Chủ trương đúng, cách làm hiệu quả

PTĐT - Sau hơn 1 năm thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị ở các đơn vị hành chính mới đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả.

Cán bộ Bộ phận một cửa xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân sau khi sáp nhập xã.

Cán bộ Bộ phận một cửa xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân sau khi sáp nhập xã.

PTĐT - Sau hơn 1 năm thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị ở các đơn vị hành chính mới đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, việc ổn định tình hình cơ sở từng bước được nâng cao, góp phần lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sự chuyển biến tích cực

Thực hiện Nghị quyết số 828/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Phú Thọ. Qua xem xét, đánh giá Phú Thọ là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập lớn thứ 3 của cả nước với gần 30% số xã. Tổng số đơn vị hành chính sau sắp xếp, sáp nhập từ 277 xã, phường, thị trấn xuống còn 225 xã, phường, thị trấn, giảm 52 đơn vị. Trong đó, huyện Hạ Hòa là địa phương có số đơn vị hành chính xã giảm nhiều nhất của tỉnh khi sắp xếp giảm 13 xã. Huyện Thanh Ba và Tam Nông đứng thứ 2 giảm 8 xã. Ít nhất là thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì giảm 1 xã.
Trước khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập, qua quá trình rà soát, 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 đơn vị cấp huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, có 39 xã dưới 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Do đó, tại các xã này công tác quy hoạch đất đai, dân cư, thu hút đầu tư vào địa phương gặp những hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức xã đông với 1.490 người nhưng tại một số nơi bố trí chưa hợp lý, năng lực và trách nhiệm làm việc còn yếu và thiếu sự chủ động, trông chờ vào hướng dẫn của cấp trên. Một vấn đề nữa là quá trình đầu tư các nguồn lực của huyện và của tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội bị phân tán nhiều xã.Trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã cũng gặp nhiều khó khăn, bởi liên quan đến nhiều lĩnh vực, chưa có tiền lệ thực hiện. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, công tác quy hoạch, xây dựng nông thôn mới phải được điều chỉnh ở đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi thành lập. Nhiều loại giấy tờ của tổ chức, công dân phải được thay đổi để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, học tập và các quan hệ xã hội của người dân. Ngoài ra, việc bố trí sắp xếp hợp lý công chức chuyên môn ở đơn vị hành chính sau khi sáp nhập, thực hiện tinh giản biên chế cán bộ, công chức cấp xã theo quy định gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, các địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân nhận thức sâu sắc việc sắp xếp các đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước.Chúng tôi đến Đan Thượng, huyện Hạ Hòa sau hơn một năm sáp nhập, đây là xã được sáp nhập từ 4 xã: Đan Thượng, Đan Hà, Hậu Bổng và Liên Phương. Xã hiện có 13 khu hành chính, hơn 9.600 nhân khẩu với 620 đảng viên sinh hoạt ở 26 chi bộ. Ngay sau khi sáp nhập, địa phương đã kiện toàn bộ máy tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể gắn với xây dựng kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận chuyên môn. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức xã nhanh chóng tiếp cận, thích nghi với môi trường làm việc mới và hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng và cải cách thủ tục hành chính…Năm 2020, xã Đan Thượng đã đạt được kết quả tốt trên nhiều lĩnh vực như: Xây dựng thành công khu 8 đạt chuẩn nông thôn mới; tuyên truyền, vận động 44 hộ hiến 8.344m2 đất và tài sản trên đất để làm đường giao thông nông thôn; thực hiện cải tạo, nâng cấp, làm mới nhiều tuyến đường giao thông liên xã, thôn, xóm với tổng nguồn vốn đầu tư 13,5 tỷ đồng; huy động nhân lực, vật lực, phương tiện kịp thời xử lý, khắc phục đoạn đê bối ở khu 13 bị tràn do ảnh hưởng của cơn bão số 13; tiếp nhận và giải quyết 6.577 lượt hồ sơ giấy tờ của công dân theo cơ chế một cửa…Là người nhiều lần đến giải quyết thủ tục hành chính cả trước và sau khi sáp nhập xã, ông Bùi Quyết Chiến, khu 7 chia sẻ: Tôi thấy ở Đan Thượng công tác cải cách thủ tục hành chính đã từng bước được cải thiện theo chiều hướng tích cực, phong cách, thái độ tiếp công dân của cán bộ, nhân viên tại bộ phận một cửa sau sáp nhập chu đáo và chuyên nghiệp hơn so với trước, do đó công việc được giải quyết nhanh gọn, thuận lợi.Ông Vũ Xuân Hưởng - Chủ tịch UBND xã Đan Thượng cho biết: Việc sáp nhập 4 xã là chủ trương phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm tinh gọn bộ máy quản lý. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã sau sáp nhập có trình độ chuyên môn tốt, trách nhiệm cao, từ đó phát huy được năng lực, giải quyết nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài vượt cấp mà trước đó gặp bế tắc, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai.Cũng như Hạ Hòa, tại huyện Thanh Ba, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã đã được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh, chú trọng đến các yếu tố phù hợp về lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán cộng đồng dân cư và điều kiện địa lý - tự nhiên. Sau hơn 1 năm sáp nhập, các xã mới có thêm điều kiện để tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, hình thành nguồn quỹ đất dồi dào, giúp nhân dân tích tụ ruộng đất. Hạn chế việc phân tán các nguồn lực của huyện và của tỉnh trong đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Đội ngũ cán bộ, công chức của các xã mới đã thay đổi tư duy, tự phấn đấu, rèn luyện, hoàn thiện về chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, góp phần đưa đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Cán bộ xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Cán bộ xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Là động lực xây dựng chính quyền cơ sở

