Cuốn sách tôi chọn: Chuyện non thiêng biên ải - Tìm hiểu chuyện gì xảy ra ở biên cương những năm 1960
Qua những chia sẻ của nhà văn Phạm Thị Vân Anh về cuốn sách 'Chuyện non thiêng biên ải' của người lính biên phòng – nhà văn Trần Hữu Tòng, cùng chiêm nghiệm các câu chuyện về những bông hoa nơi non ngàn đã sống, lặng thầm cống hiến cuộc đời mình để giữ bình yên cho vùng biên cương của Tổ quốc.
Địa bàn biên giới và vùng biển có vị trí chiến lược, là “tuyến đầu”, “cửa ngõ”, là “phên dậu” của mỗi quốc gia. Chủ quyền, an ninh biên giới là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Một quốc gia có biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự vững mạnh của dân tộc.
Lịch sử hàng nghìn năm tồn tại, phát triển của dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng, dựng nước phải gắn bó chặt chẽ với giữ nước và điều tiên quyết nhất chính là giữ vẹn toàn cho vùng biên giới. Chuyên mục Cuốn sách tôi chọn hôm nay muốn giới thiệu tới các độc giả của Truyền hình Quốc hội Việt Nam cuốn sách “Chuyện non thiêng biên ải” của người lính biên phòng – nhà văn Trần Hữu Tòng do NXB Quân đội nhân dân ấn hành. Xin mời quý vị cùng chiêm nghiệm các câu chuyện về những bông hoa nơi non ngàn đã sống, lặng thầm cống hiến cuộc đời mình để giữ bình yên cho vùng biên cương của tổ quốc với những chia sẻ của nhà văn Phạm Thị Vân Anh.
Nhà văn Trần Hữu Tòng là một kho kiến thức rất lớn về mọi điều diễn ra ở đường biên cương của Tổ quốc chúng ta. Đặc biệt thời điểm từ những năm 59 - 60 là những thời điểm mà khu vực biên giới của chúng ta còn vô cùng hoang vu, khắc nghiệt và rất ít dấu chân người thì những người lính biên phòng như ông đã đặt chân đến đó để xây đồn lập bản, đưa người dân, đưa bà con về để cùng nhau bảo vệ đất nước ta có một đường biên cương trọn vẹn như ngày nay chúng ta thấy trên bản đồ. Chính vì vậy tôi thấy rất dễ hiểu khi cầm trên tay cuốn “Chuyện non thiêng biên ải” của nhà văn Trần Hữu Tòng vì ở trong này đã ghi lại những câu chuyện chân thực nhất mà ông người chứng kiến và là người trong cuộc, là người được trải nghiệm vẻ đẹp của non nước biên phòng.
Nhà văn Trần Hữu Tòng là một người thầy rất đáng kính, ông nguyên là một chiến sĩ biên phòng. Tôi thấy hiếm có một nhà văn nào mà có tình yêu với biên giới một cách trọn đời đến vậy. Ấn phẩm đầu tiên trong chặng đường văn học của ông là cuốn sách “Chung với Đảng, hiếu với dân” viết về anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ và cuốn sách đó trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được in thành một cuốn sổ nhỏ và đặt vào trong ba lô của những người chiến sĩ trên đường đi B Nam tiến để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Nhà văn Trần Hữu Tòng bằng ngòi bút tả thực của mình đồng thời bằng cả cảm xúc của một người trong cuộc nên ông đã viết nên đời sống của người chiến sĩ biên phòng trong những giai đoạn đầy khó khăn và ác liệt đó. Nhưng đời sống đó lại vô cùng lãng mạn và đầy niềm tự hào khi được gắn bó với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, được sống cùng với non sông gấm vóc và được hòa mình cùng với thiên nhiên. Qua cuốn sách này thì bản thân tôi cũng đã hình dung được thời kỳ đó cách đây 60 năm khi mà biên giới của chúng ta còn rất hoang vu và nó giúp tôi thấm thía cũng như hiểu hơn chặng đường gian khổ mà thế hệ cha anh đã trải qua như thế nào.
Trong cuốn sách “Chuyện non thiêng biên ải” này thì biên giới đã gần lại hơn với hậu phương, biên giới giờ đây không còn là những hình dung xa xôi hoang vắng hay những tộc người còn mông muội, còn đầy những hủ tục lạc hậu nữa mà thay vào đó sau rất nhiều năm nhờ có ánh sáng của Đảng, có sự nỗ lực phấn đấu của quân và dân biên giới và đặc biệt là có sự gắn bó đồng hành của người chiến sĩ biên phòng thì biên giới ngày nay đã thực sự phát triển và đang trở thành một vùng đất đầy tiềm năng. Nhờ đó vị trí quan trọng của biên giới đối với an ninh quốc phòng cũng như phát triển kinh tế và hội nhập thế giới của đất nước ta ngày càng được khẳng định.
Thực hiện : Hải Linh Linh Chi Hồng Dũng