Để thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ở Nhật sẽ vẫn biết nói tiếng Việt, vẫn biết yêu Tết Việt
Cộng đồng người Việt tại Fukuoka luôn tâm niệm về việc giữ gìn và tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam, gìn giữ ngôn ngữ tiếng Việt... Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch hội người Việt Nam tại Fukuoka, Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG, về vấn đề này.
Thưa ông, xin ông chia sẻ về các hoạt động nhân dịp Tết Giáp Thìn của cộng đồng người Việt tại Fukuoka để giúp người Việt ở đây gắn kết và hướng về quê hương?
Học viện Nhật ngữ GAG có gần 500 du học sinh quốc tế, đến từ 20 quốc gia trên thế giới và gần 300 du học sinh người Việt Nam đang theo học. Tết đến, Xuân về là dịp đặc biệt với các du học sinh đến từ châu Á, trong đó có du học sinh người Việt Nam.
Dịp Tết Nguyên đán, trường tổ chức các hoạt động như: Trang trí tiểu cảnh Tết, gói bánh chưng, lì xì và tổ chức tiệc tất niên để cho các giảng viên người Nhật hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Đây cũng là dịp để sinh viên Việt Nam giới thiệu những phong tục, tập quán của người Việt Nam với bạn bè Nhật Bản nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.
Chương trình Xuân Quê Hương 2024 – Tết Việt Nam tại Fukuoka lần thứ 5, là một trong những sự kiện Tết Việt lớn nhất tại Nhật Bản. Năm nay, Học viện Nhật Ngữ GAG đã đồng hành và tài trợ cho chương trình này với rất nhiều điểm nhấn như: “Tuần lễ áo dài tại Fukuoka từ 18 – 21/01/2024” nhằm quảng bá văn hóa áo dài Việt Nam, đồng thời quảng bá cho du lịch của Fukuoka và Kyushu; “Thiết lập kỷ lục 1.500 người Việt Nam Nhật Bản mặc áo dài Việt Nam xếp bản đồ Việt Nam vào ngày 20/01/2024”. Chương trình lập kỷ lục này để thể hiện rõ tình cảm sâu sắc, tình hữu nghị của Việt Nam – Nhật Bản ngày càng bền chặt, đoàn kết và vì hòa bình trên toàn thế giới; “Lễ hội Tết Xuân Quê Hương 2024” vừa diễn ra trong hai ngày 20 – 21/1.
Chương trình Lễ hội Xuân quê hương tại Fukuoka 2024 không chỉ tổ chức cho cộng đồng người Việt tại khu vực Kyushu, Okinawa nói riêng, mà chúng tôi mong muốn thông qua chuỗi hoạt động này sẽ nhiều cơ hội quảng bá ẩm thực, giao lưu văn hóa đến với đông đảo người dân Fukuoka và cộng đồng các bạn nước ngoài tại khu vực Kyushu.
Thông qua lễ hội này, Ban tổ chức mong muốn quảng bá cho khách du lịch quốc tế, cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới biết đến tỉnh Fukuoka là một điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện và là 1 thành phố đáng sống tại Nhật Bản.
Trong năm qua, những hoạt động giữ gìn tiếng Việt đã được triển khai và phát huy hiệu quả như thế nào, thưa ông?
Năm 2023, tại tỉnh Fukuoka nói riêng và khu vực Kyushu nói chung, hoạt động dạy và học tiếng Nhật cho các cháu thiếu nhi gốc Việt diễn ra rất sôi nổi và được chuẩn bị một cách chu đáo, bài bản.
Theo như chia sẻ của bà Vũ Chi Mai, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản vượt con số 500.000, trở thành cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài lớn thứ hai thế giới, chỉ sau cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Tại khu vực Tây Nam Nhật Bản, gồm 7 tỉnh và Okinawa, số lượng người Việt Nam khoảng có hơn 50.000 người và có chiều hướng tăng, do chính sách thu hút nguồn lao động từ nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản. Với sự gia tăng về số lượng như vậy, không ít những gia đình người Việt đã hình thành tại đây, để rồi thế hệ trẻ em gốc Việt thứ 2, thứ 3 được ra đời.
Theo số liệu thống kê năm 2022, hiện nay số trẻ em từ 0 đến 15 tuổi người Việt Nam được sinh ra tại khu vực tỉnh Fukuoka là hơn 1.000 cháu. Các cháu sẽ theo học tại các trường học của Nhật từ mầm non, tiểu học và sử dụng tiếng Nhật để học tập, sinh hoạt là chính, nên cơ hội sử dụng tiếng Việt hầu như rất ít, dẫn đến việc mai một tiếng Việt và không hiểu về văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, nếu phụ huynh, gia đình không sát sao, chú trọng trong việc dạy Tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ, nguy cơ phai nhạt giá trị cội nguồn là điều khó tránh khỏi ở trẻ em thế hệ thứ 2, thứ 3.
