Chủ tịch Quốc hội: Bảo hiểm nông, lâm, ngư nghiệp sẽ tạo bệ đỡ cho người nông dân

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Mặc dù bảo hiểm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là rất khó, nhưng khó cũng phải làm, để tạo bệ đỡ cho người nông dân yên tâm. Nếu có rủi ro, thiệt hại, họ có thể khôi phục lại sản xuất.

Tháo gỡ vướng mắc để phát triển thị trường bảo hiểm

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, các vướng mắc, nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là một trong bẩy dự án Luật đầu tiên của Quốc hội khóa XV. Với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng, lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã xem xét từ sớm, tiếp thu, góp ý nhiều vòng. Đặc biệt, tại các phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý nhiều nội dung bên cạnh các ý kiến của cơ quan thẩm tra.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, dù là Dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu nhưng chất lượng của dự án Luật và chất lượng công tác thẩm tra rất tốt. Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi còn ở giai đoạn soạn thảo, dự án Luật đã nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài, các hiệp hội băn khoăn, lo ngại nhiều vấn đề, nhưng nay những vấn đề đó cũng đã được tháo gỡ và các quy định đã dần tiệm cận theo thông lệ quốc tế, để bảo đảm phát triển thị trường bảo hiểm của chúng ta bền vững, đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dư địa để phát triển thị trường bảo hiểm trong nước còn nhiều, cả về bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm vi mô, cũng như các hoạt động bảo hiểm và tái bảo hiểm. Thời gian qua, tăng trưởng ở lĩnh vực này là tương đối tốt và còn nhiều tiềm năng, do đó, tháo gỡ vướng mắc của thị trường bảo hiểm là một bộ phận rất quan trọng để phát triển thị trường vốn.

Xét về mặt sản phẩm, hàng hóa thì bảo hiểm là một loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao và ngày càng hiện đại. Trong khi đó, các văn kiện Đại hội Đảng đều nhấn mạnh vào việc thực hiện tốc độ tăng dịch vụ phải nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP và đặc biệt chú trọng vào những loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic, khoa học công nghệ…

Cần chú trọng hơn đến bảo hiểm nông – lâm và ngư nghiệp

Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát một số nội dung.

Trong đó, liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đề nghị Chính phủ tiếp tục đảm bảo phát triển cân đối, hài hòa hơn, đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm, cả về nhân thọ và phi nhân thọ, về bảo hiểm và tái bảo hiểm. Trong đó, cần chú ý đến sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nước ta là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai gây thiệt hại đến cây trồng, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, hiện nay, thiệt hại do thiên tai còn nặng về hỗ trợ của Nhà nước hoặc hỗ trợ từ hoạt động thiện nguyện trong Nhân dân. Trong khi đó, bù đắp cho thiệt hại này từ sản phẩm bảo hiểm còn chưa đáp ứng, thậm chí sản phẩm bảo hiểm cho lâm nghiệp, ngư nghiệp gần như là chưa có. Còn đối với bảo hiểm nông nghiệp thì các nông trại, trang trại lớn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chưa tham gia bảo hiểm nhiều.

Mặc dù dự thảo Luật đã có tiếp thu nhưng nội dung về sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp là chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển thị trường này trong thời gian tới.

Khi có thiệt hại do thiên tai, bão, lũ bên cạnh phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước, là một phần hỗ trợ bắt buộc, trách nhiệm của Nhà nước, thì cần chuyển hướng bù đắp thiệt hại chủ yếu bằng các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mặc dù bảo hiểm nông, lâm, ngư nghiệp là rất khó, khó trong tính toán phí bảo hiểm... nhưng khó cũng phải làm để phát triển mạnh bảo hiểm trong lĩnh vực này theo tiến bộ của thế giới và làm cho người nông dân yên tâm khi có bệ đỡ là bảo hiểm. Nếu có rủi ro, tổn thất, thiệt hại, người nông dân hoàn toàn có thể khôi phục lại được sản xuất.

Ảnh minh họa.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, người dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản rất vất vả, phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, trong đó có cả bảo hiểm tài sản, kể cả bảo hiểm liên quan đến thời tiết thì cũng cần được tính toán đến. Dự thảo Luật không thể quy định hết mọi nội dung nhưng cần quy định những vấn đề căn bản nhất để Chính phủ có hướng dẫn chi tiết, tiếp tục hoàn thiện Nghị định hướng dẫn về bảo hiểm nông nghiệp…

Liên quan đến bảo hiểm vi mô, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, dự thảo Luật chỉ quy định có 2 điều về nội dung này, dù Chính phủ đã có ý kiến tiếp thu theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu về chiến lược tài chính toàn diện đã được Ngân hàng Nhà nước chủ trì trình Chính phủ ban hành để thể chế về bảo hiểm vi mô trong dự án Luật. Nếu bảo hiểm vi mô đến được với người dân ở vùng sâu, vùng xa, người yếu thế là rất tốt và nên cần tổng kết đánh giá về bảo hiểm vi mô do các tổ chức chính trị, xã hội đã triển khai thực hiện như Hội Liên hiệp Phụ nữ để quy định cụ thể hơn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả người cung cấp dịch vụ và người mua bảo hiểm, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trên cơ sở luật gốc là Bộ luật Dân sự. Hợp đồng bảo hiểm cần phù hợp với kinh doanh bảo hiểm tới đây trên môi trường số, môi trường điện tử, liên quan đến các vấn đề số hóa, chữ ký điện tử, hồ sơ điện tử… Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là cơ hội rất tốt để chúng ta tiếp cận, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này…

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-tich-quoc-hoi-bao-hiem-nong-lam-ngu-nghiep-se-tao-be-do-cho-nguoi-nong-dan-post163384.html