Có nên cấm học sinh sử dụng app giải bài tập?

Với những thao tác đơn giản cùng thiết bị điện tử thông minh, các bạn học sinh có thể dễ dàng có được đáp án bài tập mà không cần mất nhiều thời gian suy nghĩ. Sự tối ưu của các app giải bài tập trên điện thoại đang khiến cho một bộ phận học sinh có tâm lý lạm dụng, học đối phó, gây nhiều lo ngại cho phụ huynh và giáo viên.

Sự hỗ trợ của công nghệ làm nảy sinh tâm lý lạm dụng app để giải bài tập trong học sinh.

Sự hỗ trợ của công nghệ làm nảy sinh tâm lý lạm dụng app để giải bài tập trong học sinh.

"Một app giải bài tập mà không cần đến thầy cô, bao nhiêu bài khó đã có app lo, đơn giản bạn chỉ cần gõ từ khóa này…"- đây lời giới thiệu rất dễ gặp trên các trang mạng xã hội hiện nay, video đăng tải quay lại cách sử dụng hàng loạt các ứng dụng (app) giải bài tập được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), mời chào và chỉ dẫn đầy đủ cho học sinh cách tải và sử dụng app.

Theo những chỉ dẫn này, hiện có nhiều ứng dụng "cứu cánh" cho học sinh, nhất là mùa thi cử đang đến gần, giải bài mà không mất thời gian tư duy, suy nghĩ. Các app sẽ giải bài tập bằng camera và giọng nói, người dùng chỉ cần thao tác cực kì đơn giản đó là chụp lại đề bài hoặc ghi âm đề bài, app sẽ hỗ trợ giải bài tập chỉ trong vài phút, thậm chí vài giây, điển hình nhất ở các môn như: Tiếng Anh, Toán, Vật lý, Hóa học…

Những video như thế này có trên mọi nền tảng mạng xã hội, thu hút hàng chục nghìn lượt thích và hàng trăm lượt bình luận. Với học sinh từ bậc Tiểu học trở lên, những app giải bài tập như Socratic, Qanda, Xmine, Solve… chẳng còn xa lạ. Dễ dàng cài đặt, hoàn toàn miễn phí, thao tác đơn giản là có đáp án ngay nên các app này đang được học sinh truyền tai nhau sử dụng.

Biết đến ứng dụng giải bài tập hơn 1 năm nay, em Đ.L.T.A, học sinh lớp 9, Trường THCS Lý Tự Trọng (thành phố Ninh Bình) cho biết: Không chỉ mỗi em mà hầu hết các bạn trong lớp đều sử dụng, kể cả những bạn học tốt. Những app này rất dễ dùng và có ích với em khi những bài tập khó hoặc chưa hiểu, làm bài tập ở nhà không hỏi được thầy cô nên em thường tự tìm hiểu cách giải trên app. Nhưng cũng có lúc em chép luôn lời giải cho nhanh. Tuy nhiên, không phải lúc nào app giải cũng đúng, app thường cho kết quả đúng nhưng phương pháp làm khác với thầy cô dạy nên khi sử dụng cần phải chú ý...".

Về phía phụ huynh, khi được hỏi về phương pháp hỗ trợ việc học tập tại nhà với con, chị Lê Thị Phượng, phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Hiện nay con tôi đang học lớp 9, sắp thi chuyển cấp nên lượng bài tập thầy cô giao về nhà rất nhiều. Trong khi thực tế hiện nay, bố mẹ cũng không nắm bắt được cách giảng giải bài tập, cháu cũng không biết hỏi ai, hầu như tự mày mò để học.

Ở những chương trình học càng cao thì cách tiếp cận lời giải càng mang tính đặc thù, bởi vậy, dù muốn nhưng phần lớn phụ huynh gặp khó khăn trong việc hỗ trợ con học tập. Đó cũng là một trong những nguyên nhân học sinh tìm đến các app giải bài tập.

Tuy nhiên, với mục đích tự học thì những ứng dụng hỗ trợ giải bài tập là một ý tưởng hay trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. Nhưng một bộ phận học sinh đang lạm dụng vào những app này để giải quyết nhanh bài tập về nhà, học tập đối phó với giáo viên.

Nhiều năm giảng dạy bộ môn Toán, cô Bùi Thị Nhung, giáo viên trường THCS Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết: Tình trạng học sinh sử dụng các app giải bài tập ngày càng phổ biến, tuy nhiên thường khi các em giải theo app giáo viên sẽ biết ngay.

