Thanh khoản dồi dào, đà tăng lãi suất huy động đã chững lại

Xu hướng tăng lãi suất tiền gửi đã chậm lại trong tháng 9, khi chỉ một số ít ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất với mức tăng nhẹ từ 0,1 - 0,5 điểm phần trăm, cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào trong suốt những tuần đầu tháng...

Trong báo cáo tiền tệ tháng 9, Chứng khoán MB (MBS) nhận định rằng đà tăng của lãi suất huy động đang có dấu hiệu chững lại khi lãi suất liên ngân hàng giảm nhiệt và thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức dồi dào.

Các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng xu hướng tăng lãi suất tiền gửi đã chậm lại trong tháng 9, khi chỉ một số ít ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất với mức tăng nhẹ từ 0,1 - 0,5 điểm phần trăm, cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào trong suốt những tuần đầu tháng.

Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề do bão Yagi gây ra đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ, làm gia tăng áp lực nợ xấu. Nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 6 đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023. MBS nhận định đây có thể là động lực khiến các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động để thu hút thêm vốn, đảm bảo thanh khoản trong bối cảnh khó khăn.

Đến cuối tháng 9, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng cổ phần đã tăng 0,13 điểm phần trăm so với đầu năm, đạt mức 5%, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh duy trì ổn định quanh 4,7%, thấp hơn 0,26 điểm phần trăm so với đầu năm.

Sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc vào những tháng cuối năm được dự báo sẽ gia tăng áp lực lên thanh khoản hệ thống, từ đó có thể đẩy lãi suất huy động tăng lên. Ngược lại, với mức lạm phát thấp và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, Việt Nam có thể sẽ có thêm không gian để nới lỏng chính sách tiền tệ.

Dựa trên các yếu tố này, MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn sẽ tăng nhẹ thêm khoảng 0,2 điểm phần trăm, dao động từ 5,1 - 5,2% vào cuối năm 2024. Trước đó, trong báo cáo tháng 8, MBS từng dự báo lãi suất huy động sẽ nhích thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm trong nửa cuối năm, đạt mức 5,2% - 5,5%/năm.

Cùng quan điểm, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng xu hướng tăng lãi suất trong những tháng cuối năm 2024 sẽ khó kéo dài và có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Lãi suất huy động tại các ngân hàng quốc doanh dự kiến sẽ đi ngang hoặc có thể giảm nhẹ vào cuối năm, trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vẫn có áp lực tăng nhẹ lãi suất nhằm củng cố nguồn vốn và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Theo nhận định của các chuyên gia, với áp lực tỷ giá giảm bớt, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong tháng 9, góp phần kéo giảm lãi suất liên ngân hàng. Lãi suất OMO (cho vay cầm cố) đã được cắt giảm lần thứ hai trong năm, giảm 25 điểm cơ bản xuống còn 4%/năm.

Tính đến ngày 30/9, tổng giá trị ròng mà Ngân hàng Nhà nước bơm vào hệ thống đạt khoảng 128.200 tỷ đồng, với lãi suất từ 4% đến 4,25%, kỳ hạn 7 ngày, trong đó bao gồm 22.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã ngừng phát hành tín phiếu từ cuối tháng 8.

Trong bối cảnh tỷ giá ổn định, Kho bạc Nhà nước cũng đã thông báo kế hoạch mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại với khối lượng dự kiến tối đa là 350 triệu USD trong tháng 9, động thái này dự kiến sẽ bơm thêm khoảng 5.800 tỷ đồng thanh khoản cho hệ thống.

Sau các biện pháp điều hành trên, lãi suất liên ngân hàng qua đêm từ mức 4,3% vào đầu tháng đã giảm mạnh xuống còn 3% – mức thấp nhất trong hai tháng qua. Tuy nhiên, vào tuần cuối cùng của tháng 9, lãi suất liên ngân hàng qua đêm bất ngờ tăng vọt trở lại mức 4,3%. Nhóm chuyên gia MSB cho rằng sự bật tăng này là do áp lực thanh khoản gia tăng cùng với đà phục hồi của tăng trưởng tín dụng.

Bảo Ngọc

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/thanh-khoan-doi-dao-da-tang-lai-suat-huy-dong-da-chung-lai-post555106.html