Chuyện những 'bông hoa nhỏ' của núi rừng
Những tháng đầu của năm học 2022 - 2023, tỷ lệ học sinh đến lớp của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đạt gần 100%. Có được kết quả trên, ngoài nỗ lực của những người làm công tác gieo chữ, còn nhờ tinh thần tự giác, tích cực đến trường học tập của các em học sinh. Trong chuyến tác nghiệp tại các thôn, làng của xã Tu Mơ Rông, chúng tôi đã được nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động từ cuộc sống thường ngày của những 'bông hoa nhỏ' ham học.
Chuyện 3 người bạn thân
Chiều Chủ nhật, A Nhật Anh (lớp 5B) đứng trước hiên nhìn trời rả rích mưa rồi quay vào trong góc nhà tối mờ mờ để chuẩn bị hành trang cho một tuần học tập mới. Mọi thứ đã xong, cậu học trò nhỏ khoác chiếc áo mưa được cắt từ cái bao cũ, chạy sang nhà 2 người em A Hồng Quân và Y Kim Hảo (cùng học lớp 4A) để hẹn ngày mai đi bộ đến trường. Nhật Anh, Hồng Quân và Kim Hảo là 3 người bạn thân, cùng sinh sống tại thôn Đăk Ka, cách điểm trường chính hơn 5km. Những năm học lớp 1, 2, cả 3 người bạn cùng nhiều học sinh thôn Đăk Ka và Đăk Neang chỉ mất vài trăm mét để đến điểm trường thôn. Tuy trường cũ kỹ, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng quãng đường đến trường gần, cùng sự tận tụy của thầy cô nên tỷ lệ chuyên cần luôn được duy trì.
Lên lớp 3, các em học sinh phải lặn lội hơn 5km để đến điểm trường chính, cũng từ đó, tình bạn của Nhật Anh, Hồng Quân, Kim Hảo thêm gắn kết chặt hơn. Bởi những lần đi bộ đến trường, các em cùng nhau nô đùa, cùng nhau che chung một chiếc áo mưa rách đi qua những đoạn đường đất trơn như mỡ khi trời mưa, vượt qua nhiều con dốc thẳng đứng để được đến điểm trường chính học tập. Nhưng ngày mai, chỉ có Nhật Anh và Hồng Quân đến trường học, vì bạn Y Kim Hảo đã bị ốm, cô bé bị sốt từ hôm thứ 6 nhưng đến nay vẫn chưa khỏi, đành nhắn nhủ đến 2 bạn xin giáo viên chủ nhiệm cho nghỉ học. Sáng hôm sau, Nhật Anh dậy thật sớm, ăn vội gói mì tôm cùng ít cơm nguội rồi sang rủ Hồng Quân đến thăm Kim Hảo xem đã khỏe hơn chưa. Kim Hảo nằm im trong chăn với vẻ mặt tiều tụy, phờ phạc, số thuốc do giáo viên chủ nhiệm xin từ trạm y tế xã gửi cho cô bé cầm về từ chiều thứ 6 đã uống hết.
Trời lất phất mưa, đôi bạn nhanh chóng đi đến trường sau gần 1 giờ đồng hồ lội bộ. A Hồng Quân nhanh chóng đi tìm giáo viên chủ nhiệm để thông báo về tình hình của bạn Y Kim Hảo. Sau buổi học sáng thứ 2, thầy giáo chủ nhiệm Lò Văn Tôn đã tranh thủ giờ nghỉ trưa cùng tôi chở 2 người bạn thân của Y Kim Hảo đến hỏi thăm tình hình của cô bé. Thầy Tôn không thể nhớ được đây là lần thứ mấy thầy đến thôn này, bởi nhiều năm qua, để duy trì được tỷ lệ chuyên cần thì các thầy cô trong trường luôn phải làm công tác vận động trước và trong năm học.
Thấy chúng tôi đến, mẹ Kim Hảo - chị Y Liếc tỏ vẻ sợ sệt và trình bày lý do vì sao con mình nghỉ học. Thầy Tôn ân cần vỗ vai chị Liếc, rồi hỏi thăm tình hình của học trò mình. Thấy thầy không trách móc, chị Liếc giãn mặt, mời chúng tôi ngồi rồi gọi Kim Hảo ra trò chuyện. Chị Y Liếc tâm sự: “Con bé nhà tôi đi học được hỗ trợ đủ thứ, từ sách vở đến cái áo, cái dép, miếng ăn, nên tôi luôn nhắc nhở cháu phải đi học đều đặn. Mấy hôm nay bé bị sốt, giáo viên có đưa thuốc cho bé uống nhưng chưa đỡ, nên hôm nay tôi phải chở cháu ra trạm y tế xã khám xem sao. Ít bữa cháu khỏi, tôi sẽ nhắc cháu đi học đều đặn, thầy yên tâm nhé”.
