội. Ijaz Awan - một tướng đã nghỉ hưu và nhà phân tích quốc phòng đã phủ nhận sự liên quan của quân đội trong vụ rò rỉ băng ghi âm. “Chính sự kém cỏi của chính phủ đã dẫn đến những vụ rò rỉ này. Nó cũng đã xảy ra khi ông Nawaz Sharif còn là thủ tướng giai đoạn 2013-2017. Nếu chính phủ của ông ấy hành động từ hồi đó, điều này sẽ không xảy ra nữa” - ông Awan nói.

(Theo DW)

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chinh-tri-gia-pakistan-ngoi-ghe-nong-vi-be-boi-bang-ghi-am-post519319.antd