Công bố nhiều tài liệu quý về Ngày Giải phóng Thủ đô

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) đã tổ chức giới thiệu 'Tài liệu lưu trữ quốc gia Tiếp quản Thủ đô'.

Những tài liệu do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III giới thiệu đã góp phần tái hiện thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc và Thủ đô, từ khi Hiệp định Geneve năm 1954 được ký kết, quy định quân Pháp sẽ rút khỏi Hà Nội trong 80 ngày và sự chuẩn bị của Chính phủ đối với việc thi hành Hiệp định.

Kế hoạch chuẩn bị giải phóng Thủ đô, tài liệu thành lập Ủy ban Hành chính Hà Nội đầu tiên, chỉ đạo phục hồi các thị xã và thành phố cũ… là những tài liệu lần đầu tiên được công bố tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Đặc biệt, còn có rất nhiều ảnh bản gốc quý hiếm được sưu tầm về từ nhiều nguồn hoặc do các cá nhân, tổ chức trao tặng, như: ảnh lính Pháp rút ở các tuyến đường ở Thủ đô; Bộ đội về tiếp quản Cột cờ Hà Nội, Phụ nữ Thủ đô rạng ngời đón quân giải phóng, hay Lễ chào cờ thiêng liêng vào chiều ngày 10/10/1954.

Tiến sĩ Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, đây là dịp rất hiếm có những tài liệu gốc đều được đưa ra công bố; trong đó có những văn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Vo Nguyên Giáp,... và có rất nhiều thư, từ, hình ảnh thể hiện không khí của Ngày Giải phóng Thủ đô.

Tại buổi giới thiệu “Tài liệu lưu trữ Quốc gia Tiếp quản Thủ đô”, các khách mời là nhân chứng lịch sử: Đại tá Dương Niết; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải… đã chia sẻ về những ký ức đầy cảm xúc trong thời khắc lịch sử; đồng thời tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III một số bức ảnh, kỷ vật đáng quý.

Đại tá Dương Niết, Trung đoàn Thủ đô - Đại đoàn 308 xúc động kể lại: "Đêm mùng 9 là đêm vui nhất của người dân Hà Nội. Khi toán lính Pháp cuối cùng sang cầu Long Biên thì ở Hà Nội bùng lên không khí rất vui nhộn. Đêm ấy có thể nói là đêm Hà Nội không ngủ, mà họ thức để trao khẩu hiệu, làm phong trào".

Sự kiện còn giới thiệu những tài liệu của các nhạc sĩ có hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Đó là quá trình sáng tác, bản phác thảo, bản gốc các tuyệt phẩm của Nhạc sĩ Văn Cao, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn với những ca khúc về Hà Nội như “Tiến về Hà Nội”, “Sẽ về Thủ đô”, “Hà Nội, trái tim hồng”…

Có nhiều tài liệu rất bổ ích cho công tác nghiên cứu sử học như: Báo cáo về cuộc đón tiếp bộ đội, chính quyền ta vào ngày 10/10/1954; Báo cáo tình hình tiếp quản sau một ngày, một tháng; Tình hình đổi tiền Đông Dương và tiền liên bang trong tháng 10/1954…

Lê Chi

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/cong-bo-nhieu-tai-lieu-quy-ve-ngay-giai-phong-thu-do-270767.htm