Gã khổng lồ dầu lửa vùng Vịnh Saudi Aramco lãi 110 tỷ USD nhờ giá dầu cao ngất ngưởng
Giá dầu tăng mạnh đã mang lại kết quả kinh doanh rực rỡ cho hãng dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco của Saudi Arabia trong năm 2021...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Hãng này cũng muốn đẩy mạnh việc khai thác dầu trong và ngoài nước để tranh thủ vùng giá cao nhất trong nhiều năm của “vàng đen”.
Báo cáo kết quả kinh doanh của Saudi Aramco công bố ngày 20/3 cho biết lợi nhuận ròng của công ty trong năm 2021 tăng 124%, đạt 110 tỷ USD, từ mức 49 tỷ USD trong năm trước đó.
Saudi Aramco – công ty xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới – hưởng lợi từ đà tăng chóng mặt của giá dầu và cho biết sẽ tăng đầu tư vào khai thác dầu trong năm nay, khi nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn cầu tăng mạnh và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dịu đi.
Giá dầu Brent – giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu – đạt mức bình quân 70,86 USD/thùng trong năm 2021, sau giảm về 41,96 USD/thùng trong năm 2020. Chốt phiên ngày thứ Sáu tuần trước, giá dầu Brent đạt 107,93 USD/thùng, sau khi có lúc đạt mức gần 140 USD/thùng vào đầu tháng – mức cao nhất 14 năm.
Tăng hơn gấp đôi trong 1 năm, đây là mức lợi nhuận ròng cao nhất của Saudi Aramco kể từ khi công ty này bắt đầu niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán trong nước. Ngoài giá dầu cao, Saudi Aramco còn hưởng lợi từ mảng lọc hóa – một công ty con có tên là Sabic.
Giá cổ phiếu của Saudi Aram co tăng gần 3,4% trong phiên ngày Chủ nhật, đưa giá trị vốn hóa thị trường của công ty này lên mức 2,34 nghìn tỷ USD.
Chính phủ Saudi Arabia nắm cổ phần hơn 94% trong Aramco. Lợi nhuận khổng lồ của công ty này mang lại nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Riyadh muốn dùng nguồn lợi nhuận từ Araco để đầu tư vào các lĩnh vực ngoài dầu lửa - như một phần trong kế hoạch của thái tử Mohammed bin Salman về tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian đến năm 2030.
Để đạt mục tiêu đó, thái tử Mohammed đã giao cho Quỹ Đầu tư công (PIF) của Saudi Arabia rót vốn vào những công ty và ngành công nghiệp không liên quan gì đến năng lượng hóa thạch. Chính phủ Saudi Araiba cũng giao số tiền 29,4 tỷ USD huy động được từ vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Saudi Arabia vào năm 2019 cho PIF để quỹ này đầu tư.
Tháng trước, Chính phủ Saudi Arabia cho biết sẽ chuyển số cổ phiếu Saudi Aramco trị giá khoảng 80 tỷ USD vào PIF - một động thái tiếp tục nỗ lực của nước này nhằm đa dạng hóa nền kinh tế bấy lâu phụ thuộc vào hydrocarbon. Trong mấy năm qua, với số vốn dồi dào có trong tay, PIF đã có những vụ đầu tư đa dạng, rót vốn vào những công ty từ hãng xe điện Lucid Motors, ngân hàng Citigroup, cho tới câu lạc bộ bóng đá Newcastle United của giải Ngoại hạng Anh.
Ngoài những khoản tiền khổng lồ nói trên, PIF còn được Chính phủ rót cho 40 tỷ USD từ dự trữ quốc gia vào đầu năm 2020. Năm nay, quỹ này dự kiến chi thêm 10 tỷ USD để mua cổ phiếu của các công ty niêm yết – nguồn thạo tin tiết lộ với tờ Financial Times.
Aramco dự kiến chi 18,75 tỷ USD để trả cổ tức cho quý 4/2021. Giới phân tích cho rằng mức chi trả lẽ ra phải cao hơn nếu xét đến con số lợi nhuận khổng lồ mà công ty đạt được.
Các chỉ số khác trong báo cáo tài chính của Aramco cũng cho thấy công ty hưởng lợi nhiều từ sự tăng giá của dầu thô. Dòng tiền tự do của công ty vào thời điểm cuối năm ngoái đạt 107,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 49,1 tỷ USD trước đó một năm. Tỷ lệ giữa nợ ròng và giá trị vốn hóa thị trường giảm còn 14,2 tỷ USD, từ mức 23% vào cuối 2020.
Aramco dự kiến tăng đầu tư cơ bản lên 40-50 tỷ USD trong năm nay, so với mức 32 tỷ USD trong năm 2021. Công ty cho biết sẽ đạt mục tiêu đến năm 2027 tăng sản lượng khai thác dầu thêm 1 triệu thùng/ngày, lên mức 13 triệu thùng/ngày.
“Cần đầu tư mới với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, trong bối cảnh đầu tư thượng nguồn trong ngành công nghiệp dầu khí nói chung đang suy giảm”, tuyên bố của Saudi Aramco ngày 20/3 nhận định.