'Cởi trói' trái phiếu doanh nghiệp: Vực dậy niềm tin thị trường
Hiệu quả của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: các điều kiện, điều khoản cụ thể của trái phiếu; thỏa thuận giữa tổ chức phát hành và trái chủ; hợp tác của nhà đầu tư...
Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác như bất động sản sẽ là cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hơn xử lý nợ xấu trái phiếu.
Doanh nghiệp “dễ thở”
Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đã đưa ra một số điểm mới, nhằm giúp tháo gỡ phần nào khó khăn của thị trường trong bối cảnh hiện nay.
Việc cho phép doanh nghiệp phát hành thay đổi các điều kiện và điều khoản của trái phiếu, bao gồm việc hoàn trả bằng các tài sản khác hoặc kéo dài thời hạn trái phiếu, sẽ giúp một số tổ chức phát hành đang gặp khó khăn về dòng tiền “dễ thở” hơn trong việc thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân vào thị trường đang bị suy giảm nghiêm trọng. Nếu vấn đề niềm tin không được giải quyết triệt để, thì rất khó để nói đến việc tăng số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, lo ngại của nhà đầu tư về việc định giá tài sản dùng để trả nợ trái phiếu và thi hành án dân sự cũng có thể ảnh hưởng đến niềm tin của họ vào thị trường TPDN.
Một vấn đề nhận được sự quan tâm hiện nay là việc triển khai Nghị định 08 khó khả thi do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó xuất phát từ khả năng sử dụng các tài sản khác để trả nợ. Trường hợp trái chủ không đồng ý hoặc khó thống nhất về định giá sẽ gây ra mâu thuẫn giữa tổ chức phát hành và trái chủ. Khi đó, cả hai bên sẽ mất thời gian thương lượng và đi đến thỏa thuận về giá trị của tài sản trước khi tiến hành hoàn trả.
Hay việc không thống nhất về định giá tài sản cũng dễ dẫn đến tranh chấp pháp lý và trì hoãn việc hoàn trả trái phiếu. Hơn nữa, chất lượng của tài sản được sử dụng làm tài sản thế chấp còn gây ra nhiều lo ngại. Thậm chí, một số tổ chức phát hành không có đủ tài sản để trả nợ. Trong những tình huống như vậy, trái chủ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận hoàn trả một phần hoặc gia hạn thời gian trả nợ. Điều này càng hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường TPDN, dẫn đến sụt giảm số lượng nhà đầu tư trong tương lai.
Trong trường hợp có tranh chấp về việc định giá tài sản, các bên có thể cần thuê chuyên gia định giá, là bên thứ ba để xác định giá trị hợp lý của tài sản. Quy trình này sẽ gây tốn thời gian và phát sinh chi phí cho cả hai bên. Nếu trái chủ và tổ chức phát hành không thể đạt được thỏa thuận về việc định giá hoặc giãn nợ, trái chủ chỉ còn lại quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục hoàn thiện
Thực tế đến nay, những thách thức đối với thị trường TPDN không chỉ giới hạn ở vấn đề trả nợ. Mà còn có các yếu tố khác như thiếu tổ chức phát hành mới, việc trì hoãn áp dụng các quy định xếp hạng tín nhiệm và sự tham gia hạn chế của các nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn cản trở sự phát triển chung của thị trường.
Nhìn chung, việc thực hiện thành công Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ phụ thuộc vào khả năng của các cơ quan có liên quan trong việc đảm bảo thực thi hiệu quả quy định, cũng như thiện chí của các tổ chức phát hành và nhà đầu tư, hướng tới các giải pháp đôi bên cùng có lợi.
Thứ nhất, Chính phủ phải đưa ra các hướng dẫn và quy định chi tiết hơn để thực hiện Nghị định, bao gồm quy trình sử dụng các tài sản khác để trả nợ và định giá các tài sản. Điều này sẽ giúp các tổ chức phát hành và nhà đầu tư dễ dàng đạt được thỏa thuận chung.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người nắm giữ trái phiếu được bảo vệ và có những hậu quả rõ ràng đối với những tổ chức phát hành không thực hiện nghĩa vụ của họ. Việc này sẽ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư và đảm bảo việc tuân thủ nghĩa vụ nợ của các tổ chức phát hành.
Thứ ba, phát triển hệ thống xếp hạng tín dụng, việc này sẽ giúp các nhà đầu tư đánh giá được mức độ tín nhiệm của tổ chức phát hành và giảm rủi ro vỡ nợ. Đồng thời khuyến khích các tổ chức phát hành nâng cao uy tín tín dụng và minh bạch tài chính.
Thứ tư, cung cấp thêm tính thanh khoản. Việc thiếu thanh khoản trên thị trường TPDN là một rào cản lớn đối với sự phát triển của thị trường. Các biện pháp như tăng cường sự tham gia của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và cải thiện cơ sở hạ tầng giao dịch có thể giúp cung cấp thêm thanh khoản và tăng tính hấp dẫn của thị trường.
Thứ năm, tăng cường giáo dục nhà đầu tư. Đến nay vẫn nhiều nhà đầu tư còn thiếu kiến thức và hiểu biết về thị trường TPDN.
Theo TS.Bùi Duy Tùng - Giảng viên kinh tế Đại học RMIT/Diendandoanhnghiep.vn