Đổi thay ở bản Hang
Bản Hang, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) là 1 bản vùng cao còn giữ được nét nguyên sơ của thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc. Chính vì vậy, trong ít năm trở lại đây, bản Hang đang trở thành điểm đến lý tưởng cho những du khách đến khám phá và nghỉ dưỡng.
Đây cũng là yếu tố kích cầu, tạo động lực cho bản xây dựng thành công mô hình nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.
Có một bản Hang mới
Chúng tôi ngược vùng cao Quan Hóa một ngày đầu năm. Bản Hang, xã Phú Lệ trong tiết tháng Giêng mờ ảo trong màn mây màu trắng xám. Từ các thửa ruộng bậc thang, lúa chiêm đã bắt đầu vào thì con gái, mơn man sức sống. Tất cả như một bức tranh bình yên, trong trẻo và đủ đầy.
Đón chúng tôi ngay từ đầu con dốc dẫn vào bản, ông Vi Thế Thiệp - Bí thư kiêm Trưởng bản Hang cho biết: Bản có tổng diện tích đất tự nhiên 1187,91ha và 61 hộ với 286 nhân khẩu đang sinh sống. Khác với 5 năm về trước người dân chỉ biết bám víu vào số đất trồng lúa nước ít ỏi và sự hỗ trợ lương thực của nhà nước mỗi đận giáp hạt. Nay người dân bản Hang đã biết kết hợp sản xuất nông, lâm nghiệp và khai thác lâm sản chăn nuôi và phát triển dịch vụ du lịch. Bản nằm trong vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông khá biệt lập nên vẫn giữ được những nét hoang sơ của tự nhiên. “Hãy ngắm bản Hang từ trên cao, sẽ thấy một bản Hang rất mới, rất khác!” - ông Thiệp cười tươi nói.
Đúng là bản Hang nay đã khác. Nông thôn mới đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo của một bản nghèo. Với hơn 200 nóc nhà, bản Hang là điểm đến với những dấu ấn đậm nét, không gian văn hóa của người dân tộc Thái. Nếp nhà sàn, kiến trúc nhà sàn 3 hoặc 4 gian, làm bằng gỗ, được lợp mái cọ. Du khách đến đây, khi đã mỏi chân sau những chặng đường khám phá thiên nhiên quanh bản sẽ được phục vụ nước ngâm chân bằng lá thuốc của người Thái. Một cảm giác vô cùng thư thái. Bên cạnh đó là một nền văn hóa ẩm thực phong phú với những: Xôi đủ màu, cơm lam, rượu, bánh chưng, cá muối, cá chua…
“Tất cả những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái còn lưu giữ được đang trở thành yếu tố chính, thu hút du khách, góp phần đưa kinh tế của bà con khá lên theo từng mùa, từng năm. Nếu không có hướng làm du lịch đúng đắn này, bản Hang sẽ không thể hoàn thành xây dựng NTM và trở thành bản NTM kiểu mẫu như hiện nay” - ông Thiệp chia sẻ.
Giữ gìn bản sắc dân tộc
Nói về quá trình xây dựng NTM ở bản Hang, Chủ tịch HĐND xã Phú Lệ Hà Văn Khánh cho biết: Thực hiện kế hoạch của tỉnh, huyện và của xã Phú Lệ về xây dựng NTM kiểu mẫu, Chi ủy, Chi bộ và Ban quản lý bản Hang đã căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể đến cán bộ, nhân dân chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM theo các bước, trình tự cụ thể và ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM kiểu mẫu; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân bằng nhiều hình thức, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tạo niềm tin và sự đồng thuận, nhất trí cao, từ đó tự giác tích cực tham gia hưởng ứng, chủ động thực hiện phong trào, hăng hái trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, chỉnh trang nhà cửa, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, hiến đất, hiến vườn, trồng hoa, cây xanh...
Sau hơn một năm triển khai xây dựng bản NTM kiễu mẫu, đến nay bản Hang xã Phú Lệ đã đạt được 14/14 tiêu chí NTM kiễu mẫu, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong thôn bản đã được triển khai đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân; hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả; thu nhập bình quân đầu người đạt 54,1 triệu đồng/người/năm, bản không còn hộ nghèo; đời sống của người dân ngày một nâng cao. Quá trình bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu tại bản Hang đã nhận được sự đồng thuận của bà con dân bản. Nhân dân cùng chung sức làm đường, làm hàng rào, xây dựng nhà cửa… Việc xây dựng thành công NTM kiểu mẫu khiến diện mạo của bản làng khang trang, nhận thức, đời sống của bà trong trong bản được nâng lên rõ rệt.
Ông Khánh cho biết thêm: Những năm gần đây, bản Hang trở thành điểm đến của rất nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài. Nắm bắt được sự phát triển của loại hình du lịch cộng đồng Homstay, các hộ trong bản được tập huấn một số kỹ năng, đầu tư cơ sở lưu trú, ăn uống để phục vụ du khách. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.500 lượt khách tới tham quan, lưu trú.
“Sau khi được công nhận là bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chúng tôi đang hướng tới nền kinh tế gắn với phát triển du lịch cộng đồng và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đây không chỉ là hướng đi bền vững cho đồng bào ở bản Hang mà còn là hướng đi cho nhiều địa phương khác trong xã” - ông Khánh khẳng định.
Theo Chủ tịch HĐND xã Phú Lệ Hà Văn Khánh, yếu tố tạo nên thành công ở bản Hang vẫn là sự thay đổi trong tư duy, nếp nghĩ của bà con về phát triển kinh tế. Giờ đây, người dân không còn phải trăn trở trồng cây gì, nuôi con gì để thoát nghèo nữa mà hướng đến làm du lịch cộng đồng. Biến cái sẵn có trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hút khách.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doi-thay-o-ban-hang-5710516.html