Doanh nghiệp dệt may chờ giải pháp tháo gỡ khó khăn
Sản xuất trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với nhiều khó khăn về đơn hàng, nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp (DN) dệt may vẫn cố gắng duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, DN rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, đặc biệt kỳ vọng vào các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho DN bị tác động vì Covid-19 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại cuộc họp Chính phủ mới đây.
Sức ép cạnh tranh tăng mạnh
Trở lại một số DN dệt may trên địa bàn TPHCM trong tâm điểm dịch Covid-19 đã trở thành đại dịch trên toàn cầu, không khí lao động tại các phân xưởng dệt may - một trong những ngành được xác định bị ảnh hưởng nặng nề nhất - vẫn sôi động, hàng hóa đảm bảo trong ngắn hạn.
Với 3 phân xưởng gồm khoảng 300 lao động, mỗi tháng xuất xưởng 100.000 sản phẩm, thu về 150.000USD, Công ty TNHH May mặc Phú Thành Nam là một trong những DN đầu đàn tại quận 12 chuyên về gia công hàng xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Chia sẻ về những khó khăn khi sản xuất giữa mùa dịch bệnh, Giám đốc Phạm Trùng Dương cho biết, ngành may mặc trên địa bàn đang bị tác động mạnh do thiếu nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhờ DN đã chủ động ký kết đơn hàng sản xuất đến tháng 4 nên chưa bị tác động nhiều. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng cũng bắt đầu kết nối được với DN sản xuất nguyên liệu từ phía Trung Quốc và được thông báo sẽ sớm có đơn hàng vào cuối tháng 4 nên sẽ bớt căng thẳng, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt.
“Dự báo đơn giá tái ký kết các đơn hàng mới có xu hướng tăng, nên DN sẽ gặp khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh DN trong nước phải chịu áp lực về các khoản thuế cao hơn các nước láng giềng cùng ngành, nên áp lực cạnh tranh rất lớn. Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần rà soát, miễn, giảm các loại thuế để giúp DN vượt qua khó khăn trước mắt”, ông Phạm Trùng Dương nói.
Tương tự, tại Công ty TNHH Fly High Garment (quận Gò Vấp) với 8 dây chuyền và 250 công nhân chuyên gia công hàng thời trang xuất khẩu, không khí lao động khá khẩn trương. Đại diện Công ty TNHH Fly High Garment cho biết, hiện DN đang sử dụng nhiều nguyên liệu tại Việt Nam - trên 60%, trong đó có cả xưởng sản xuất, nên chưa bị tác động nhiều bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, phía DN lo ngại các loại thuế tại Việt Nam hiện nay đang tác động đến sức cạnh tranh của DN so với các nước láng giềng. Nguy cơ dịch chuyển đơn hàng rất cao nếu phía DN không đưa ra được mức giá cạnh tranh trong các đơn hàng thời gian tới. Do đó, DN mong muốn Nhà nước sớm có chính sách miễn giảm, giãn thuế để hỗ trợ DN.
Trong khi đó, đại diện Tổng công ty May 10 cho biết DN đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, đặc biệt là nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Bởi hiện nay, mỗi tháng May 10 sản xuất 120.000 bộ vest, 1,2 triệu áo sơ mi, 600.000 jackets và quần. Sản lượng này tương ứng khoảng 1.000 mã hàng/tháng. Mỗi mã hàng lại có nhiều màu sắc, size khác nhau nên cần rất nhiều mã vải và phụ liệu.
Trong khi đó, từ sau Tết Nguyên đán, các nhà xưởng Trung Quốc đi làm lẻ tẻ do dịch bệnh, cộng thêm việc kiểm soát xuất nhập khẩu nên tình hình nguyên liệu lại càng khó khăn. Công ty đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu trong thời gian tới.
Nguy cơ khủng hoảng
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% DN cho biết sẽ phá sản, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% mất 20%-50% doanh thu, 60% DN thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu. Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì gồm du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày...
Với ngành dệt may, da giày, ảnh hưởng lớn nhất là phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, lần lượt 61% và hơn 57%. Đa số các DN này chỉ trữ nguyên liệu tới đầu tháng 3, một số đến đầu tháng 4. Đáng ngại hơn, khoảng 20% DN thông tin “không có giải pháp gì ứng phó với dịch bệnh”. Thực tế này cho thấy sự bị động của các DN, đồng thời phản ánh năng lực còn hạn chế của khối DN nhỏ và vừa , đây cũng là chỉ số cảnh báo sớm cho các khủng hoảng có thể xảy ra sau dịch.
Do vậy, ngoài tự thân cứu mình, các DN kiến nghị Chính phủ có chính sách riêng như giảm thuế thu nhập DN, VAT, miễn lãi với thuế nộp chậm… Chính phủ cũng cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho DN, giảm lãi suất các khoản vay, khoanh nợ, giãn thời gian trả nợ. Bên cạnh đó, DN mong muốn Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, mở cửa thông quan để nhập nguyên liệu đầu vào, giảm giá điện, nước...
Hiện cộng đồng DN rất kỳ vọng vào Chỉ thị các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho DN bị tác động vì Covid-19 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại cuộc họp Chính phủ mới đây. Trong đó, gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ gồm các giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài khóa (hoãn, giãn thuế...) và tập trung vào các ngành thiệt hại trực diện như nêu trên. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ thị sẽ có hiệu lực ngay để hỗ trợ đến cộng đồng DN cũng như người dân.
Ở thị trường trong nước, từ khi Covid-19 bùng phát, các cửa hàng của Tổng công ty May 10 hay trung tâm thương mại đều sụt giảm lượng khách. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng lại không giảm. Nếu dịch kết thúc trong cuối tháng 3 và đầu tháng 4, thì doanh thu của DN này giảm khoảng 7%, còn ngược lại thì vô cùng khó khăn, thậm chí có thể phá sản. Trước tình hình này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo, để khắc phục khó khăn trước mắt, bản thân DN chủ động xây dựng chuỗi liên kết nguồn cung thiếu hụt, chấp nhận mức giá cao hơn để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất trung hạn.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/doanh-nghiep-det-may-cho-giai-phap-thao-go-kho-khan-650858.html