Để sân khấu trung thu không chỉ là mùa vụ…
Tết Trung thu bây giờ không chỉ là dịp để trẻ em được trải nghiệm với những hoạt động vui chơi dân gian như múa lân, sư tử, phá cỗ trông trăng… mà còn là cơ hội cho các em được thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đặc sắc. Hơn nữa, 'bữa tiệc nghệ thuật' rực rỡ sắc màu ấy ngày càng được đầu tư kỹ lưỡng để phục vụ khán giả lâu dài …
Là một trong bốn ngày Tết quan trọng của người Việt, thời gian gần đây, Trung thu đã trở thành dịp các đơn vị nghệ thuật cho ra mắt những tác phẩm được chăm chút và đầu tư kỹ lưỡng, như là món quà nhỏ dành cho các bạn nhỏ để bước vào 1 năm học mới nhiều vui tươi, phấn khởi. Với sân khấu Thủ đô, Nhà hát Tuổi trẻ là một trong những đơn vị nghệ thuật năng động chú trọng hướng đến đối tượng khán giả thanh niên, thiếu nhi. Sau mùa kịch 1/6 đầy màu sắc, Trung thu năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ mang đến vở nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh”.
Tác phẩm dựa trên truyện ngắn cùng tên của Selma Lagerlof - nhà văn người Thụy Điển. Tác phẩm kể về Leah - một đứa trẻ lạc cha mẹ, bị bỏ lại trong khu rừng của các “Troll” (loài yêu tinh khổng lồ trong thần thoại Bắc Âu). Giữa Troll và loài người có mối hiềm khích sâu sắc, việc đứa trẻ loài người xuất hiện đã gây nên nhiều nghi ngại, tranh cãi giữa Troll bố và Troll mẹ. Trải qua những xung đột và khác biệt, bằng tình yêu thương rất con người của Troll, Leah cuối cùng đã trở thành một thành viên trong gia đình yêu thương.
Vở diễn là câu chuyện về tình mẫu tử, tình cảm gia đình thiêng liêng. Vở kịch cũng là dự án hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát SangsangMaru (Hàn Quốc) nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc với sự tham gia của các chuyên gia sân khấu đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo múa, diễn viên xứ sở kim chi. NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ tin tưởng Dự án sẽ mang đến một làn gió mới đối với hoạt động trình diễn, phục vụ thiếu nhi tại Việt Nam, góp phần đưa diện mạo biểu diễn nghệ thuật cho trẻ em tiếp cận với các trào lưu nghệ thuật đương đại trên thế giới.
Với đối tượng khán giả chính là các em nhỏ nên Liên đoàn xiếc Việt Nam cũng ra mắt một chương trình đặc biệt tại Sân khấu tròn với tên gọi “Vầng trăng cổ tích”. Chương trình gồm các phần “Bồng lai tiên cảnh”, “Đón trăng gọi Cuội”, “Vũ hội trăng Rằm”, các nhân vật huyền thoại trong những câu chuyện cổ tích đã được lồng ghép trong những tiết mục xiếc đương đại vui nhộn, dí dỏm và kỳ thú bắt mắt như bay lượn trên không, ảo thuật huyền bí... Đặc biệt phân cảnh “Vũ hội trăng Rằm” là sự hội tụ các tiết mục xiếc thú đặc sắc của các nghệ sĩ Liên đoàn xiếc Việt Nam, cùng sự xuất hiện của những vị thần sấm sét, gió, mưa bay trên vòng quay mạo hiểm để đến hạ giới. Nhà hát múa rối Việt Nam cũng ưu ái dành tặng khán giả nhí một loạt tiết mục hấp dẫn như “Trung thu cổ tích”, “Thế giới thần tiên”, “Âm vang đồng quê”.
Vốn là nơi có đời sống sân khấu sôi động, mùa hè năm nay, TP Hồ Chí Minh chứng kiến số lượng kỷ lục các vở kịch sân khấu dành cho thiếu nhi. Theo thống kê, chỉ trong tháng đầu hè đã có 4 vở kịch thiếu nhi ra mắt đó là “Ngày xửa ngày xưa”, “Bí mật tre trăm đốt”, “Siêu thú tranh tài”, “Bắc Kim Thang”… Ngoài ra, kịch mục “Ngày xửa ngày xưa” cũng ra mắt vở diễn mới nhất mang tên “Nàng công chúa và chiếc áo gai”. Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B cũng mang đến tác phẩm “Ve ve chành chành và hai cục bướu”. Vở kịch này sẽ cùng 3 vở diễn trước đó là “Đại náo Long cung”, “Bộ lạc nanh trắng”, “Vương quốc những người xấu xí” mang đến chùm kịch hấp dẫn cho mùa kịch trung thu. Nhà hát nghệ thuật Phương Nam biểu diễn trở lại với “Ba Tư huyền bí”. Sân khấu cải lương như Trần Hữu Trang và lĩnh vực xiếc cũng không kém cạnh với việc gia tăng các suất diễn.
Vừa đảm nhiệm vai trò Giám đốc Sân khấu nhỏ 5B, vừa là nghệ sĩ tất bật biểu diễn trong mùa kịch trung thu, NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ rằng, trung thu là thời gian đoàn viên của các gia đình nhưng với các nghệ sĩ sĩ hy sinh sự đoàn viên đó để nhận về niềm hạnh phúc lớn lao là sum vầy cùng khán giả, đồng nghiệp ở sân khấu. Không chỉ ở các thành phố lớn, ở một số địa phương những người làm sân khấu cũng đã chú trọng tới ra mắt những tác phẩm phục vụ khán giả nhí vào dịp Trung thu. Tiêu biểu nhất phải kể tới Đoàn nghệ thuật Múa rối Hải Phòng với sự ra mắt của vở “Aladin và cây đèn thần”. Theo các nghệ sĩ thì đây là một kịch bản nước ngoài những đầy chất rối và phù hợp với sự thể hiện của múa rối.