Hiểu thực trạng đó, mong muốn gìn giữ và phát huy ngôn ngữ - văn hóa dân tộc, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka và Hội người Việt Nam tại Fukuoka có rất nhiều các buổi họp, trao đổi và đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện, chương trình như: Hội thảo quốc tế “Tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam tại Khu vực Kyushu”; mời các chuyên gia, giáo sư hàng đầu để xây dựng và triển khai “Khóa học phương pháp giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em người Việt Nam tại Kyushu” để đào tạo phương pháp giảng dạy bài bản cho phụ huynh, giáo viên tình nguyện và đặc biệt đã thành lập Ban tiếng Việt của Hội người Việt Nam tại Fukuoka để sẵn sàng cho nhiệm vụ giáo dục tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em gốc Việt tại Nhật. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ và đặc biệt quan tâm của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka - Nhật Bản.
Tổng lãnh sự Vũ Chi Mai đã gửi lời chúc mừng đến Ban tiếng Việt của Hội và cho biết Tổng lãnh sự quán rất kỳ vọng và sẽ luôn đồng hành, trợ giúp duy trì lớp học tiếng Việt và văn hóa Việt mang tên “Tiếng Việt của em”.
Buổi lễ khai giảng lớp học “Tiếng Việt của Em” được diễn ra với sự tham gia của 30 học sinh và 50 các bậc phụ huynh. Đây là sự mở đầu tích cực trong hành trình lan tỏa ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đến thế hệ tương lai, cũng như lời khẳng định “Dù bạn sinh ra, lớn lên ở đâu thì dòng máu Việt Nam vẫn chảy trong mình, ngôn ngữ và văn hóa Việt vẫn thấm nhuần trong tư tưởng. Đó là kim chỉ nam cho mỗi bước đi trong cuộc đời chúng ta”. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản) ra mắt tủ sách tiếng Việt, đặt tại trụ sở Tổng lãnh sự quán. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài dành cho người mới học tiếng Việt, người dạy tiếng Việt, những người nghiên cứu tiếng Việt trong cộng đồng.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục triển khai các cấp độ tiếp theo của bộ sách “Chào tiếng Việt” để đảm bảo đầy đủ tài liệu dạy học theo 6 bậc năng lực trong chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đồng thời, nghiên cứu một số phương án dạy tiếng Việt cho học sinh Việt Nam, học sinh nước ngoài có mong muốn học tiếng Việt ở một số địa bàn đặc thù...
Chúng tôi mong muốn được nhận được sự giúp đỡ của các Cơ quan đại điện, Ủy Ban Nhà nước về người Việt Nam tại Nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan liên quan để có thể nhân rộng các lớp tiếng Việt trong khu vực trong năm 2024 tới với quy mô và chất lượng tốt hơn nữa.
Là một người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản, xin ông chia sẻ cảm xúc nhân dịp dịp Tết đến Xuân về. Với vai trò của mình, trong những năm qua, ông đã nỗ lực như thế nào trong việc gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản?
Tôi đến Nhật cách đây 18 năm trước. Đối với người con xa quê hương, mỗi dịp Tết đến Xuân về rất nhớ nhà, nhớ quê hương Việt Nam. Nếu có điều kiện, tôi đều về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình. Nhưng nếu không thu xếp được, chúng tôi cùng nhau tổ chức chương trình đón Tết ở du Xuân, để gìn giữ văn hóa Việt Nam, hơn cả là lan tỏa không khí ấy tới những bạn nhỏ.
Tôi cũng là Chủ tịch hội người Việt Nam tại Fukuoka, nên sau giờ phút giao thừa, chúng tôi cũng đến nhà của anh chị em trong cộng đồng để chúc mừng năm mới. Điều này nhằm tăng thêm tình đoàn kết đồng hương, gắn kết và động viên nhau trong năm mới.
Là hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên tại Nhật, tôi ý thức được niềm tự hào riêng có của cá nhân và những trách nhiệm của mình đối việc trở thành cây cầu nối giáo dục của hai quốc gia. Tôi luôn nhắc nhở mình bằng câu nói: “Tiếng Việt còn thì văn hóa còn, văn hóa còn thì dân tộc còn”. Do đó, tôi luôn nỗ lực gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng.
Một điểm nhấn mà tôi luôn nhớ trong quá trình chung tay gìn giữ tiếng Việt ở Nhật. Đó là, sau một quá trình chuẩn bị công phu và bài bản, ngày 10/6/2023, tại Học viện Nhật ngữ GAG, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka và Hội người Việt Nam tại Fukuoka - Nhật Bản đã chính thức khai giảng lớp học “Tiếng Việt của em”, với sự tham gia của 30 cháu thiếu nhi người Việt. Lớp học tiếng Việt này được tổ chức vào thú 7 hàng tuần, tại chính Học viện Nhật ngữ GAG.
Tôi luôn tâm niệm rằng, không phải cứ trở về Việt Nam cống hiến mới là yêu nước. Do đó, với cương vị là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka, tôi luôn nỗ lực vì cộng đồng người Việt tại đây. Lớp học tiếng Việt hay các sự kiện giao lưu văn hóa Việt – Nhật, chính là minh chứng cho tấm lòng của người con xa xứ đối với quê hương, đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!