Ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm và lễ hội nho - vang Ninh Thuận

Tối 15-6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới dự Lễ đón bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và khai mạc Lễ hội nho-vang Ninh Thuận năm 2023.

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham dự buổi lễ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham dự buổi lễ.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Ninh Thuận, các đoàn khách trong nước và quốc tế...

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và cộng đồng người Chăm nhiều năm qua đã bền bỉ, kiên trì, tâm huyết cùng nhau gìn giữ, bồi đắp, trao truyền và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là sự khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới; đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Di sản văn hóa Nghệ thuật làm gốm của người Chăm từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Chúng ta cùng có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy, tạo sức sống mới cho di sản.

Đồng chí Trần Hồng Hà nêu rõ, Lễ hội nho-vang Ninh Thuận năm 2023 chính là cơ hội để tôn vinh những người nông dân, doanh nhân, nhà khoa học; đồng thời là dịp để trao đổi, chia sẻ cơ hội hợp tác, quảng bá, đưa thương hiệu nho-vang Ninh Thuận ra thị trường trong nước, thế giới; theo thời gian sẽ trở thành một nét văn hóa đặc trưng của đất và người Ninh Thuận...

 Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, từ nghệ thuật gốm Chăm đến những vườn nho Ninh Thuận cho thấy các giá trị văn hóa được bồi đắp lâu dài, bền bỉ trong đời sống hằng ngày của người dân sẽ trở thành “nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Thuận cần có những kế hoạch cụ thể, thiết thực trong gìn giữ, bảo tồn, chấn hưng, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo lập môi trường văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt là trong không gian văn hóa gia đình và cả trên không gian mạng.

Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận nhận bằng vinh danh của UNESCO. Cùng với đó là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Ninh Thuận-Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”.

 Đại diện tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận nhận bằng ghi danh của UNESCO.

Đại diện tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận nhận bằng ghi danh của UNESCO.

* Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm làng gốm Bàu Trúc tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Tại đây, Chủ tịch nước đã thăm hỏi đời sống nhân dân làng nghề, tham quan khu trưng bày sản phẩm gốm Chăm tại nhà sinh hoạt cộng đồng làng nghề Bàu Trúc.

VŨ DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/ghi-danh-nghe-thuat-lam-gom-cua-nguoi-cham-va-le-hoi-nho-vang-ninh-thuan-731323