Dấu ấn ngành GTVT: Xóa ám ảnh ùn tắc ngày lễ, Tết ở trạm thu phí
Khi triển khai thu phí tự động hoàn toàn, thời gian xe qua trạm rút ngắn 6-7 lần so với thu phí 1 dừng, không còn cảnh ùn tắc gây bức xúc.
Kỳ 2: Không còn "điểm nóng" ùn tắc
Trong suốt nhiều năm, ùn tắc giao thông dịp lễ, Tết tại các trạm thu phí ở các khu vực, vùng miền trong cả nước dip lễ, Tết như đã thành thông lệ.
"Đến hẹn lại lên, các cụm từ "ùn tắc", "xả trạm" không chỉ khiến người dân ngao ngán, mệt mỏi mà cơ quan chức năng cũng đau đầu không có giải pháp khắc phục.
Thời gian xe lưu thông qua trạm thu phí rút ngắn 6 - 7 lần
Từ dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gần nhất là cao điểm nghỉ lễ 30/4 năm nay, hình ảnh thông thoáng tại các trạm thu phí cửa ngõ như Pháp Vân (Hà Nội); trạm Long Thành - Dầu Giây, An Sương - An Lạc (TP.HCM) khiến nhiều người không không tin vào mắt mình.
Ghi nhận tại “điểm nóng” cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình dịp 30/4 vừa qua, ngày cao điểm có tới gần 100.000 lượt xe qua trạm thu phí nhưng không hề xảy ra ùn tắc. Điều này trái ngược hẳn với dịp 30/4 năm ngoái, dù lưu lượng xe có lúc chỉ khoảng 50.000 lượt nhưng đã gây ùn tắc dài, đôi lúc phải xả trạm.
Các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai vốn là điểm nóng về ùn tắc tại trạm thu phí cũng đã thông thoáng hơn rất nhiều sau khi triển khai chỉ có thu phí tự động không dừng.
Anh Nguyễn Mạnh Đồng (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, những năm trước đây khi còn trả phí thủ công, đi lại mỗi dịp nghỉ lễ Tết là nỗi ám ảnh, có chuyến về quê đi mất cả ngày.
“Kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, việc đi về quê và trở lại Hà Nội khá thuận lợi. Từ 8h tôi xuất phát, tới 12h đã có mặt ở Hà Nội, gồm cả thời gian dừng nghỉ trên đường. Hành trình trở lại Hà Nội không gặp điểm ùn tắc nào. Ngày nghỉ lễ, mặc dù đi đúng giờ cao điểm nhưng đường chỉ như ngày bình thường, rất thông thoáng", anh Đồng nói.
Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho hay, trước thời điểm thu phí không dừng được áp dụng, cho dù ngay trước trong và sau Tết, đơn vị này đều có kế hoạch tỉ mỉ, hướng dẫn, phân luồng nhưng với lượng phương tiện tăng cao không thể tránh khỏi ùn tắc.
"Kể từ khi thu phí không dừng hoàn toàn được áp dụng, việc tổ chức thu phí mỗi dịp lễ tết chúng tôi đã nhàn đi rất nhiều, không còn cảnh phải huy động quân số để trực chốt", Oánh cho hay.
Theo TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Đại học Việt - Đức, trước sức ép của lượng phương tiện ngày càng tăng cao, việc hoàn thành thu phí tự động không dừng trên các tuyến cao tốc đã gỡ được “nút thắt” ùn tắc, đặc biệt tại các tuyến cao tốc trọng điểm kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông, miền Tây.
"ETC giúp nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian lưu thông, chi phí cho chủ xe, giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thuận tiện, minh bạch và tiết kiệm chi phí cho công tác quản lý, giám sát thu phí", ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, khi có thu phí tự động không dừng hoàn toàn, chủ phương tiện không phải dừng lại trả phí nên thời gian xe lưu thông qua trạm thu phí thực tế rút ngắn 6 - 7 lần so với thu phí thủ công đã giúp giảm ùn tắc, xe qua trạm nhanh, thuận tiện hơn.
Lý do giúp cao tốc giảm ùn tắc là việc thu phí ETC tối ưu được quy trình xử lý. Trước kia, tài xế phải dừng chờ lấy thẻ tại trạm, đưa thẻ cho nhân viên quét tính phí, rồi trả tiền, nếu làn xe đông thì khi qua trạm mất đến chục phút. Nay, lái xe chỉ cần chạy tốc độ dưới 40 km/h để hệ thống camera nhận diện, thanh chắn bật mở và tài xế chỉ mất 3 - 5 giây để qua trạm.
