Đức sẽ hỗ trợ công nhân ngành dệt may Việt Nam
Đức sẽ hỗ trợ khoảng 2 triệu lao động dệt may ở 7 nước; trong đó có Việt Nam - nhằm giúp họ vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19.
Sản xuất sản phẩm may mặc. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ) thông báo nước này sẽ hỗ trợ khoảng 2 triệu người lao động dệt may ở 7 nước (gồm Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Campuchia, Lào, Ethiopia và Madagascar) nhằm giúp họ vượt qua những khó khăn do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, gói hỗ trợ của Đức được triển khai trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ khẩn cấp do COVID-19 của BMZ nhằm củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng y tế, cải thiện điều kiện an toàn thực phẩm và thúc đẩy các biện pháp đảm bảo việc làm ở các nước đang phát triển.
Cùng với sự đồng thuận của Bộ Lao động và Xã hội liên bang Đức (BMAS), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được ủy quyền triển khai kế hoạch giúp ổn định ngành dệt may có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế ở 7 nước đặc biệt bị tác động do đại dịch COVID-19 nêu trên, cũng như thực thi các biện pháp nhằm giúp người lao động có thể phòng vệ tốt hơn trước dịch bệnh nguy hiểm này.
Theo Bộ trưởng BMZ Gerd Müller, COVID-19 đang gây tác động đặc biệt nghiêm trọng tại các nước nghèo. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ, các hợp đồng bị hủy và hàng triệu người mất việc làm; trong đó các ngành công nghiệp phụ trợ, ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, nhiều nhà máy thiếu bảo hộ cho người lao động trước nguy cơ lây nhiễm. Từ thực tế này, Chính phủ Đức sẽ chi 14,5 triệu euro để hỗ trợ 7 nước đang đặc biệt gặp khó khăn do đại dịch nhằm giúp ổn định ngành dệt may ở những nước này, qua đó hỗ trợ cho khoảng 2 triệu người lao động đang làm việc trong lĩnh vực dệt may.
Với dự án hỗ trợ này, các bà mẹ và nhất là những lao động đang đặc biệt gặp khó khăn, sẽ nhận được khoản hỗ trợ thanh toàn một lần. Ngoài ra, Đức cũng sẽ hỗ trợ mở rộng quy mô xét nghiệm để bảo vệ sức khỏe y tế cho người lao động.
Dự án trên được thực thực hiện ở 7 nước châu Á và châu Phi, một phần trong chương trình "Bảo vệ Công nhân dệt may: Hỗ trợ an toàn nghề nghiệp, sức khỏe và thu nhập để ứng phó với đại dịch COVID-19" của ILO./.