Còn nhiều tiềm năng để phát triển thị trường logistics

Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2021 với chủ đề "Phát triển nhân lực logistics" diễn ra chiều ngày 14/12, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-15%, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Doanh nghiệp logistics ký kết biên bản hợp tác tại diễn đàn. Ảnh: Hải Anh

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đáng khích lệ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam; năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả.

“Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới sụt giảm do tác động của dịch bệnh”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Trong cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp logistics đã giảm giá cước vận tải, phí lưu kho lưu bãi đảm bảo tốt công tác tiêu thụ hàng hóa tạo nên thành quả tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 600 tỷ USD nên đây là một nỗ lực chưa từng có của ngành logistics Việt Nam.

Theo Báo cáo logistics Việt Nam 2021 cũng cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới tăng 4,61%, số vốn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, tỉ lệ số DN lĩnh vực vận, tải kho bãi đăng ký thành lập mới so với tổng số doanh nghiệp cả nước vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 4,08%, với số vốn chiếm 1,88% và số lao động chiếm 3,04%. Điều này cho thấy quy mô vốn của các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn hạn chế.

Một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế nêu trên đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành logistics sẽ càng tăng thêm khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Để phát triển bền vững, ngành logistics cần cùng với Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như các hoạt động kiểm tra chuyên ngành; tiếp tục huy động mọi nguồn vốn để nhanh chóng đầu tư đổi mới kết cấu hạ tầng, từng bước hiện đại hóa hạ tầng giao thông và các trung tâm logistics, phù hợp với quy hoạch cũng như tốc độ phát triển kinh tế quốc gia./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/con-nhieu-tiem-nang-de-phat-trien-thi-truong-logistics-97206.html