Đại biểu Quốc hội: Cần đánh thức 3 động lực nội sinh

Đại biểu Quốc hội cho rằng, chúng ta cần đánh thức 3 động lực nội sinh đó là khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch. Đây là những thế mạnh của Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam nổi lên nhiều điểm sáng

Sáng 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân - đoàn TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế - xã hội, lạm phát được kiểm soát... Trong một thế giới có nhiều bất ổn, lạm phát thế giới tăng cao trong 3 năm vừa qua, với mức tăng bình quân tới 6% mỗi năm từ năm 2022 đến nay; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, ước tính năm 2024 đạt khoảng 3,2%...

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam nổi lên nhiều điểm sáng. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc; chỉ số chính phủ điện tử tăng 15 bậc. Đặc biệt, chỉ số an toàn an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc, đứng ở vị trí 17/194 quốc gia.

Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định chính trị, kinh tế - xã hội và lạm phát được kiểm soát tốt trong 10 năm qua. Đại biểu cho biết, bình quân từ năm 2015 đến nay, lạm phát được kiểm soát ở mức 3%.

Cùng với đó, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư và xuất siêu liên tục từ năm 2016 đến nay; nợ công trên GDP được kéo giảm tạo dư địa để tiếp tục đầu tư cho các dự án lớn. Kinh tế tăng trưởng khá, ước tính cả năm tăng trưởng khoảng 7% và phấn đấu hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024…

Trong năm 2025, đại biểu đồng tình với báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% và phấn đấu cao hơn nữa (từ 7-7,5%).

Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân tập trung phân tích vào nhóm giải pháp 3 động lực tăng trưởng của Chính phủ.

Thứ nhất, về xuất khẩu, 9 tháng năm 2024, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 15,4% nhưng tỷ trọng khu vực trong nước còn chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 28%.

“Vì vậy, chúng ta cần phải có chính sách để kết nối các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước; có chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp dịch vụ phụ trợ, công nghiệp vật liệu, phụ kiện và đặc biệt cần quan tâm hơn nữa tới các sản phẩm mang thương hiệu Việt, nông sản, thủy sản, quan tâm xuất khẩu tại chỗ qua khuyến khích phát triển du lịch” - đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Vị đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong thời gian gần đây có những sản phẩm mang thương hiệu trí tuệ Việt Nam, sản phẩm công nghệ số đã được xuất khẩu trên thị trường quốc tế với 1500 doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, doanh thu ngày càng tăng.

Thứ hai, tổng vốn đầu tư xã hội tiếp tục tăng lên nhưng khu vực dân doanh tăng thấp trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại tăng cao. Do đó, cần phải có các chính sách quan tâm tổng thể để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc Quốc hội chuẩn bị xem xét thông qua các dự án luật, nghị quyết tại kỳ họp này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tiêu dùng nội địa tuy có sự phục hồi mạnh, trong 9 tháng tăng trưởng 8,8% nhưng vẫn còn thấp so với trước dịch Covid-19. Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế cũng như khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, là quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025...

Thứ ba, tiêu dùng nội địa, mặc dù có phục hồi mạnh, trong 9 tháng tăng trưởng 8,8% nhưng vẫn còn thấp so với thời điểm trước dịch Covid-19 (tăng trưởng 2 con số).

Do đó, đại biểu đề nghị cần phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế cũng như khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó là quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025...

Bên cạnh việc khuyến khích phát triển các động lực mới như khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…, chúng ta cần đánh thức 3 động lực nội sinh đó là khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch. Đây là những thế mạnh của Việt Nam. Ba lĩnh vực này mới thực sự là chủ công của đất nước. Do đó, Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến 3 lĩnh vực này.

Tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống

Đại biểu Trình Lam Sinh - đoàn An Giang đánh giá cao công tác điều hành rất chủ động và quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội thời gian qua.

Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Để đạt được mục tiêu đề ra trong những tháng còn lại của năm 2024, đại biểu đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả các giải pháp tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là xuất khẩu; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.

Đại biểu cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ở mức kỷ lục, điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường.

Trong đó, xuất khẩu khu vực FDI đạt tỷ trọng cao cho thấy, các doanh nghiệp của khu vực này đang làm ăn rất tốt, trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ của nhà nước; thể hiện qua việc nhiều tập đoàn lớn đến nghiên cứu và cam kết đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn; đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn, nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội.

Đại biểu Trình Lam Sinh cũng nêu thực tế tại Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế, như thiếu công nghệ, nhân lực chất lượng cao, nhưng quan trọng hơn là chính sách phát triển và cơ chế liên kết giữa các địa phương chưa hiệu quả, trong khi khu vực này là nơi đảm bảo an ninh lương thực quốc gia…

Theo đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ có chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long; chủ trì sự liên kết để phát triển khu vực; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, công nghệ chế biến sâu, phát triển các mô hình sản xuất mới, phương pháp nuôi trồng hiện đại…

Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một số công trình giao thông quan trọng như: Dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm nối quốc lộ 91c đi cửa khẩu quốc tế Khánh Bình của tỉnh An Giang.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-danh-thuc-3-dong-luc-noi-sinh-356599.html