Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo
Huyện miền núi A Lưới đã vinh dự khi được công nhận thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ chính quyền và cộng đồng, đặc biệt có vai trò của các già làng, người có uy tín (NCUT). Với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, họ đã trở thành cầu nối, giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.
Gương sáng từ các già làng
Hồng Hạ là một trong những địa phương đi đầu về thực hiện công tác giảm nghèo của huyện A Lưới. NCUT Nguyễn Hoài Nam, 77 tuổi là gương điển hình được người dân yêu quý, tín nhiệm vì đã luôn dẫn dắt, giúp đỡ bà con tìm hướng đi phù hợp để ổn định cuộc sống.
"Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã Hồng Hạ rất cao, đời sống bà con thiếu thốn đủ bề. Tôi luôn nghĩ rằng mình phải làm gì đó để thay đổi cuộc sống cho dân làng. Vì thế, tôi khuyến khích bà con trồng thêm cây dược liệu, chăn nuôi và bảo vệ rừng. Dần dần, nhiều gia đình đã có thu nhập ổn định hơn, xây dựng được nhà cửa kiên cố", già Nam chia sẻ.
Già Nam cũng là nhân tố quan trọng trong việc khuyến khích người dân bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Mỗi dịp lễ hội, ông đều hướng dẫn bà con tổ chức các nghi thức truyền thống, nhắc nhở con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ sự tận tâm của ông, xã Hồng Hạ không chỉ thoát nghèo mà còn xây dựng một đời sống văn hóa phong phú, góp phần làm đẹp hơn bức tranh vùng cao A Lưới.
Xã A Roàng, nơi có hơn 98% người Tà Ôi sinh sống cũng đạt được những tiến bộ đáng kể trong công cuộc giảm nghèo. Với kinh nghiệm và sự uy tín của mình, ông Hồ Bình Tây, NCUT thôn A Roàng 1 cũng đóng góp rất nhiều vào việc phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh trật tự vùng biên giới.
Ông Tây chia sẻ: "Làm già làng, NCUT không chỉ là truyền tải thông tin chính sách, mà còn là người bạn đồng hành của bà con. Tôi luôn khuyến khích bà con học theo những mô hình làm ăn hiệu quả như trồng cây gỗ quý, nuôi trồng thủy sản hay phát triển kinh tế từ vườn, rừng. Bản thân tôi cũng tham gia trồng trọt để làm gương cho bà con. Nhờ sự nỗ lực của cả cộng đồng, đời sống của bà con ở A Roàng đã tốt hơn trước rất nhiều".
Già làng Tây cũng rất tâm huyết trong việc bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới. Ông luôn tích cực hợp tác với lực lượng biên phòng, vận động bà con giữ gìn an ninh, không để xảy ra các vụ việc mất an ninh trật tự. Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của ông, bà con không chỉ phát triển kinh tế mà còn sống trong sự yên bình, an toàn.
Hành trình thoát nghèo bền vững
A Lưới là một trong những huyện miền núi thuộc diện ưu tiên hỗ trợ của Chính phủ giai đoạn 2022-2025, với mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, vai trò của NCUT như các ông Nguyễn Hoài Nam và Hồ Bình Tây là yếu tố quan trọng giúp huyện vượt qua khó khăn. “Sự tận tụy và uy tín của các già làng, NCUT là nguồn động viên lớn giúp bà con thêm vững vàng, kiên trì phấn đấu phát triển kinh tế và xây dựng bản làng ấm no. Các ông không chỉ tuyên truyền chính sách mà còn góp phần động viên, khơi dậy ý thức tự lực trong đồng bào DTTS, từ đó tạo ra động lực giảm nghèo vững chắc”, ông Nguyễn Văn Hải khẳng định.
Với sự đóng góp của NCUT, các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế tại A Lưới ngày càng phát triển. Những mô hình hiệu quả như vườn rừng, cây dược liệu và trồng cây lâu năm đang được nhân rộng. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết, kiên cường và lòng yêu quê hương của người dân nơi đây là động lực lớn giúp A Lưới bền bỉ vươn lên.
“NCUT như các già làng, trưởng bản là cầu nối giúp bà con hiểu và tin tưởng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó họ chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ đồng bào miền núi để không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển”, ông Huỳnh Công Quảng, Bí thư Huyện ủy A Lưới khẳng định.