ĐBQH, chuyên gia đề xuất đơn giản thủ tục hành chính khi tuyển GV nước ngoài
Sử dụng giảng viên người nước ngoài được xem là xu hướng của các trường đại học hiện nay. Tuy nhiên, việc tuyển dụng đội ngũ này lại không hề đơn giản.
Theo xu hướng phát triển của xã hội, việc sử dụng giảng viên người nước ngoài trong chương trình giảng dạy sẽ giúp người học hội nhập quốc tế tốt hơn. Bên cạnh đó, tuyển dụng giảng viên nước ngoài còn giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mang đến tri thức và phương pháp giảng dạy từ các nền giáo dục tiên tiến.
Tuy nhiên, hiện nay, các trường đại học tại Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình tuyển dụng giảng viên người nước ngoài như thủ tục hành chính về visa, giấy phép lao động còn phức tạp; hạn chế về nguồn lực dẫn đến đãi ngộ khó cạnh tranh; thiếu hướng dẫn cụ thể, làm giảm khả năng thu hút nhân tài quốc tế.
Tuyển dụng giảng viên người nước ngoài là bài toán khó cho trường đại học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản năm 2024 nhận định, trong bối cảnh hội nhập, các trường đại học ở Việt Nam ngày càng chú trọng việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, quy trình tuyển dụng giảng viên cơ hữu nước ngoài hiện vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục hành chính.
Điểm b, Khoản 4, Điều 4 Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam nêu rõ về trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu. Mặc dù nghị định đã được ban hành từ năm 2020 (có hiệu lực từ 15/2/2021) nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện khiến nhiều trường gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên phân quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xác nhận bằng cấp của giảng viên nước ngoài.
“Tôi cho rằng, một số trường đề xuất việc phân quyền xác nhận bằng cấp giảng viên nước ngoài cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là có căn cứ, từ đó giúp giảm bớt các bước thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian chờ đợi hồ sơ và giảm chi phí phát sinh khác. Bởi, khi thủ tục xin cấp giấy phép lao động vẫn còn phức tạp, yêu cầu về cấp visa chưa linh hoạt sẽ làm giảm sức hấp dẫn đối với người nước ngoài có năng lực tốt.
Trường hợp điển hình là một giáo sư người Nhật Bản đang giảng dạy và nghiên cứu tại một trường đại học Việt Nam. Dù vị này tự trang trải chi phí và cống hiến lớn cho sự phát triển khoa học, ông vẫn phải rời Việt Nam 3 tháng một lần để gia hạn visa do thiếu giấy phép lao động. Quy định này gây bất tiện và lãng phí thời gian cho cả giảng viên và nhà trường. Trong khi đó, các nước châu Âu cho phép cấp visa dài hạn 5 năm để giảm thiểu sự phức tạp khi giảng viên người nước ngoài quay lại làm việc. Đây cũng là minh chứng cho ngành giáo dục trong nước có thể học hỏi, xem xét theo điều kiện hiện có để cải thiện quy trình thủ tục hành chính”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương nêu quan điểm.
Cùng bàn vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc tuyển dụng giảng viên cơ hữu người nước ngoài tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn từ quy trình thủ tục, nguồn lực và môi trường cạnh tranh.
Trước hết, một trong những trở ngại chính mà các cơ sở giáo dục đại học hiện phải đối mặt là quy trình xin chỉ tiêu lao động và hồ sơ cấp giấy phép lao động cho giảng viên nước ngoài. Bởi, thời gian xét duyệt hồ sơ thường kéo dài và thủ tục hành chính rườm rà đã khiến nhiều trường đại học không thể kịp thời hoàn thiện đội ngũ giảng viên theo dự kiến.
Bên cạnh đó, việc giải trình lý do không sử dụng giảng viên Việt Nam cũng gây khó khăn cho các trường trong việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài, thậm chí gây ra chậm trễ và thiếu linh hoạt trong việc xử lý hồ sơ nhất là đối với các trường chưa tự chủ hoàn toàn. Trong khi đó, những trường đại học đã tự chủ sẽ phần nào dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với nhiều quy định và thủ tục phức tạp. Đặc biệt, trong trường hợp cần mời giảng viên nước ngoài cho các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng Tiếng Anh, việc thiếu giảng viên Việt Nam có trình độ phù hợp càng làm tăng áp lực cho các cơ sở giáo dục đại học.