Bên cạnh những tác phẩm sân khấu, mùa trung thu năm nay còn có sự “đổ bộ” của một loạt chương trình nghệ thuật, trong đó phải kể tới chương trình “Trảy hội trăng rằm” của sân khấu Lệ Ngọc. Năm ngoái, sân khấu Lệ Ngọc cũng đã chuẩn bị chu đáo tác phẩm dành cho thiếu nhi là “Dế mèn” và “Tấm Cám”, quy tụ đội ngũ sáng tạo là những gương mặt sáng giá của làng sân khấu. Chương trình quy tụ sự tham gia của gần 200 nghệ sĩ các thế hệ trong làng sân khấu như NSƯT Thu Hà, NSƯT Minh Vượng, Phan Thắng, Du Ca, Lệ Quyên… Trong đó, NSƯT Thu Hà vào vai chú Cuội, NSƯT Minh Vượng vào vai chị Hằng với khá nhiều tình tiết hài hước, mang lại những tiếng cười sảng khoái cho các em nhỏ. Chương trình bao gồm chuỗi những hoạt động trải nghiệm, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, thời trang, diễn kịch.
Ở khía cạnh âm nhạc là những ca khúc hay về Trung thu như “Em đi xem hội trăng rằm”, “Cây đa quán dốc”, “Chú Cuội chơi trăng”, “Lý cây đa”, “Thằng Cuội gọi trăng là gì”… Những khán giả nhí yêu thời trang thì được mãn nhãn với những thiết kế độc đáo nằm trong bộ sưu tập thời trang “Việt Nam đa sắc”, bộ sưu tập áo dài lụa tơ tằm lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống và văn hóa dân gian... Chương trình nhạc kịch “Đồng dao cổ tích” diễn ra tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội cũng là một điểm nhấn trong mùa Trung thu năm nay. Nhạc kịch kể về hành trình của Thi Ca, Thi Họa ở thế giới hiện đại đi lạc vào thế giới cổ tích. Từ đó, câu chuyện đan cài giữa hiện đại và cổ tích, thiện và ác, xưa và nay cùng diễn ra. Với những hình ảnh của Thánh Gióng, Mai An Tiêm, Sơn Tinh, Thủy Tinh… vở nhạc kịch lan tỏa nét đẹp của văn hóa truyền thống của người Việt Nam đến thế hệ trẻ. Ngoài ra, cũng phải kể tới Đại vũ kịch “Sắc màu tuổi thơ” Vol.5 năm nay hứa hẹn mang đến những màn vũ điệu mãn nhãn cùng bối cảnh, ánh sáng kỳ ảo, bất ngờ…
Có thể nói, sự ra mắt của một loạt chương trình hay, chất lượng sinh động, hấp dẫn cho thấy các đơn vị đã quan tâm nhiều hơn đến đối tượng khán giả trẻ. Các chương trình đều được đầu tư kỹ lưỡng từ kịch bản đến đội ngũ dàn dựng, biểu diễn. Một điều dễ nhận thấy là các nhân vật trong các chương trình này đều khá quen thuộc như chú Cuội, chị Hằng, các nhân vật trong truyện cổ tích… nhưng đã được lồng ghép vào đó những nội dung, thông điệp mới phù hợp cuộc sống hiện đại. Phần âm nhạc luôn có sự kết hợp giữa những yếu tố hiện đại và âm hưởng dân tộc khiến người xem vô cùng thích thú. Được biết, những ngày này, 3 sân khấu của Nhà hát múa rối Việt Nam hay các suất diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đều “chạy” hết công suất và kín chỗ. Nhiều hợp đồng diễn xuất được đặt trước cả tháng.
Trước đây, cách chương trình sân khấu cho thiếu nhi thường được thực hiện theo kiểu mùa vụ. Tức là các chương trình chỉ được thực hiện khi các dịp lễ sắp đến. Nhưng thời gian gần đây, các đơn vị, nhà hát có sự chuẩn bị từ sớm, có chiến dịch dài hơi để phục vụ đối tượng khán giả này. Ngoài ra, các tác phẩm đều được đầu tư kinh phí lớn cho kịch bản, dàn dựng, biểu diễn. Nội dung các chương trình, tác phẩm cũng được xây dựng kỹ lưỡng, sinh động vui nhộn lồng ghép trong đó những bài học tinh tế, nhẹ nhàng.
NSƯT Đức Hùng, Phó giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long cũng là tác giả kịch bản và đạo diễn của nhiều chương trình, thì cho rằng, thiếu nhi thích những hình ảnh thay đổi, màu sắc rực rỡ, có bất ngờ, có sự sôi nổi, vừa truyền thống, vừa hiện đại nên các tiết mục dành cho các em cũng có xu hướng đi theo cách này. Với đặc thù trẻ em thường đi xem cùng người lớn nên các đơn vị nghệ thuật đã xây dựng nội dung kịch mục phong phú, các lứa tuổi đều có thể cùng thưởng thức. Ngoài ra, trước đây, tác phẩm thường được thực hiện theo kiểu “mùa vụ”, hết mùa thì… cất đi. Tuy nhiên, với những vở diễn chất lượng như hiện nay thì sau khi các em vào năm học mới, các nhà hát sẽ chỉnh lại lịch biểu diễn để khán giả vẫn có thể xem lâu dài.