Xuất khẩu cuối năm bứt phá, nhà đầu tư chọn nhóm ngành nào?

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những biến động lớn, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2024. Với những yếu tố hỗ trợ quan trọng như sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và chu kỳ nới lỏng tiền tệ toàn cầu, ngành xuất khẩu Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.

Ông Đinh Quang Hinh -Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường tại Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT

Ông Đinh Quang Hinh -Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường tại Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường tại Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT khẳng định, xuất khẩu Việt Nam đang có nhiều cơ hội bứt phá trong quý 4 năm 2024, đặc biệt nhờ sự dịch chuyển sản xuất và dòng vốn đầu tư từ các quốc gia lớn.

"Chúng tôi duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng xuất khẩu của Việt Nam từ nay tới cuối năm dựa trên những yếu tố hỗ trợ như việc Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc đang thúc đẩy hoạt động xuất khẩu từ các nước ASEAN, bao gồm cả Việt Nam. Số liệu cho thấy thị trường Mỹ dẫn đầu về tăng trưởng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm nay với mức tăng tới 26% so với cùng kỳ", ông Hinh chia sẻ.

Không chỉ thị trường Mỹ, các dòng vốn đầu tư từ Singapore, Hong Kong và Trung Quốc cũng có xu hướng tích cực, phản ánh xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. "Đây là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng xuất khẩu, khi các nhà sản xuất toàn cầu tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc," ông Hinh cho biết thêm.

Một yếu tố hỗ trợ quan trọng khác là chu kỳ nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu. Theo ông Hinh, chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng tại các thị trường này, từ đó gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, lạm phát hạ nhiệt tại nhiều nơi trên thế giới cũng đang đóng góp tích cực vào sự cải thiện của tiêu dùng và đầu tư.

Ông cũng chỉ ra các chỉ số vĩ mô gần đây như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP); Chỉ số quản lý mua hàng (PMI), đơn hàng xuất khẩu, và dòng vốn FDI giải ngân… đều hé lộ về bức tranh xuất khẩu khả quan trong những tháng cuối năm 2024.

Bên cạnh những yếu tố hỗ trợ, ông Đinh Quang Hinh cũng nhấn mạnh một số thách thức lớn đối với ngành xuất khẩu Việt Nam. Một trong những yếu tố đáng chú ý nhất là sự kiện đình công tại các cảng biển miền Đông nước Mỹ. "Nếu vấn đề này không được giải quyết sớm, nó sẽ có ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta," ông Hinh cảnh báo.

Ngoài ra, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, và Nga cũng có thể gây ra những đứt gãy trong chuỗi giá trị toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Ông Hinh chia sẻ: "Các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro và tác động từ việc quá tập trung vào một thị trường hoặc nhà cung cấp nhất định."

Đồng thời, việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. "Một chính sách tỷ giá ổn định và có thể dự báo được sẽ giúp doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất, xuất khẩu tốt hơn và giảm rủi ro biến động thị trường," ông Hinh khuyến nghị.

Về triển vọng xuất khẩu trong năm 2025, ông Hinh kỳ vọng rằng các yếu tố hỗ trợ hiện tại sẽ tiếp tục phát huy tác dụng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng môi trường kinh tế toàn cầu sẽ vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh thương mại và căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

"Một số ngành như dệt may, da giày và thủy sản vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào các đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam, cùng với nhu cầu gia tăng từ các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu," ông Hinh cho biết. Đối với các nhóm ngành công nghệ cao như linh kiện điện tử và máy móc, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và các chính sách đầu tư hỗ trợ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

"Điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cấp chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe hơn. Việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng là chìa khóa để đẩy mạnh xuất khẩu trong tương lai", ông Hinh nhấn mạnh.

Với triển vọng tích cực của ngành xuất khẩu, ông Hinh đã đưa ra một số khuyến nghị về cổ phiếu của các doanh nghiệp có tiềm năng hưởng lợi. Theo ông, nhóm cổ phiếu trong các ngành như dệt may, thủy sản, và linh kiện điện tử là những lựa chọn sáng giá cho nhà đầu tư trong giai đoạn cuối năm 2024 và 2025.

"Ngành dệt may đang thu hút nhiều đơn hàng từ các đối tác quốc tế do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và nhu cầu tăng cao. Các cổ phiếu như TCM (Dệt may Thành Công) và MSH (May Sông Hồng) có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Ngành thủy sản, đặc biệt là VHC (Vĩnh Hoàn) và MPC (Minh Phú), cũng là lựa chọn hấp dẫn nhờ sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu chính", ông Hinh phân tích.

Đối với ngành linh kiện điện tử và máy móc, nhà đầu tư nên theo dõi các doanh nghiệp lớn như FPT, Vingroup, và các công ty trong chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị. "Công nghệ và thiết bị điện tử sẽ tiếp tục là xu hướng dài hạn khi thế giới tiến sâu vào chuyển đổi số và tự động hóa. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu," ông Hinh chia sẻ.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-cuoi-nam-but-pha-nha-dau-tu-chon-nhom-nganh-nao-156367.html