Chúng tôi rời nhà chị Y Liếc sau nhiều lời động viên, dặn dò của giáo viên chủ nhiệm, cô bé Y Kim Hảo đã nở nụ cười hiền và hứa sẽ đến trường sau khi khỏi bệnh.
Nghị lực của cậu học trò mồ côi cụt tay
“Trí một tay” là cái tên mà các bạn học sinh trong trường đặt cho A Trí (lớp 4A) ở thôn Đăk Chum II. Từ lúc sinh ra, A Trí đã thiệt thòi hơn với những đứa trẻ khác, khi cánh tay trái bị khuyết tật, khiến cậu phải đối mặt với trăm bề khó khăn. Từ khi còn bé, mọi sinh hoạt của A Trí phải phụ thuộc vào ba mẹ cùng cánh tay phải và đôi chân nhanh nhẹn của mình. Nhà A Trí thuộc hộ nghèo, em lớn lên trong cảnh khốn khó, người nhỏ nhắn, tong teo như nhánh cây lau trên rừng, ấy thế mà A Trí lại rất nhanh nhẹn. Khi hơn 3 tuổi, A Trí đã có thể chạy nhảy, nô đùa cùng đám bạn, theo chân ba mẹ đi hái các “đặc sản rừng”.
Sau này lớn lên, A Trí đã tìm được một người bạn đồng cảnh ngộ là A Quyết, hay còn gọi là anh Bờm (học sinh lớp 8), bị câm bẩm sinh và khuyết tật trí tuệ. A Trí và anh Bờm không học cùng điểm trường, những ngày nghỉ học hay trong tháng nghỉ hè, A Trí cùng anh Bờm rủ rê nhau rong ruổi khắp các cánh rừng đào sâm dây, bẻ măng về cho mẹ.
A Trí có một tay nên không thể bóc vỏ măng, chỉ có thể bẻ rồi mang về để mẹ bóc, còn anh Bờm thì thấy A Trí làm gì cũng làm theo, hai anh em cứ thế miệt mài, mỗi chuyến trở về, trong gùi hai bạn lúc nào cũng đầy ắp măng. Năm 2020, A Trí đối mặt với nỗi đau lớn khi bố mình không may mắc bệnh và qua đời đột ngột, sự mặc cảm của A Trí nhân lên gấp đôi khi em vừa bị khuyết tật, lại còn mồ côi cha, A Trí thu mình sống khép kín, rụt rè hơn trước đây.
Thời gian đấy, số lần A Trí không đến lớp cũng tăng dần, cậu bé không chịu ở lại bán trú mà nằng nặc đòi về nhà ở với mẹ. Vì nhà A Trí có 2 chị em, chị gái đi lấy chồng, còn mỗi em ở với mẹ, nếu em ở lại trường sợ mẹ sẽ buồn vì ở nhà một mình. Qua năm học mới, biết em A Dũng ở gần nhà mình chuẩn bị vào lớp 1, A Trí mạnh dạn sang rủ em cùng đến trường học. Bởi A Trí biết, em A Dũng cũng mồ côi cha khi mới 1 tuổi, sống với mẹ và gia đình vô cùng khó khăn. Nhờ tìm được người bạn đồng cảnh ngộ để đến trường, mà tỷ lệ chuyên cần của A Trí trong năm học này cũng cải thiện hơn. Em đã chịu ở lại bán trú trong trường, được nhà trường chăm lo cho từng bữa ăn, tiết học, lo từng cuốn vở, quyển sách, đến quần áo em đang mặc.
A Trí viết không giỏi, không nhanh, để viết được con chữ, A Trí phải nghiêng thấp mình về phía phải khiến ngòi bút thi thoảng quệt mực vào mặt, có hôm, mực lấm lem khắp mặt như con mèo, các bạn trong lớp phải phì cười. A Trí trên lớp được mệnh danh là “cao thủ” bắn bi bằng chân, là vận động viên bơi 1 tay “chuyên nghiệp” và là một học sinh chuyên cần nhất lớp trong năm học này.
A Trí và A Dũng là 2 trong 22 em học sinh mồ côi trong trường. Từ trước năm học, để động viên gia đình và khuyến khích các em đi học chuyên cần, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên kết nối với các nhà hảo tâm để mang đến những phần quà gồm dụng cụ học tập, áo quần gửi đến các em. Cùng với đó, những dịp lễ, Tết, hay những lần gia đình các em có người ốm đau, nhà trường cũng tận tụy mang quà đến tận nơi hỏi thăm.
Sau những lần thăm hỏi, động viên ấy, tình cảm giữa phụ huynh và nhà trường thêm siết chặt, khoảng cách giữa học sinh và giáo viên thêm gần hơn, tỷ lệ chuyên cần được cải thiện hơn. Và với sự tận tụy, chăm lo ấy, những “bông hoa nhỏ” vẫn từng ngày khoe sắc giữa núi rừng.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuyen-nhung-bong-hoa-nho-cua-nui-rung-post457334.html