Đảm bảo nguồn cung nông sản những tháng cuối năm

Chủ động các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung nông sản tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh cũng như xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã, đang khuyến khích, hướng dẫn nông dân tăng cường sản xuất, chủ động liên kết tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tích cực theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời ứng phó bảo vệ sản xuất.

Chủ động các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung nông sản tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh cũng như xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã, đang khuyến khích, hướng dẫn nông dân tăng cường sản xuất, chủ động liên kết tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tích cực theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời ứng phó bảo vệ sản xuất.

Nông dân phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) chăm sóc diện tích trồng ớt chỉ địa nhằm kịp thời đáp ứng đơn hàng của đối tác.

Nông dân phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) chăm sóc diện tích trồng ớt chỉ địa nhằm kịp thời đáp ứng đơn hàng của đối tác.

Ngay từ đầu năm, Công ty CP Kim Bôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đảm bảo đáp ứng đủ các đơn đặt hàng cũng như nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường. Từ đầu năm đến nay, công ty đã sản xuất và đưa ra thị trường 1.200 tấn sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, tương đương giá trị khoảng 69 tỷ đồng. Ông Ngô Ngọc Long, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Kim Bôi cho biết: Cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tăng nên công ty đã có sự chuẩn bị về vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm để đảm bảo yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và cả những thị trường xuất khẩu khó tính; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào đến chế biến và khâu đóng gói cuối cùng, đảm bảo năng suất lao động để đáp ứng đủ sản lượng tiêu thụ. Từ nay đến cuối năm, công ty sẽ xuất khẩu khoảng 80 tấn sản phẩm măng các loại sang thị trường các nước Hà Lan, Nhật, Hàn, Mỹ...

Để bảo đảm hàng hóa nông sản phục vụ tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu trong năm 2024, ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo phòng NN&PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch nông, lâm, thủy sản đúng thời vụ, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ. Đồng thời, chủ động kiểm soát, ngăn chặn các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; duy trì ổn định các hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu cho sản xuất.

Đối với sản xuất vụ đông năm 2024, từ dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngành NN&PTNT nhận định và chỉ đạo các địa phương bố trí tăng diện tích và đẩy sớm tiến độ sản xuất theo đúng kế hoạch cây trồng vụ đông ưa ẩm như ngô, ngô sinh khối, cây họ đậu, ớt... Nếu không kịp thời vụ cần linh hoạt chuyển đổi sang trồng cây ưa lạnh để hạn chế rủi ro xảy ra do thời tiết. Một số khu vực sản xuất trên địa bàn tỉnh khả năng xảy ra ngập úng cục bộ, cần có các biện pháp tiêu úng kịp thời.

Trên cơ sở đánh giá năng lực sản xuất của các địa phương, Sở NN&PTNT đã ước có khả năng cung ứng nhiều loại nông sản, thực phẩm những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Trong đó, ngoài các sản phẩm sản xuất vụ đông, những tháng cuối năm là thời gian thu hoạch một số cây trồng chủ lực của tỉnh với sản lượng lớn như: Sản phẩm cam các loại sản lượng dự kiến khoảng 80.000 tấn; bưởi các loại sản lượng dự kiến 90.000 tấn (tăng so với năm 2023 khoảng 5.000 tấn), trong đó sản lượng bưởi tại các vùng trồng đã cấp mã số và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 1.500 tấn (1,3 triệu quả); sản lượng mía ăn tươi dự kiến 380.000 tấn; sản lượng chuối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu dự kiến giảm nhẹ do ảnh hưởng của bão số 3 nên còn khoảng 7.500 tấn; sản phẩm khoai sọ sản lượng dự kiến 1.700 tấn... Đối với xuất khẩu nông sản, 9 tháng năm nay, toàn tỉnh có 17 cơ sở xuất khẩu nông, lâm sản, tổng sản lượng xuất khẩu trên 890.000 tấn, đạt giá trị trên 228 tỷ đồng.

Đồng chí Bùi Duy Linh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ xuất khẩu nông sản, ngành NN&PTNT đã có kế hoạch và tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất cũng như tiêu thụ. Trong đó, ngành chỉ đạo các địa phương rà soát cụ thể diện tích, sản lượng nông sản chủ lực, có tính cạnh tranh, những diện tích đã được cấp mã số vùng trồng và các chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn để có cơ sở xây dựng kết nối, tiêu thụ phù hợp. Tích cực hỗ trợ các địa phương, hỗ trợ các vùng sản xuất trọng điểm, các hợp tác xã, doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đối tác để tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là đối tác để xuất khẩu nông sản. Vận động, khuyến khích người sản xuất tham gia chuỗi liên kết, các tổ, nhóm sản xuất để tạo sản phẩm đồng nhất về chủng loại và chất lượng. Xây dựng đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu cho nông sản trên các nền tảng trực tiếp và trực tuyến, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm để nâng cao giá trị và bảo đảm chất lượng nông sản, giảm sức ép thị trường, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/194800/dam-bao-nguon-cung-nong-san-nhung-thang-cuoi-nam.htm