Du lịch tìm về chiến trường xưa

Với bề dày văn hóa, lịch sử cách mạng, Quảng Trị là 'nơi ước đến, chốn mong về' của nhiều người. Nắm bắt thực tế ấy, được sự ủng hộ của các cấp, bộ, ngành, đơn vị liên quan cùng hàng triệu trái tim yêu 'đất lửa', chương trình du lịch 'Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội' (du lịch Hoài niệm) đã ra đời.

 Du khách thả hoa đăng trên dòng Thạch Hãn - Ảnh: Q.H

Du khách thả hoa đăng trên dòng Thạch Hãn - Ảnh: Q.H

Những bước đầu tiên

Cứ đến dịp kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, du khách từ mọi miền lại tụ hội ở Quảng Trị. Đối với nhiều người, đặc biệt là các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ và con em họ, mảnh đất này là “nơi ước đến, chốn mong về”. Trong quá khứ, Quảng Trị từng gánh trên vai trọng trách lịch sử nặng nề. Nói đến Quảng Trị là nói đến sự chia cắt, hy sinh, mất mát, đau thương của cả đất nước, dân tộc. Vì thế, không đơn thuần tham quan, tìm hiểu, du khách đến đây là để suy ngẫm, chiêm nghiệm, “ôn cố tri tân”.

Nặng lòng với quê hương, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Thăng vui mừng khi ngày có càng nhiều du khách đến Quảng Trị. Có nhiều ý kiến cho rằng, trải qua chiến tranh, thường xuyên hứng chịu thiên tai, Quảng Trị khó đi lên từ du lịch. Tuy nhiên, cũng như các lãnh đạo tỉnh cùng thời, ông Lê Hữu Thăng cho rằng, điều đó khó nhưng không phải là không thể. Việc tiên quyết là phải xác định sản phẩm du lịch đặc trưng. Từ lâu, lãnh đạo tỉnh đã thấy cơ hội trong thách thức. Quảng Trị được ví là một bảo tàng sinh động về di tích chiến tranh cách mạng. Trên địa bàn, 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia là nơi hàng triệu người muốn đến để tri ân. Không gian du lịch, chất xúc tác đã có, việc cần làm còn lại là xây dựng sản phẩm đặc trưng.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Thăng nói một cách hình ảnh, du lịch Hoài niệm “hoài thai” từ sự gặp nhau trong suy nghĩ, tình cảm của lãnh đạo tỉnh và rất nhiều trái tim tâm huyết, đặc biệt là các cán bộ cấp cao, tướng lĩnh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong… Quả vậy, chỉ đồng tâm, đồng sức mới dẫn tới sự ra đời nhanh chóng của một chương trình du lịch mới lạ, có thể nói là đầu tiên ở nước ta. Tháng 7/2005, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Quốc phòng, Tổng Cục Du lịch tổ chức hội thảo quốc gia về chương trình du lịch Hoài niệm. Sau đó 5 tháng, Công ty Du lịch và Xúc tiến đầu tư thuộc Tổng Cục Du lịch bảo vệ thành công đề tài khoa học cấp bộ liên quan việc khai thác các giá trị di tích chiến tranh cách mạng để phục vụ xây dựng du lịch Hoài niệm ở Quảng Trị. Chỉ tầm nửa năm sau, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức giới thiệu chương trình du lịch Hoài niệm tại Hà Nội. Nghe tin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư chúc mừng. Tiếp đó, UBND tỉnh đã trang trọng tổ chức lễ công bố du lịch Hoài niệm tại Thành Cổ Quảng Trị.

 Du khách trong nước và quốc tế đến thăm Địa đạo Vịnh Mốc - Ảnh: Q.H

Du khách trong nước và quốc tế đến thăm Địa đạo Vịnh Mốc - Ảnh: Q.H

Sau những bước đi đầu tiên ấy, lãnh đạo tỉnh đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ chương trình du lịch Hoài niệm. Định hướng phát triển loại hình du lịch này nhanh chóng được thống nhất với từng bước đi cụ thể. Lãnh đạo tỉnh chú trọng đến công tác quảng bá thương hiệu. Cùng với đó, việc tổ chức, nghiên cứu, điều tra, khảo sát một cách cơ bản, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh và đầu tư, tôn tạo hệ thống các di tích tiêu biểu được chú trọng. Nhờ thế, du lịch Hoài niệm sớm trở thành thương hiệu du lịch nổi trội của tỉnh, mang lại ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc.

Thu hút hơn 70% khách đến Quảng Trị

Thực tế, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của du lịch chính là tìm ra chiều sâu văn hóa, sự khác biệt, tính nổi trội, phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Căn cứ “chuẩn chung” ấy, có thể nói tỉnh Quảng Trị đã tận dụng, khai thác đúng, trúng thế mạnh. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người đặt kỳ vọng, tin tưởng chương trình du lịch Hoài niệm sẽ có bước tiến dài.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Chiến, du lịch Hoài niệm là loại hình thu hút nhiều khách đến Quảng Trị nhất trong những năm qua, chiếm hơn 70%. Hằng năm, hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đã tới Quảng Trị chủ yếu bằng con đường ý nghĩa này. Đặc biệt, vào các dịp lễ lớn, lượng khách du lịch Hoài niệm tăng đột biến. Nhiều du khách đã tìm hiểu, lựa chọn thêm các loại hình du lịch khác như: du lịch văn hóa tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái… sau khi lắng lòng với hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội.