Những app này có chức năng tương tự giống như sách tham khảo, nếu chỉ sử dụng với mục đích để kiểm tra bài và so sánh đáp án thì sẽ hữu ích với các em, còn lạm dụng để chép lời giải thì các em vừa không hiểu bài, lại trở thành người nói dối. Đã có nhiều trường hợp học sinh chép lời giải trên app cho đủ bài, đến khi cô giáo kiểm tra, cho giải lại bài thì không làm được.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường THCS Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình) cho rằng, hệ lụy khi học sinh lạm dụng các ứng dụng giải bài tập này là không nhỏ.

"Nếu trước đây học sinh đứng trước một bài toán khó sẽ mày mò, tìm tòi, gọi hỏi thầy cô hoặc người thân, bạn bè. Còn bây giờ, các em chỉ cần mở điện thoại ra, chụp hình gửi lên, thế là xong bài tập. Các em hầu như không tư duy, không rèn giũa đức tính kiên trì, tự học. Như vậy, học sinh đương nhiên sẽ ỷ lại, lười học, không còn lo học và làm bài nữa..." - cô Nhung nhận định.

Mặt khác, theo cô Nhung, việc đánh giá năng lực thực chất của học sinh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ việc học sinh lạm dụng dùng app giải bài tập, nhất là khi hiện nay các bài tập của những môn tự nhiên phần lớn là trắc nghiệm. Bởi khi các em giải bài tập nhờ phần mềm thì đó không phải kết quả thực chất mà là kết quả của sử dụng công nghệ.

Rõ ràng, hệ lụy từ việc học sinh lạm dụng các ứng dụng trên thiết bị thông minh, môi trường mạng Internet để giải bài tập đã được các thầy cô chỉ ra, song có nên cấm học sinh sử dụng các app này không là câu hỏi cần phải bàn tới. Vì thực chất rất khó để kiểm soát các em tham gia mạng xã hội, tải và sử dụng các app để hỗ trợ cho việc học tập của mình.

Theo đại diện các nhà trường, không nên cấm cản học sinh, nhưng các em cần được hướng dẫn sử dụng sao cho đúng và có sự kiểm soát từ phụ huynh, các thầy cô giáo. Phần mềm giải bài tập sẽ phát huy tác dụng tốt nếu học sinh dùng đúng cách.

"Nếu chúng ta cấm học sinh thì các em sẽ lén lút sử dụng. Giải pháp ở đây là phụ huynh, nhà trường dạy học sinh tính tự giác, hướng dẫn sử dụng phần mềm sao cho hiệu quả và tăng cường kiểm tra học lực của học sinh bằng nhiều hình thức khác ..." - cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường THCS Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình) chia sẻ.

Các bậc phụ huynh thì cho rằng, thầy cô nên thay đổi cách giao bài tập cho học sinh, không giao những bài tập đã có sẵn. Với những bài tập trên app có thể giải được có nghĩa là bài tập đấy có thể lập trình hóa, chỉ đưa ra con số là có thể có lời giải.

Giáo viên cần cân nhắc giao bài tập cho học sinh như thế nào để kích thích tư duy, sự tìm tòi của các em. Bài tập đấy phải hội tụ những yêu cầu về các yếu tố sáng tạo, đưa ra cách thức giải quyết bài toán chứ không phải là đáp án có sẵn. Khi đưa ra cách thức thì máy móc công nghệ không thể có sẵn được. Hơn nữa, thầy cô giáo cũng không nên giao quá nhiều bài tập cho học sinh, dẫn tới tình trạng các em phải học đối phó.

Mục đích của việc giao bài tập về nhà cho học sinh là giúp các em ôn luyện, làm thêm các bài tập, nắm vững kiến thức và hiểu sâu hơn về kiến thức có liên quan. Thế nên, học sinh không nên lạm dụng các ứng dụng giải bài tập, thay vào đó cần được hướng dẫn và sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả vai trò của công nghệ thông tin trong thời đại công nghệ số và học trực tuyến đang được lựa chọn là một trong những phương pháp tự học hiệu quả.

Bài, ảnh: Lan Anh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/co-nen-cam-hoc-sinh-su-dung-app-giai-bai-tap-/d20220517094516345.htm