Chung tay xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại

Thủ đô Hà Nội đã và đang được xây dựng ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng là 'trái tim', là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Với mong muốn Hà Nội có những bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ hơn, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024), Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu một số ý kiến của bạn đọc.

TS, kiến trúc sư ĐÀO NGỌC NGHIÊM, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội:

Tạo lập quy hoạch Thủ đô có chất lượng cao

Trong suốt 70 năm qua, công tác quy hoạch Thủ đô luôn được Đảng, Nhà nước và cả xã hội đặc biệt quan tâm. Kết quả công tác quy hoạch nhìn chung được đánh giá là tích cực và khoa học. Tuy nhiên, một số quy hoạch và kế hoạch vẫn chưa được xác lập đồng bộ nên có hiện tượng phát triển đô thị còn phân tán, dàn trải. Có thể thấy rõ là nhiều dự án khu đô thị mới chậm triển khai; không gian đô thị chưa hài hòa giữa phát triển mới với cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị; bất cập trong quản lý, thẩm định, thực hiện quy hoạch, chưa đồng bộ, gắn kết, thống nhất, còn có biểu hiện cục bộ, lợi ích ngành.

Do đó, trong giai đoạn tới, ngoài việc xây dựng kế hoạch thực hiện sau quy hoạch chung được phê duyệt, cần có sự đổi mới trong quản lý, thẩm định các quy hoạch cụ thể, quy hoạch ngành.

Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định 8 nhiệm vụ chủ yếu, trong đó về nhiệm vụ quy hoạch nêu rõ: “Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh...”. Để thực hiện định hướng này, cần tuyên truyền, phổ biến để thống nhất nhận thức, từ đó có lộ trình phù hợp. Với TP Hà Nội, đây là mô hình có tính đặc thù, có sáng tạo để phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai. Áp dụng mô hình này là nhằm tạo thêm một số cực tăng trưởng, giảm áp lực vào đô thị trung tâm về công nghiệp, giáo dục, dịch vụ thương mại, văn hóa, thể dục-thể thao...

Toàn cảnh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: TUẤN HUY

Toàn cảnh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: TUẤN HUY

Bên cạnh đó, nhiều quy hoạch được lập ra nhưng thiếu tính khả thi vì không đủ nguồn lực đã xuất hiện trong lịch sử phát triển của Hà Nội. Để quy hoạch mới mang tính khả thi, chúng ta nên áp dụng phương pháp quy hoạch chiến lược với việc đưa ra định hướng phát triển dựa trên các mục tiêu lớn, tầm nhìn, đồng thời xem xét thực trạng các nguồn lực thực hiện. Hy vọng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và việc tổ chức thực hiện khoa học, sát thực tiễn sẽ tạo lập được quy hoạch Thủ đô có chất lượng cao.

-------------

PGS, TS NGUYỄN LÂN CƯỜNG, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam:

Cần có bản đồ quy hoạch khảo cổ thành phố

Hà Nội là một vùng văn hóa có bề dày lịch sử, được coi là cái nôi của di tích khảo cổ. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay khiến nhu cầu xây dựng các công trình, dự án tăng cao. Trong thực tế, nhiều công trình, dự án đã bị buộc đình chỉ tạm thời do phát hiện cổ vật trong quá trình thi công. Bên cạnh đó, nhiều cổ vật quý giá cũng bị ảnh hưởng trong quá trình đào bới, làm mất đi tính giá trị văn hóa nguyên gốc của cổ vật.

Từ thực tế trên, tôi thấy việc cấp thiết trước mắt nhằm góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa Thủ đô là cần phải xây dựng được một bản đồ quy hoạch khảo cổ trên địa bàn thành phố. Việc xây dựng bản đồ quy hoạch khảo cổ sẽ dự đoán trước được những khu vực có khả năng có di tích. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng làm chậm tiến độ dự án, đồng thời giúp các nhà khoa học bảo quản được kịp thời và nguyên vẹn các hiện vật có giá trị. Khi đó, việc quy hoạch, xây dựng các công trình mới được triển khai một cách chủ động trên cơ sở kết hợp hài hòa với bảo tồn và phát triển văn hóa.

Di sản khảo cổ chính là nguồn tài nguyên quý giá giúp thành phố xây dựng các sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa, từ đó góp phần đẩy mạnh phát triển, quảng bá nền văn hiến ngàn năm của Thủ đô Hà Nội.

--------------

PGS, TS BÙI THỊ AN, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội:

Khai thác có hiệu quả "kho trí tuệ" của Thủ đô

Thời gian qua, đội ngũ trí thức của TP Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Đội ngũ trí thức thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến vào các vấn đề quan trọng, nhất là các lĩnh vực tham mưu, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. TP Hà Nội đã quan tâm đến khối trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng, tạo điều kiện cho hội hoạt động có hiệu quả và thực chất hơn. Nhờ sự gần gũi, gắn bó (thông qua các buổi gặp và đối thoại trực tiếp) của lãnh đạo thành phố với đội ngũ trí thức mà nhiều vấn đề đã được tháo gỡ ngay, không phải mất nhiều thời gian thông qua văn bản.

Để đạt được mục tiêu năm 2030 Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại thì yếu tố chất lượng nguồn nhân lực là số một. Đề nghị lãnh đạo thành phố nên nghiên cứu để có những cơ chế riêng phù hợp với việc tổ chức, khai thác, tận dụng lực lượng cán bộ khoa học, trí thức đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô. Theo đó, có thể lựa chọn và trao trách nhiệm cho đội ngũ trí thức chủ trì một số dự án khoa học-công nghệ, chúng tôi sẵn sàng tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bên cạnh đó, cần định kỳ tổ chức tôn vinh những đóng góp thực chất, đa dạng của các trí thức, các nhà khoa học cho Thủ đô để khích lệ họ, đồng thời khích lệ các thế hệ trẻ tài năng luôn hướng về Thủ đô, đến với Thủ đô, ở lại làm việc lâu dài cho Thủ đô để xây dựng Thủ đô phát triển.

----------------

TS NGUYỄN ĐỨC TRỌNG, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:

Phát huy sức trẻ của thanh niên Thủ đô

TP Hà Nội hiện có khoảng 3 triệu thanh niên, chiếm khoảng 35% dân số của Thủ đô. Thanh niên Hà Nội có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nhận thức và thái độ chính trị đúng đắn; lối sống lành mạnh, có lòng nhân ái, ý thức trách nhiệm. Công tác thanh niên trong thời gian qua đã luôn được thành phố quan tâm, tạo mọi điều kiện để thanh niên học tập, lập thân, lập nghiệp, tham gia các hoạt động xã hội; qua đó, xuất hiện nhiều gương thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực, góp phần thiết thực và hiệu quả vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của thanh niên, góp phần xây dựng Thủ đô, các cấp bộ đoàn, cán bộ đoàn cần tích cực, chủ động, kiên trì tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên, định hướng cho công tác đoàn, phong trào thanh, thiếu niên tại địa phương, đơn vị phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện nay. Tổ chức đoàn thành phố tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên; phát huy vai trò chủ động của thanh niên trong tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố lý luận chính trị, tư tưởng cho thanh niên để thanh niên có đủ bản lĩnh, đủ kiến thức nhận biết và phản bác những luận điệu, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch. Tôi tin tưởng thế hệ trẻ đang và sẽ tiếp tục phát huy, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/chung-tay-xay-dung-thu-do-van-minh-hien-dai-796762