Doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về thị trường carbon
Thị trường carbon là công cụ mới, đặt ra thách thức cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong tìm hiểu và xác định phương án phù hợp.
Tín chỉ carbon là công cụ tạo ra dòng tài chính từ hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, qua đó khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các giải pháp bền vững hóa chuỗi cung ứng, chuyển dịch theo hướng trung hòa carbon.
Trên thực tế, thực hiện các giải pháp giảm phát thải là chìa khóa để doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh nhờ vào cắt giảm chi phí sản xuất, tăng cơ hội tiếp cận thị trường và xây dựng hình ảnh thương hiệu thân thiện. Có thể nói, tham gia thị trường tín chỉ carbon đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích và dự báo, Ban Kinh tế trung ương, các khảo sát gần đây chỉ ra, doanh nghiệp vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về công cụ tín chỉ carbon.
Cụ thể, báo cáo của Công ty CP Tư vấn năng lượng và môi trường (EEC) cho biết, hơn 50% trong tổng số gần 550 doanh nghiệp được khảo sát mới chỉ biết sơ qua về thị trường carbon cũng như cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS). Chỉ có gần 1,3% doanh nghiệp có hiểu biết về ETS và thị trường carbon.
“Doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa có đủ sự quan tâm và hiểu biết về thị trường carbon”, ông Tú Anh nhận định.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, đồng tình với quan điểm thị trường carbon có tiềm năng lớn, là “cơ hội vàng” cho những đơn vị tiên phong triển khai.
Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn tìm hiểu thị trường carbon và thực hành tạo ra tín chỉ carbon gặp rất nhiều khó khăn, đến từ rào cản khi tiếp cận các công cụ tài chính xanh cũng như sự nhiễu loạn thông tin về thị trường tín chỉ carbon.
Vì vậy, Chủ tịch Công ty Shinec đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra những văn bản pháp lý dễ hiểu, dễ áp dụng, thay vì hệ thống các quy định, chính sách về kinh tế xanh đang bị chồng chéo, vướng mắc với các quy định khác như hiện nay.
“Doanh nghiệp hy vọng cơ quan quản lý nhà nước sớm hoàn thiện khung pháp lý để tham gia vào thị trường carbon”, ông Điệp nói tại Hội thảo "Thị trường tín chỉ carbon: Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững".
Nói về câu chuyện khung pháp lý, TS. Nguyễn Phương Nam, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu (Klinova), chia sẻ sự khó khăn với các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi, công cụ tín chỉ carbon vẫn còn là vấn đề mới trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam nên rất khó ban hành quy định phù hợp.
Vì vậy, ông Nam nhìn nhận, Nhà nước cần tập trung vào việc ban hành các cơ chế thí điểm để doanh nghiệp có thể tự tin tham gia vào thị trường carbon. Thông qua những thí điểm, kinh nghiệm, kiến thức được rút ra sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước ban hành chính sách phù hợp, giúp doanh nghiệp thực hành hiệu quả hơn trong việc tạo và thương mại hóa tín chỉ carbon.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), cần tập trung vào câu chuyện kiểm định tín chỉ carbon để làm rõ hơn các tiêu chí, phân loại, định giá. Bởi lẽ, đây là hoạt động liên quan đến giao dịch, quyền tài sản và phân phối tài sản nên rất cần sự rõ ràng và minh bạch.
Theo ông Thành, doanh nghiệp cần phải có sự chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra các phương án, không thể chờ đợi chính sách từ phía nhà nước. Bởi, thị trường carbon đang chuyển động từng ngày trên quy mô toàn cầu, doanh nghiệp hoàn toàn có thể bị tụt hậu nếu thụ động chờ đợi chính sách.