“Một thách thức khác là nguồn lực và mối quan hệ quốc tế của các trường đại học Việt Nam còn hạn chế. Không phải cơ sở giáo dục đại học nào cũng có mạng lưới mối quan hệ quốc tế rộng rãi để kết nối với những giảng viên nước ngoài uy tín. Thông thường, các nghiên cứu sinh Việt Nam đi học ở nước ngoài và có thể mời giảng viên của họ về thỉnh giảng trong một thời gian ngắn. Bởi, việc tuyển dụng giảng viên cơ hữu và tạo động lực giúp họ gắn bó lâu dài rất khó khăn. Hầu hết các trường đại học khó có thể cạnh tranh với mức lương mà giảng viên nước ngoài có thể nhận được tại các nước phát triển, khiến cho việc thu hút nhân tài trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, các thủ tục nhập cảnh phức tạp và yêu cầu giấy phép lao động chặt chẽ có thể làm giảm khả năng thu hút giảng viên nước ngoài. Thực tế, nhiều giảng viên nước ngoài phải đối mặt với các yêu cầu về visa phức tạp, trong đó có việc giảng viên phải ra nước ngoài để gia hạn visa và quay lại Việt Nam, gây thêm áp lực cho cả họ và nhà trường trong khi nhu cầu về giảng viên chất lượng cao đang ngày càng gia tăng theo xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm.
Khoản 3, Điều 71, Luật Giáo dục 2019 nêu rõ: “Khuyến khích việc mời nhà giáo, nhà khoa học trong nước, nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đến giảng dạy tại cơ sở giáo dục theo chế độ thỉnh giảng”.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, hiện nay vẫn thiếu hướng dẫn cụ thể về cách thức tổ chức đào tạo và quản lý giảng viên nước ngoài, dẫn đến tình trạng các trường đại học chưa thể triển khai hiệu quả. Thực tế cho thấy, mặc dù luật đã được ban hành nhưng nhiều trường vẫn chậm trễ trong việc thực hiện và chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về mặt tài chính để chi trả cho đội ngũ giảng viên nước ngoài.
Trong khi đó, theo Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, một trong những trở ngại lớn nhất đối với các trường đại học khi tuyển dụng giảng viên nước ngoài là các thủ tục hành chính phức tạp như xin chỉ tiêu lao động, giấy phép lao động và các quy định liên quan. Quy trình cấp phép kéo dài không chỉ gây cản trở, làm mất cơ hội thu hút giảng viên tài năng từ quốc tế mà còn buộc nhiều trường phải chọn giải pháp thỉnh giảng thay thế, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư vào đội ngũ giảng viên chất lượng cao trong dài hạn.
Đơn cử thời gian cấp phép lao động thường không đồng bộ với lịch làm việc của các trường, gây khó khăn trong việc sắp xếp và lập kế hoạch giảng dạy. Ngoài ra, để xin chỉ tiêu lao động cho giảng viên nước ngoài, các trường phải giải trình chi tiết về lý do và sự cần thiết của từng vị trí vừa mất nhiều thời gian vừa hạn chế sự linh hoạt trong bổ sung nguồn nhân lực nước ngoài.
Bên cạnh thủ tục hành chính, vấn đề về chi phí cũng là một rào cản lớn. Thu hút giảng viên nước ngoài yêu cầu các trường phải chi trả mức lương, đãi ngộ hấp dẫn để cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều trường ở Việt Nam lại gặp khó khăn về ngân sách, nhất là các trường công lập phải tuân thủ theo ngân sách nhà nước và các quy định về chi tiêu công. Điều này tạo ra sự bất lợi trong cuộc cạnh tranh thu hút giảng viên nước ngoài so với các nước phát triển trong khu vực. Để tuyển dụng được giảng viên nước ngoài giỏi, các trường thường phải chuẩn bị ngân sách đảm bảo mức lương và các điều kiện để phục vụ nghiên cứu của họ. Tuy nhiên, nhiều trường không đủ điều kiện đáp ứng tất cả những yêu cầu này dẫn đến khó khăn trong quá trình thu hút nhân tài.