Tại huyện Cẩm Khê, 10 đơn vị hành chính cấp xã được tiến hành sắp xếp thành 3 xã mới. Sau sắp xếp, toàn huyện còn 24 đơn vị hành chính cấp xã. Cả 3 mới xã sau sáp nhập đều đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Trên cơ sở sắp xếp, bộ máy mới đều sát với nhân sự Đại hội Đảng bộ từng địa phương góp phần tạo nên thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua tại các xã mới sáp nhập.
Minh Tân là xã được sáp nhập từ 3 xã Phương Xá, Phùng Xá và Đồng Cam trước đây. Xã hiện có trên 12.400 nhân khẩu, với 16 khu dân cư. Sau sáp nhập, địa phương đã kiện toàn bộ máy, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ xã lần thứ nhất, đề ra Nghị quyết đưa xã phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Tình hình kinh tế - xã hội ở đây đã và đang phát triển về mọi mặt, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hiện đại theo hướng hàng hóa; nuôi trồng thủy sản theo hướng xen ghép giữa thả cá với chăn nuôi gia súc, gia cầm; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các cơ sở kinh doanh thương mại-dịch vụ;… từ đó tạo nguồn nội lực để phấn đấu và xây dựng xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới.Từ sự ổn định nhanh chóng, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền, xã đã có nhiều cách làm hay, tổ chức các hội nghị, các cuộc họp dân để bàn về việc thực hiện Nghị quyết về dồn đổi, tích tụ, tập trung đất nông nghiệp trên địa bàn. Tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giải phóng sức lao động, thời gian cho người dân. Từ hơn 45.000 thửa ruộng, sau khi dồn đổi còn hơn 20.000 thửa, bình quân chỉ 9 thửa/hộ, đã tạo thành những ô thửa lớn hơn, thuận tiện trong sản xuất hàng hóa và canh tác cánh đồng mẫu lớn.Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: Năm 2020 dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xã lại mới sáp nhập nên gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng nên từ cán bộ, đảng viên đến các tầng lớp nhân dân đều tin tưởng, đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu, trong đó có nhiều chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch đã đề ra.Trao đổi với phóng viên, ông Cù Xuân Ân - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê cho biết: Sau hơn 1 năm thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện, có thể thấy đội ngũ cán bộ, công chức của các xã mới đều có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt. Trong đó, ý thức trách nhiệm và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân tại bộ phận “một cửa” cấp xã đã được nâng lên rõ rệt, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đến giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính. Nhìn chung hoạt động tại các địa phương mới sáp nhập đã đi vào nền nếp, nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Đây là tiền đề để các xã mới nói riêng và toàn huyện nói chung sớm hoàn thành và vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung toàn tỉnh, đồng thời thể hiện chủ trương đúng, cách làm hiệu quả của tỉnh.Theo đánh giá của UBND tỉnh giai đoạn 2019-2021, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, đầy đủ các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Sắp xếp đơn vị hành chính để mở rộng quy mô dân số, diện tích đặc biệt đối với cấp xã là một yêu cầu xuất phát từ tình hình thực tiễn quản lý, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong giai đoạn phát triển hiện nay. Công tác triển khai thực hiện đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. An ninh, trật tự giữ vững ổn định trước, trong và sau quá trình triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Tú Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202103/chu-truong-dung-cach-lam-hieu-qua-175967