Đảm bảo tình hình an ninh tôn giáo

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động này. Đồng thời, chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, TTATXH, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động đạo trái phép.

Cán bộ Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh nghiên cứu hồ sơ các vụ việc, kịp thời tham mưu với lãnh đạo giải pháp đảm bảo tình hình an ninh nông thôn, tôn giáo trên địa bàn. Ảnh: Trường Khanh

Cán bộ Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh nghiên cứu hồ sơ các vụ việc, kịp thời tham mưu với lãnh đạo giải pháp đảm bảo tình hình an ninh nông thôn, tôn giáo trên địa bàn. Ảnh: Trường Khanh

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 3 tôn giáo chính đang hoạt động. Trong đó, Công giáo có hơn 23.000 giáo dân thuộc 52 họ giáo, với 13 linh mục; Phật giáo có hơn 145.000 phật tử, với 421 chùa và trên 500 chức sắc; đạo Tin lành có 100 tín đồ, 1 nhà thờ, 7 điểm nhóm và 1 mục sư…

Lực lượng công an tỉnh đánh giá tình hình an ninh tôn giáo cơ bản ổn định. Hoạt động của các đạo lạ, Pháp Luân Công vẫn xảy ra, tuy nhiên, tính chất, mức độ ít nghiêm trọng.

Năm 2021, lực lượng công an phối hợp với chính quyền cơ sở phát hiện 1 đối tượng có hoạt động hành nghề mê tín dị đoan, chữa bệnh bằng hình thức tâm linh tại nhà riêng. Vụ việc đã được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Để huy động sức mạnh của bà con giáo dân xây dựng cuộc sống lành mạnh, văn hóa, không có tội phạm và tệ nạn xã hội, nhiều mô hình, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được triển khai và thực hiện có hiệu quả.

Hiện nay, lực lượng công an tỉnh đã xây dựng được hàng chục mô hình trong các tôn giáo trên địa bàn. Điển hình, Công an huyện Vĩnh Tường xây dựng mô hình "Họ giáo bình yên, văn hóa và phòng chống tội phạm" tại họ giáo Cửa Sông (xã Việt Xuân).

Mô hình "Năm quản, ba phòng, ba bảo vệ" về ANTT trong Phật giáo tại huyện Yên Lạc với các nội dung: Quản lý giờ giấc, sinh hoạt, quan hệ, kinh tế, làm việc hoặc học tập; phòng ngừa tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội; bảo vệ an toàn các hoạt động phật sự, an toàn tài sản các cơ sở thờ tự và an toàn tính mạng, tài sản mỗi phật tử…

Ngay sau khi các mô hình được triển khai, bà con giáo dân, tăng ni, phật tử và nhân dân trên địa bàn nghiêm túc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia tố giác tội phạm, xây dựng khu dân cư văn hóa.

Ngoài ra, các giáo dân, tăng ni, phật tử còn tích cực vận động, giáo dục các thành viên trong gia đình thực hiện tốt các quy định địa phương, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, không vi phạm pháp luật, không tin theo những “luận điệu” mê tín dị đoan, “tà đạo”

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hùng, Phó trưởng Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh cho biết: Nhằm đảm bảo tình hình an ninh tôn giáo trên địa bàn, thời gian qua, cơ quan chức năng trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

Lực lượng công an tỉnh cùng các ngành chức năng tổ chức hỗ trợ các cấp giáo hội Phật giáo tổ chức thành công đại hội Phật giáo, từng bước ổn định tình hình nội bộ.

Hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức giáo hội hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của chức sắc, tín đồ. Kiềm chế, vô hiệu hóa hoạt động của các chức sắc có biểu hiện hoạt động theo hướng “thoát ly”, “lấn lướt” chính quyền, vi phạm pháp luật, điển hình như đối tượng Lê Hữu Long (Thích Thanh Toàn)…

Hơn 5 năm qua, lực lượng công an đã phối hợp với các đơn vị rà soát, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết triệt để hơn 40 vụ việc mâu thuẫn, khiếu kiện, vi phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo, tạo niềm tin của giáo hội, giáo sĩ, tín đồ với chính quyền và lực lượng công an.

Đến nay, công tác an ninh tôn giáo ngày càng đi vào thực chất, nhiều chức sắc tôn giáo đã tích cực hơn trong phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ tham gia bảo đảm ANTT, nhất là trong các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19…

Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tôn giáo đến các tầng lớp nhân dân.

Trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo, những người thực hành tín ngưỡng, những người chuyên hoạt động tín ngưỡng…

Lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, TTATXH; phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo trái phép; củng cố sự đoàn kết của tín đồ tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Minh Hà

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/73432/dam-bao-tinh-hinh-an-ninh-ton-giao.html