Không những vậy, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là người nước ngoài. Hơn nữa, chưa có căn cứ hay hướng dẫn để đánh giá việc đáp ứng chuẩn nghề nghiệp đối với giảng viên nước ngoài. Điều này tạo tâm lý e ngại và có thể làm các trường từ bỏ ý định tuyển dụng, hạn chế khả năng hợp tác quốc tế và giảm cơ hội cho sinh viên tiếp thu kiến thức, kỹ năng từ nước ngoài.
Đơn giản hóa quy trình sẽ thu hút giảng viên người nước ngoài chất lượng
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, để thu hút giảng viên nước ngoài tới Việt Nam làm việc trước hết cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, một trong số đó là việc cấp visa cho các giảng viên quốc tế tham gia giảng dạy dài hạn. Giải pháp này không chỉ giảm thiểu sự phiền toái cho giảng viên mà còn khuyến khích sự gắn bó lâu dài và cống hiến của họ cho nền giáo dục Việt Nam.
Ngoài ra, trong môi trường cạnh tranh quốc tế, các trường đại học tại Việt Nam cần được xem xét tạo điều kiện trong việc ký kết hợp đồng hợp tác với giảng viên nước ngoài. Cụ thể, yêu cầu tuyển dụng giảng viên nước ngoài có thể đơn giản hóa bằng cách chỉ cần quy định rõ số giờ giảng dạy và số lượng bài báo khoa học họ cần công bố hàng năm. Điều này đủ để đánh giá hiệu quả công việc và sự uy tín của họ. Từ đó, quy trình hợp đồng trở nên linh hoạt, không chỉ giúp các trường tối ưu hóa nguồn lực mà còn tạo môi trường làm việc thoải mái, thuận lợi cho giảng viên nước ngoài.
“Việc cải thiện chính sách tuyển dụng giảng viên nước ngoài là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút nhân tài và nâng cao chất lượng giáo dục. Để thực hiện điều này, các quy định và thông tư cần được điều chỉnh để hỗ trợ các trường đại học thu hút giảng viên nước ngoài dễ dàng hơn thông qua việc cấp visa dài hạn và phân quyền xác nhận bằng cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, các trường có thể dễ dàng thu hút những giảng viên nước ngoài tài năng mà không mất nhiều thời gian hoặc gặp trở ngại trong việc làm thủ tục rườm rà, giúp tối ưu hóa chất lượng đào tạo và nghiên cứu”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương bày tỏ.
Trong khi đó, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trên thực tế, nhiều quốc gia đã triển khai thành công các mô hình tuyển dụng và giữ chân giảng viên nước ngoài, đặc biệt là tại các trường đại học có định hướng nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Đây cũng là căn cứ để Việt Nam học hỏi từ các mô hình này, điều chỉnh chính sách và quy trình hành chính sao cho thu hút và giữ chân các giảng viên nước ngoài, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với những kiến thức và phương pháp giảng dạy hiện đại. Để thực hiện tốt điều này, cần có sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng giáo dục quốc tế, từ đó xây dựng một môi trường giáo dục thực sự mở cửa và thân thiện với giảng viên nước ngoài.
Đồng quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn nhận định: “Trước các thách thức trên, tôi cho rằng, Nhà nước cần có chính sách cởi mở và hỗ trợ tích cực hơn để giúp các trường đại học dễ dàng tuyển dụng giảng viên nước ngoài. Trước hết, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ để tạo thuận lợi cho quá trình xin cấp phép lao động, giúp tăng tính hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giảng viên quốc tế. Ngoài ra, Nhà nước nên linh hoạt hơn về các quy định tài chính, hỗ trợ các trường công lập cung cấp gói đãi ngộ cạnh tranh như hỗ trợ tài chính, chỗ ở và phúc lợi phù hợp. Điều này sẽ giúp các trường vượt qua hạn chế ngân sách và tăng khả năng thu hút nhân tài.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình và yêu cầu tuyển dụng giảng viên nước ngoài. Từ đó giúp các trường dễ dàng thực hiện, tự tin xây dựng môi trường học tập và nghiên cứu chất lượng, góp phần nâng cao vị thế của trường đại học Việt Nam. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và trường đại học sẽ tối ưu hóa quy trình tuyển dụng và nâng cao chất lượng nhân lực quốc tế trong ngành giáo dục”, Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn bày tỏ.