"Tỷ lệ người dân dán thẻ và sử dụng dịch vụ trên tuyến đã đạt trên 90%, các lỗi về thẻ, không có tiền trong tài khoản giao thông sau gần 1 năm vận hành đã giảm sâu. Tất cả các tuyến đều bắt buộc ETC, người dân đã quen với thu phí không dừng nên việc lưu thông sẽ thuận lợi hơn. Kết quả này đã giúp hầu như không còn xảy ra ùn tắc tại trạm thu phí vào dịp lễ Tết trên các tuyến cao tốc, quốc lộ", ông Thắng nói.
Sẽ bỏ barie ở cao tốc Bắc - Nam
Ông Tô Nam Toàn, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ VN cho hay, theo chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT thu phí ETC sẽ được triển khai theo 4 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Có barie tại trạm thu phí, tài khoản giao thông của chủ xe phải có số dư đủ trả phí qua trạm thì barie mới mở để xe qua trạm.
Giai đoạn 2: Vẫn còn barie nhưng khách hàng có thể trả tiền phí sau khi đi qua trạm.
Giai đoạn 3: Bỏ barie, đây là giai đoạn chuyển tiếp sang giai đoạn 4. Nếu cho chủ xe trả phí sau mà không vướng mắc gì thì trong 6 tháng đến 1 năm sẽ chuyển sang giai đoạn 4.
Giai đoạn 4: Bỏ barie và bỏ trạm thu phí, chỉ có các thiết bị ETC treo trên giá để xe qua tự do như ở Đài Loan và Singapore.
"Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã đạt được trên 90% số lượng phương tiện dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ. Đây là điều kiện tiên quyết để chuyển sang giai đoạn 2 và giai đoạn 3 - cho phép chủ xe trả sau và bỏ barie", ông Toàn nói.
Với một số dự án cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành và đang được đầu tư xây dựng, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có 3.000km đường cao tốc và đến năm 2030 sẽ có khoảng 5.000km, nhu cầu ứng dụng công nghệ để quản lý, vận hành là rất lớn.
"Để quản lý vận hành số km cao tốc này, Bộ GTVT đã xây dựng đề án đầu tư, quản lý khai thác hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên đường cao tốc. Theo đó, sẽ xây dựng hệ thống ITS đồng bộ, trong đó, đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến sẽ triển khai thu phí điện tử không dừng theo hình thức thu phí kín, liên tuyến bỏ barie", ông Toàn cho hay.
Nói về hoàn thiện hành lang pháp lý để có thể bỏ được barie tại trạm thu phí, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công an bắt buộc mỗi phương tiện phải có tài khoản định danh, tài khoản này gắn với biển số xe và tài khoản cá nhân của chủ phương tiện tại ngân hàng.
"Việc trả phí giao thông, trả tiền phạt vi phạm giao thông đều qua tài khoản này. Ví dụ phương tiện hết tiền trong tài khoản vẫn cho phép qua trạm và trừ tiền sau vào tài khoản này. Để làm được việc này phải sửa nhiều quy định pháp luật liên quan với sự vào cuộc của Ngân hàng nhà nước", ông Thắng nói.
Không những vậy, để phát huy hơn nữa hiệu quả của dự án, Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Chính phủ cho phép mở rộng chức năng thanh toán của tài khoản giao thông, thay vì chỉ thanh toán cho thu phí đường bộ. Theo đó, chủ phương tiện sẽ được dùng thanh toán cho các loại phí dịch vụ khác như ra vào sân bay, thanh toán phí đường bộ, đỗ xe.
Lý giải về đề xuất này, Bộ GTVT cho biết, đến nay hệ thống ETC đã đưa vào hoạt động đồng bộ, đáp ứng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.
Hiện đã có 4,6 triệu phương tiện dán thẻ, mở tài khoản giao thông, đạt trên 90% tổng số lượng phương tiện trên cả nước. Số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí không dừng chiếm tới 90% tổng số giao dịch.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, tài khoản giao thông mới chỉ phục vụ việc thanh toán phí dịch vụ đường bộ chưa tạo được sự thuận lợi tối đa cho người sử dụng, chưa phát huy được hết hiệu quả.
Trong xu thế chung của việc ứng dụng giao thông thông minh, việc mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng như: thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định... sẽ mang lại nhiều lợi ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và hiệu quả đầu tư dự án thu phí điện tử không dừng.
Người dân, chủ phương tiện chỉ cần sử dụng duy nhất một tài khoản giao thông để chi trả cho nhiều dịch vụ sẽ gia tăng tiện ích, tiết kiệm chi phí. Góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đối với hệ thống giao thông tĩnh hiện còn lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu tại các nhà ga, bến cảng, sân bay, bãi đỗ xe. Đồng thời, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hạn chế sử dụng tiền mặt.
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Đại học Việt - Đức nhìn nhận, việc mở rộng trung gian thanh toán cho tài khoản giao thông giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng tiện ích, tạo thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ, phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng. Đây được coi là bước tiến mới trong thanh toán không dùng tiền mặt trong giao thông, phát triển giao thông thông minh.