Đại biểu kiến nghị điều chỉnh lương hưu, trợ cấp trong năm 2025
Bàn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, một số đại biểu cho rằng, Chính phủ cần quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Sáng nay (4-11), tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, theo Chinhphu.vn.
Theo đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM chia sẻ, việc Quốc hội xem xét thông qua các dự án luật, nghị quyết tại kỳ họp này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, giúp doanh nghiệp có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế. Đại biểu cho rằng, cần phải có thêm những chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, đặc biệt là miễn, giảm thuế cũng như khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Ông cũng đề nghị các bên quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025. Ngoài ra, Chính phủ quan tâm đến khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, chuyển đối số, phát triển xanh, đánh thức 3 động lực tăng trưởng nội sinh đất nước là nông nghiệp, văn hóa và du lịch.
Bàn về vấn đề lao động, việc làm, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, từ đoàn Vĩnh Phúc cho biết, năm 2024, tình hình lao động, việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chẳng hạn, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ người lao động Việt Nam có bằng, chứng chỉ đạt 28,1%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH tăng 3,46% và tham gia BHTN tăng 2,66%.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm, tình hình lao động việc làm vẫn còn nhiều bất cập như chất lượng cung lao động vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, bền vững và hội nhập. Theo đó, ông kiến nghị Quốc hội và Chính phủ một số giải pháp, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, có kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường để giải quyết việc làm cho lao động.
Cùng với đó là thúc đẩy đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp. Chính phủ tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện quyết định 522 và có giải pháp phân luồng triệt để 45% học sinh tốt nghiệp THPT đi đào tạo nghề.