Chống dịch 'quá tay', nông sản lao đao
'Dù Thủ tướng nói không được 'ngăn sông, cấm chợ' nhưng do địa phương nhận thức khác nhau về dịch bệnh nên ứng xử không đồng nhất trong vận chuyển nông sản' - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.
Chiều 7-6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành nhằm tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản ra cửa khẩu và luân chuyển nông sản giữa các tỉnh.
Ứng xử không đồng nhất
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết mặc dù Thủ tướng nói không được “ngăn sông, cấm chợ” nhưng do địa phương nhận thức khác nhau về dịch bệnh nên có những cách ứng xử không đồng nhất, gây ra khó khăn trong vận chuyển nông sản.
“Nông sản có tính thời vụ, ngắn ngày nên bị chậm vận chuyển không chỉ phát sinh chi phí mà còn làm hư hao chất lượng, giảm giá trị nông sản. Tôi có trao đổi với các bộ trưởng trong phiên họp Chính phủ vừa rồi, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì tổ chức cuộc họp để các bộ, ngành cùng ngồi thống nhất quy trình tháo gỡ nút thắt này” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng dẫn câu chuyện vừa xảy ra khi Đồng Nai áp dụng lệnh cách ly với người từ TP.HCM, Long An cũng siết chặt... khiến chuỗi hành trình nông sản gặp khó khăn.
Ông Hoan dẫn câu chuyện ở Vũ Hán (Trung Quốc) về ứng phó đại dịch. Khi đó TP Vũ Hàn giãn cách xã hội khiến mặt hàng nông sản bị ứ đọng. Sau đó họ đã có một loạt giải pháp để vượt qua khó khăn, vừa mở rộng thị trường, kết nối cung cầu.
“Đặc biệt họ có chủ trương kích hoạt luồng xanh trong vận chuyển để tháo gỡ tất cả nông sản có thể vận chuyển nhanh nhất đến thị trường, trong đó có sự phối hợp của ngành y tế, ngoại giao, công thương, nông nghiệp, CSGT... Như vừa rồi ở Bắc Giang có chứng nhận địa phương để vải thiều không bị nhiễm COVID-19, tài xế không bị nhiễm COVID-19 nhưng chứng nhận cấp huyện thì không đủ pháp lý, giá trị. Hay vừa rồi Hải Dương kêu qua Hải Phòng khó quá, sau đó Bắc Giang lại kêu đi qua Hải Dương khó quá nên cần làm sao giúp bà con tiêu thụ nông sản được tốt nhất” - ông Hoan nói.
Áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), hiện nhiều loại nông sản của nước ta đang trong vụ mùa thu hoạch với sản lượng lớn. Nhưng thời gian qua, các địa phương phản ánh đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nông sản trong vùng dịch an toàn khi tiêu thụ, khó khăn khi vận chuyển nông sản ra ngoài vùng dịch.
Cùng với đó là những khó khăn về con người khi bị cách ly trong vùng dịch, thiếu lao động duy trì sản xuất, việc kiểm dịch của đơn vị chuyên môn tại các vùng dịch bị cách ly y tế rất khó khăn... Đồng thời việc vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết khi không cho phép xe vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua, dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với tài xế và hàng hóa. Không chỉ vậy, các địa phương cũng phản ánh gặp nhiều khó khăn do cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí cầu đường và lưu thông vận chuyển tăng” - ông Toản chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cũng cho hay theo phản ánh của các doanh nghiệp thì khi qua các chốt, ở mỗi địa phương có những biện pháp phòng chống dịch khác nhau nên cũng có những khó khăn. Như ở Bắc Giang, một số nơi kiểm soát quá chặt chẽ gây ảnh hưởng cho đơn vị vận tải.
“Chúng tôi đề xuất Bộ NN&PTNT chỉ đạo các sở NN&PTNT có nhu cầu vận chuyển thì thông tin đến Sở GTVT, chúng tôi sẽ có hỗ trợ về thông tin đơn vị vận tải và khả năng vận chuyển đến các đơn vị” - ông Thủy nhấn mạnh.
Chấn chỉnh khẩn cấp
Để tháo gỡ các khó khăn trên, Bộ NN&PTNT đã đề xuất nhiều kiến nghị với các bộ, ngành liên quan. Đơn cử như với Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT đề nghị bộ chủ trì phối hợp với các bộ Y tế, Công an, Công Thương rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và sản xuất, kinh doanh; chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải…
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, tiêu thụ, cung ứng hàng hóa giữa địa phương có dịch và các địa phương khác. Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét việc cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với các sản phẩm nông sản địa phương đã thực hiện đúng quy trình kiểm soát an toàn dịch COVID-19 theo hướng dẫn. Có cơ chế ưu tiên tiêm vaccine sớm cho đối tượng lái xe vận chuyển, giao nhận hàng hóa.
Đại diện Bộ Y tế cho biết từ những đợt dịch đầu tiên tại Việt Nam, bộ đã có hướng dẫn công tác kiểm dịch biên giới. Trong đó có tính đến các phương án trong việc vận chuyển lưu thông hàng hóa ra biên giới phía Bắc, đã tháo gỡ được tình trạng khi đó. Các đợt dịch tiếp theo, bộ cũng có hướng dẫn công tác phòng chống dịch trong vận chuyển hàng hóa ở các khu vực có dịch ra ngoài.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng có một số khó khăn về vấn đề cách ly, chúng tôi đã phối hợp với đơn vị các tỉnh để giải quyết. Chúng tôi sẽ thường xuyên cố gắng cập nhật thông tin nhanh nhất, thông tin nào thuộc nội dung chúng tôi cần hướng dẫn bổ sung thì chúng tôi sẽ hướng dẫn bổ sung” - đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh.•
Kiến nghị cấp sổ thông hành cho tài xế chở hàng xuất khẩu
Ngày 7-6, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, đề nghị cấp sổ thông hành cho tài xế chở hàng xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới.
Theo Bộ NN&PTNT, qua thực tế, một số địa phương biên giới phía Bắc đã có sáng kiến thành lập đội tài xế chuyên trách để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho đội tài xế là giải pháp hữu hiệu nhất trong phòng chống dịch, do vậy bộ đề nghị ban chỉ đạo xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan trao đổi với cả hai địa phương biên giới cùng nghiên cứu thực hiện. Trước mắt cho phép đội tài xế chuyên trách vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới được tiêm vaccine đủ theo quy định y tế, test nhanh để đảm bảo an toàn vận chuyển.
Bộ cũng đề xuất ban chỉ đạo thống nhất hình thức cấp, sử dụng sổ thông hành (hộ chiếu vaccine) cho tài xế đảm bảo tối ưu trong phương án vận chuyển hàng hóa giữa hai bên an toàn, thuận lợi hóa thông quan, tiết giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, người dân hai nước. Việc này sẽ được giao cho UBND các địa phương thực hiện.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/chong-dich-qua-tay-nong-san-lao-dao-991077.html