Du lịch cộng đồng tại Gia Lai cần tạo dấu ấn riêng
Phát triển du lịch cộng đồng đang là mục tiêu ưu tiên của tỉnh Gia Lai. Đây cũng là hình thái du lịch phù hợp với xu hướng của du khách, đặc biệt là khách phương Tây. Nhưng để du lịch cộng đồng của Gia Lai không bị trùng lắp, tạo được dấu ấn riêng so với các địa phương khác trên cung đường Trường Sơn huyền thoại, đòi hỏi tỉnh phải có cách làm khác biệt.
Đi sau một số tỉnh trong khai thác loại hình du lịch cộng đồng, Gia Lai rất cần được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc kết nối tour, tuyến với các địa phương khác để giới thiệu, quảng bá, thu hút du khách. Sau chuyến khảo sát tour du lịch cộng đồng làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng) và trước đó là Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) của Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), các doanh nghiệp đều đánh giá cao tính khả thi của các điểm này trong kết nối tour, tuyến trên cung đường Trường Sơn. Những chia sẻ, đóng góp của các doanh nghiệp du lịch về một số vấn đề đang thiếu, những yếu tố cần thay đổi theo hướng phù hợp với thị trường… rất hữu ích đối với ngành du lịch Gia Lai để dần hoàn thiện sản phẩm.
Ông Dương Xuân Tráng-Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển thương mại và Du lịch Mai Việt (TP. Hà Nội) cho rằng, Gia Lai có nhiều điểm mạnh trên cung đường Trường Sơn để phát triển loại hình du lịch dựa vào cộng đồng. “Chúng tôi rất cần sản phẩm mới mẻ để giới thiệu với khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách Pháp-thị trường khó tính và hiểu rất sâu về văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Đây cũng là đối tượng khách có khả năng chi trả cao, đồng thời đòi hỏi khắt khe, muốn trải nghiệm những thứ độc đáo, khác biệt. Vì vậy, cùng nằm trên cung đường Trường Sơn, du lịch cộng đồng Gia Lai muốn tạo sự khác biệt, riêng có so với miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế) hay người hàng xóm Kon Kơ Tu (tỉnh Kon Tum) thì cần có những cách làm khác”-ông Tráng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tráng, khách du lịch muốn trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng thường là những người yêu thiên nhiên, thích khám phá rừng núi, sông suối, văn hóa bản địa... Vì vậy, ngoài cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp với người dân, việc trải nghiệm các hoạt động văn hóa để hiểu về đời sống tinh thần của cư dân bản địa là yếu tố hấp dẫn du khách. Ông Tráng cho rằng: “Khách nước ngoài rất đề cao tính nguyên bản của văn hóa. Vì thế, khi chọn các hoạt động lễ hội đưa vào phục vụ du khách phải giữ nguyên tính bản địa. Đặc biệt là chủ nhà phải nói rõ, hoạt động nào thì du khách được phép tham gia, hoạt động nào thì không, tránh tình trạng cứ thấy người dân đánh chiêng trống, múa xoang là khách hồn nhiên tham gia cuộc vui dù có được chủ nhà cho phép hay không. Đây là sự tôn trọng văn hóa mà khách du lịch phương Tây luôn đề cao. Cũng chính vì đòi hỏi đó mà người dân cần giữ được sự hồn hậu, mộc mạc vốn có khi đón tiếp du khách”.
Một yếu tố nữa khiến du lịch cộng đồng hấp dẫn chính là ẩm thực truyền thống của người dân địa phương. Nhưng theo ý kiến của các doanh nghiệp du lịch khi đi khảo sát du lịch cộng đồng ở làng Ốp (TP. Pleiku), Làng kháng chiến Stơr, làng Mơ Hra (huyện Kbang), ẩm thực có sự trùng lắp, gây nhàm chán cho du khách. Ông Tưởng Hữu Lộc-Công ty Du lịch Tatravel (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, gà nướng, heo nướng, cơm lam, rượu cần là ẩm thực đặc trưng của Trường Sơn-Tây Nguyên. Nhưng nếu đi một tour 4 ngày mà bữa ăn chỉ lặp lại những món này thì dù ngon đến mấy, hấp dẫn đến mấy cũng sẽ khiến du khách nhàm chán, mất đi sự hứng thú. Hoặc suốt hành trình trên đường Trường Sơn, ở đâu cũng có món măng rừng nhưng chỉ đúng một cách chế biến cũng gây cảm giác nhàm chán cho du khách.
Từ thực tế đó, ông Lộc đề xuất: “Đưa ẩm thực vào làm du lịch cần một chút kỹ thuật trong khâu chế biến, trình bày sẽ mang lại hiệu ứng tích cực. Chẳng hạn thay vì nướng có thể bỏ vào ống tre, trúc để làm chín sẽ tạo ra hương vị khác lạ cho món ăn. Hơn nữa, đại ngàn Trường Sơn nổi tiếng bởi những loại rau thơm, lá cây rừng, vừa là nguyên liệu nhưng cũng là những vị thuốc. Hãy dùng chính nguyên liệu này trong chế biến và trang trí để tạo nên sự khác biệt, thể hiện cái hồn ẩm thực của người Bahnar khác với người Cơ Tu… Như vậy, vẫn là những nguyên liệu truyền thống nhưng thay đổi đi một chút sẽ khiến du khách tò mò hơn, thú vị hơn. Khi ăn, có thể giới thiệu về công dụng các loại nguyên liệu đối với sức khỏe thì càng hấp dẫn, kích thích du khách. Những trải nghiệm nho nhỏ nhưng ý nghĩa với cá nhân đó sẽ giúp lan tỏa tour du lịch cộng đồng này đến với nhiều người hơn”.
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Việc hoàn thiện sản phẩm du lịch cộng đồng hiện nay phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường, đó là kết nối với nhau để tạo nên những tour, tuyến thực sự đa dạng, bởi du khách đều có nhu cầu trải nghiệm một hành trình qua nhiều điểm đến. Vì vậy, những đóng góp của các doanh nghiệp giúp ngành du lịch tỉnh dần hoàn thiện sản phẩm với những đặc trưng riêng và phải thật đặc sắc. “Phát triển du lịch cộng đồng sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo sự bình đẳng xã hội, cải thiện mức sống cho người nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Đây còn là hình thức quảng bá các giá trị di sản, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân về tôn trọng văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái... để đảm bảo sự phát triển bền vững, tạo sự cân bằng giữa kinh tế-xã hội và môi trường trong hoạt động du lịch. Phát triển du lịch cộng đồng tiếp tục là mục tiêu ưu tiên trong thời gian tới của ngành du lịch. Bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp để du lịch Gia Lai khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch của cả nước”-ông Hoàng thông tin thêm.