Thành quả đáng mừng ấy xuất phát từ sự nỗ lực vượt khó của lãnh đạo và Nhân dân trên địa bàn. Dẫu còn nhiều thách thức nhưng công tác đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích chiến tranh cách mạng luôn được tỉnh dồn sức triển khai, làm cơ sở để phát triển du lịch Hoài niệm. Bên cạnh sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã tích cực vận động xã hội hóa để xây dựng nhiều công trình như: tháp chuông, bến thả hoa bờ Bắc và bờ Nam sông Thạch Hãn; Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt, Tượng đài chiến thắng Cửa Việt… Việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch có nhiều bước tiến. Tỉnh chú trọng triển khai các hoạt động giúp nâng cao hiệu ứng, hỗ trợ phát triển du lịch Hoài niệm. Trong đó, bước đi quan trọng là đã hợp tác với nhiều tỉnh miền Trung, các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông - Tây để liên kết phát triển du lịch Hoài niệm. Về phần mình, các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành ở Quảng Trị và các tỉnh, thành phố trong nước có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả xây dựng du lịch Hoài niệm như cho ra đời các chương trình tour, tuyến hợp lý, hấp dẫn; làm tập gấp, bản đồ, các ấn phẩm quảng bá; tổ chức liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cả nước và Việt kiều ở Lào, Thái Lan…

Không chỉ lãnh đạo, người dân địa phương, nhiều du khách, đặc biệt là thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh và con em họ cũng đến với du lịch Hoài niệm với mong muốn góp sức. Hầu như năm nào cũng có vài chuyến về với Quảng Trị, lúc đi một mình, khi đi cùng đồng đội, cựu chiến binh Lê Bá Dương, trú tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa luôn dành thời gian thăm chiến trường xưa, đồng đội, các di tích lịch sử… Không chỉ để tri ân, suy nghĩ, chiêm nghiệm, ông có một lý do rất đặc biệt khác. “Tôi cũng như nhiều đồng đội của mình mong muốn tạo một điểm nhấn, thu hút cái nhìn của mọi người về Quảng Trị, du lịch Hoài niệm. Cùng với đó, chúng tôi cũng muốn góp thêm tiếng nói, gợi ý cho tỉnh để phát triển du lịch”, cựu chiến binh Lê Bá Dương chia sẻ.

Nỗ lực nâng tầm

Không thể phủ nhận hiệu quả mà du lịch Hoài niệm mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, việc giữ vững, phát triển thương hiệu du lịch này không hề đơn giản. Do sự tác động lâu dài của khí hậu khắc nghiệt, những di tích vốn mang đặc thù phế tích đang ngày càng xuống cấp. Trong khi đó, việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy di tích lịch sử đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính. Đây là “nút thắt” lớn đã và đang đặt ra trong phát triển du lịch Hoài niệm.

Trong khi “nút thắt” ấy chưa được giải quyết triệt để, du lịch Hoài niệm lại phải đối diện với rất nhiều khó khăn khác. Tuy đã được tăng cường nhưng cơ sở vật chất của tỉnh nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch mặc dù đã được quan tâm, bồi dưỡng nhưng còn nhiều hạn chế. Cách thức tổ chức khai thác sản phẩm du lịch Hoài niệm và các dịch vụ hỗ trợ còn lúng túng. Những sản phẩm lưu niệm, kỷ vật chiến tranh gắn với du lịch Hoài niệm vẫn đang thiếu. Ngoài ra, còn rất nhiều lý do khiến du lịch Hoài niệm khó bứt phá là: Công tác tuyên truyền, quảng bá chưa được đầu tư đúng mức và thiếu bài bản; các doanh nghiệp lữ hành còn thiếu năng động, sáng tạo trong việc thiết kế tour; công tác huy động nguồn lực để thúc đẩy phát triển du lịch Hoài niệm vẫn chưa mạnh mẽ…

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Chiến, để phát triển du lịch Hoài niệm, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, các giải pháp đang được tập trung trước mắt là: Quy hoạch, đầu tư, tôn tạo, phục dựng hệ thống di tích lịch sử cho tương xứng với tầm vóc lịch sử; triển khai nhiều hoạt động nhằm thu hút sự quan tâm, lựa chọn của khách du lịch để có được nguồn lực thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo, phát triển; kết nối du lịch Hoài niệm chặt chẽ, hiệu quả hơn với các loại hình du lịch khác ở khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ… Ông Nguyễn Văn Chiến khẳng định: “Với du lịch Hoài niệm, chúng ta đã lựa chọn đúng, bước đi đúng, vấn đề sắp đến là phải làm sao để nâng tầm, phát triển hiệu quả, đáp ứng nhu cầu du khách”. Cũng như rất nhiều người, ông Nguyễn Văn Chiến tin rằng, đó là việc khó nhưng không phải là không thể làm được. Du lịch Hoài niệm sẽ cất cánh nếu có sự đồng lòng, đồng sức của muôn triệu trái tim yêu Quảng Trị.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=157011&title=du-lich-tim-ve-chien-truong-xua