Đề xuất UBND cấp tỉnh được quyết định dự án xây bến cảng từ 2.300 tỷ đồng

Việc phân quyền cho UBND cấp tỉnh nhằm thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước cho địa phương, đơn giản hóa giản quy trình, thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án,...

Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với 3 trường hợp.

Thứ nhất, các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thứ hai, dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt.

Thứ ba, dự án đầu tư không phân biệt quy mô thuộc phạm vi bảo vệ của khu vực I và khu vực II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ các dự án đầu tư thuộc khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới nhằm tạo chủ động cho các địa phương.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: ST)

Ảnh minh họa. (Nguồn: ST)

Trước đó, tại quy định cũ, việc xin chấp nhận chủ trương đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Quy định này được thực hiện xuyên suốt từ 2005 tới nay.

Tương tự, mọi dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, không phân biệt quy mô vốn đầu tư đều phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trong khi đó, đối với các dự án xây dựng công trình, cơ sở lưu trú có quy mô nhỏ thuộc khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới (như đô thị cổ Hội An, di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà…) phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, làm tăng thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư.

Trên cơ sở đó, các địa phương đề nghị phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích .

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phân quyền cho UBND cấp tỉnh nhằm thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước cho địa phương, đơn giản hóa giản quy trình, thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các địa phương; hạn chế số lượng các dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ…

Theo số liệu thống kê của ngành văn hóa, Việt Nam hiện có hơn 41.000 di tích, danh lam thắng cảnh, trong đó cấp có thẩm quyền đã xếp hạng hơn 11.000 di tích cấp tỉnh; 3.630 di tích tích cấp quốc gia; 133 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới (Quần thể di tích Cố đô Huế; Khu phố cổ Hội An; Khu đền tháp Mỹ Sơn; Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội; Thành Nhà Hồ; Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà; Vườn Phong Nha - Kẻ Bàng; Quần thể danh thắng Tràng An).

Như vậy, nếu phân cấp, với số lượng các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới như trên, hồ sơ dự án đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ sẽ giảm xuống. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, đưa nguồn lực vào phát triển kinh tế xã hội, đồng thời không tạo sự chủ động cho các địa phương…

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xuat-ubnd-cap-tinh-duoc-quyet-dinh-du-an-xay-ben-cang-tu-2300-ty-dong-post318771.html