Di sản tư liệu - nhận diện để bảo tồn

Việt Nam đã có 7 Di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh; và còn rất nhiều di sản tư liệu đa dạng về loại hình đang được lưu giữ ở các địa phương, dòng họ, gia đình, một số di sản có nguy cơ bị mai một, biến mất… Tuy nhiên, loại hình di sản này chưa được quy định trong hệ thống pháp luật nước ta.

Chưa có hành lang pháp lý về di sản tư liệu

Trong các loại hình di sản văn hóa, di sản tư liệu là một bộ phận đặc biệt, vì nó tồn tại trên cả 2 dạng thức: vật thể và phi vật thể, bởi các vật mang tin khác nhau như giấy, gỗ, đá, âm thanh, tiếng nói, lá, vải, phim ảnh… TS. Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) cho biết: Di sản tư liệu gồm một hay một nhóm tài liệu có giá trị quan trọng và lâu dài đối với một cộng đồng, một nền văn hóa, một quốc gia hay đối với nhân loại nói chung. Trước tình trạng nhiều tài liệu đã biến mất vĩnh viễn, nhiều tài liệu đang trong tình trạng nguy hiểm, năm 1992, UNESCO đã khởi xướng Chương trình Ký ức thế giới nhằm mục tiêu bảo vệ di sản tư liệu, tạo điều kiện việc tiếp cận và quảng bá di sản, đồng thời nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết phải bảo tồn di sản tư liệu của nhân loại.

Cần nhận diện tầm quan trọng, có quy định nhằm quản lý, bảo tồn di sản tư liệu. Ảnh: mocban.vn

Cần nhận diện tầm quan trọng, có quy định nhằm quản lý, bảo tồn di sản tư liệu. Ảnh: mocban.vn

Tại Việt Nam, di sản tư liệu chỉ được biết đến trong những năm gần đây, sau khi Mộc bản triều Nguyễn trở thành Di sản tư liệu thế giới đầu tiên được UNESCO công nhận năm 2009. Tiếp đó là hàng loạt di sản tư liệu khác được vinh danh ở cấp thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nguồn tài liệu lưu trữ này có giá trị đặc biệt về lịch sử và nghệ thuật, phản ánh bản sắc văn hóa Việt Nam, là những bằng chứng lịch sử chứa đựng các thông tin của quá khứ, phản ánh thành tựu sáng tạo của nhân dân qua các thời kỳ khác nhau.

Tính đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu thống kê thật sự đầy đủ, chính xác về số lượng tư liệu quý của Việt Nam. Dù vậy, các nhà chuyên môn cho rằng, di sản tư liệu ở Việt Nam có khối lượng đồ sộ và tồn tại ở rất nhiều nơi, trong các cơ sở thuộc Nhà nước quản lý như thư viện, bảo tàng, trung tâm lưu trữ… và trong các cơ sở tư nhân như nơi thờ tự, họ tộc, tư gia…

Giống như các di sản văn hóa khác, di sản tư liệu vốn rất mong manh và nhạy cảm dưới những tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội. Vì vậy, công tác kiểm kê, nhận diện, bảo vệ di sản tư liệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhưng trên thực tế, công tác này đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, do công tác quản lý nhà nước về di sản tư liệu vẫn còn bỏ ngỏ. Việt Nam tham gia Chương trình Ký ức Thế giới từ năm 2007, nhưng di sản tư liệu chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị. Bên cạnh đó, chưa có quy định hướng dẫn, tư vấn quy trình, phương thức thực hiện việc kiểm kê, nhận diện, lập hồ sơ, bảo quản thích hợp đối với từng loại hình di sản tư liệu cũng như cơ chế tiếp cận, khai thác...

Cần quy định trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Từ năm 2021, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về di sản tư liệu được giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời chỉ đạo bổ sung nhiệm vụ này vào Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của Bộ, cũng như trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang triển khai thực hiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 59/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2022, trong đó có việc xây dựng Thông tư quy định kiểm kê và lập hồ sơ di sản tư liệu để đưa vào Danh mục quốc gia về di sản tư liệu.

Theo TS. Vũ Thị Minh Hương, Thông tư được ban hành sẽ là cơ sở để hướng dẫn các cơ quan, tổ chức ký ức, các địa phương và cá nhân, gia đình, dòng họ… nhận diện, thống kê và lập Danh mục quốc gia về Di sản tư liệu, là cơ sở để xem xét, xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh ở cấp khu vực và quốc tế.

Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về di sản tư liệu, TS. Vũ Thị Minh Hương góp ý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về di sản tư liệu để sớm trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành. Trong đó, quy định mới loại hình Di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để điều chỉnh hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị là phù hợp và cần thiết, với các quy định từ các khái niệm loại hình, thuật ngữ, tiêu chí nhận diện, các hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, quy trình, thủ tục, thẩm quyền quyết định ghi danh và hủy bỏ quyết định ghi danh, cho đến các biện pháp tiếp nhận quản lý, trách nhiệm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh; thẩm quyền thẩm định các dự án, đề án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản tư liệu...

Đồng tình với ý kiến trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Mỹ cho rằng, di sản tư liệu ở làng quê rất phong phú, đa dạng và cần thiết phải nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị, bắt đầu từ các gia đình, dòng họ, làng quê. Ngoài xây dựng dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội, cần có các Nghị định hướng dẫn thi hành, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, vì cho đến nay, nhiều cán bộ văn hóa cấp xã, cấp huyện cũng chưa hiểu rõ về di sản tư liệu.

Ngày nay, với sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, khoa học - công nghệ thực sự trở thành cánh tay nối dài và đắc lực trong bảo tồn di sản tư liệu. Các chuyên gia cho rằng, công tác quản lý nhà nước về di sản tư liệu cần tập trung vào chính sách, nghiệp vụ và con người, trong đó hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đối với việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu là vô cùng cấp thiết.

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/di-san-tu-lieu-nhan-dien-de-bao-ton-i316375/