Giá thực phẩm toàn cầu giảm năm tháng liên tiếp nhưng triển vọng dài hạn chưa sáng sủa

Giá thực phẩm toàn cầu vẫn giảm trong tháng thứ năm liên tiếp sau khi nhu cầu đối với một số mặt hàng suy yếu và nguồn cung tăng theo mùa. Tuy nhiên, triển vọng nguồn cung lương thực thế giới trong dài hạn vẫn u ám do vấn đề chi phí năng lượng, vận chuyển và phân bón đắt đỏ không thể giải quyết sớm.

Một kho lúa mì ở Odessa, Ukraine. Sản lượng ngũ cốc năm 2022 của Ukraine dự kiến sẽ giảm xuống 50 triệu tấn từ mức kỷ lục 86 triệu tấn vào năm 2021. Ảnh: Getty

Một kho lúa mì ở Odessa, Ukraine. Sản lượng ngũ cốc năm 2022 của Ukraine dự kiến sẽ giảm xuống 50 triệu tấn từ mức kỷ lục 86 triệu tấn vào năm 2021. Ảnh: Getty

Dữ liệu công bố hôm 2-9 cho thấy trong tháng 8 chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của Tổ chức Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) giảm 1,9% so với tháng trước, đánh dấu đà giảm liên tiếp trong 5 tháng. Hiện chỉ số này đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 1. Tuy nhiên, mức giảm thực phẩm toàn cầu không mạnh như hồi tháng 7 và chi phí thực phẩm vẫn cao hơn 7,9% so với một năm trước.

Chi phí thực phẩm toàn cầu đã giảm trên diện rộng trong tháng 8, với giá dầu thực vật bị đẩy xuống thấp hơn một chút so với một năm trước đó. FAO cho biết thêm nguồn cung dầu cọ từ Indonesia và sản lượng dầu thực vật tăng theo mùa vụ ở Đông Nam Á đã giúp đẩy giá xuống, trong khi nhu cầu nhập khẩu đối với dầu hướng dương đã giảm xuống.

Trong tháng 8, giá bơ sữa giảm 2% so với tháng 7 nhờ nguồn dự trữ đầy đủ và New Zealand đẩy mạnh sản xuất sữa bò trong mùa vụ mới. Giá thịt giảm 1,5% khi các nhà nhập khẩu gia cầm lớn giảm lượng mua, và nhu cầu nội địa đối với thịt bò ở các nhà xuất khẩu lớn cũng suy yếu. Giá đường giảm 2,1% chủ yếu do Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngũ cốc, thành phần lớn nhất trong chỉ số này, giảm 1,4%. Vụ thu hoạch lúa mì hứa hẹn bội thu ở Bắc bán cầu, đặc biệt ở các nước Mỹ, Canada và Nga, đang giúp giảm bớt căng thẳng về nguồn cung lúa mì, trong khi đó, ngày càng có nhiều lô hàng ngũ cốc được xuất đi khỏi các cảng ở Ukraine sau khi nước này đạt được một thỏa thuận bảo đảm hành lang vận chuyển ngũ cốc an toàn ở biển Đen với Nga hồi cuối tháng 7.

Dù giảm nhiều tháng, giá ngũ cốc toàn cầu hiện nay vẫn đang cao hơn 11,4% so với một năm trước.

Giá thực phẩm giảm có thể giúp người tiêu dùng nhẹ nhõm hơn khi họ phải xoay xở với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng sâu sắc. Tuy nhiên, lạm phát lương thực không có dấu hiệu giảm bớt ở nhiều nước vì giá năng lượng đắt đỏ có khả năng đẩy tăng chi phí chế biến. Thu hoạch ngũ cốc có thể giảm trong dài hạn do nông dân hạn chế sử dụng phân bón vốn đang đắt đỏ.

Erin Collier, nhà kinh tế của FAO, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV: “Giá thực phẩm vẫn thực sự còn cao. Điểm quan tâm của chúng tôi là thực tế, giá ngũ cốc, yếu tố làm tăng giá thực phẩm trong năm qua, vẫn ở mức rất cao”.

Theo Collier, ngay cả sau những đợt giảm gần đây, giá thực phẩm toàn cầu vẫn cao hơn so với mức đỉnh vào năm 2011.

Bà cho biết hiện tại có rất nhiều yếu tố khiến giá thực phẩm duy trì ở mức cao gồm giá năng lượng tăng cao, dẫn đến chi phí phân bón vẫn rất đắt đỏ đối với nông dân. Bà cho rằng khối lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine vẫn còn quá nhỏ, chưa đủ để giúp giá giảm mạnh.

Những lo ngại về tác động của hạn hán đối với vụ thu hoạch bắp đã phần nào kìm hãm đà giảm giá của ngũ cốc nói chung. Và trong khi hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đang tăng tốc, khối lượng xuất khẩu vẫn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn trước đây. Đất canh tác của Ukraine đang bị thu hẹp do chiến tranh và giá ngũ cốc trong nước suy yếu đang đe dọa vụ mùa lúa mì tiếp theo của nước này.

Trong tuần này, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraina, Mykola Solsky cảnh báo diện tích trồng lúa mì và lúa mạch cho vụ thu hoạch năm tới sẽ giảm ít nhất 20% do chiến tranh. Hội đồng Nông nghiệp Ukraine cũng cho biết việc thiếu vốn đầu tư cũng sẽ làm giảm sản lượng ngũ cốc.

Sản lượng ngũ cốc năm 2022 của Ukraine dự kiến sẽ giảm xuống 50 triệu tấn từ mức kỷ lục 86 triệu tấn vào năm 2021.

FAO dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2022 sẽ giảm 38,9 triệu tấn, tương đương 1,4%, so với năm trước, với sản lượng bắp ở Liên minh châu Âu (EU) dự kiến giảm 16% so với mức trung bình 5 năm do điều kiện thời tiết khô hạn.

Theo Collier, đồng đô la Mỹ mạnh cũng sẽ khiến chi phí nhập khẩu lương thực trở nên đắt đỏ hơn và đó là vấn đề lớn đối với các nước có thu nhập thấp và phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu.

Chỉ số thực phẩm toàn cầu của FAO theo dõi giá xuất khẩu đối với hàng hóa thô và không bao gồm giá bán lẻ, vì vậy, có thể mất một thời gian trước khi người tiêu dùng cảm nhận được tác động giảm giá của thực phẩm.

FAO lưu ý triển vọng dài hạn đối với bức tranh thực phẩm toàn cầu vẫn ảm đạm do sự kết hợp của nhiều yếu tố như chi phí nhiên liệu, vận tải và phân bón vẫn ở mức cao.

Theo các chuyên gia khí hậu, các đợt nắng nóng diễn ra gần đây ở Trung Quốc, phần lớn châu Âu và miền Tây nước Mỹ có khả năng trở nên gay gắt và thường xuyên hơn trong những năm tới.

Theo Ngân hàng Thế giới, mức độ lãng phí thực phẩm toàn cầu ngày càng tăng là một yếu tố đáng lo ngại khác. Trong khi đó, giới phân tích cũng chỉ ra rằng việc quá nhiều quyền lực nằm trong tay một ít công ty thực phẩm tư nhân dẫn đến sự kém hiệu quả trong hệ thống cung ứng thực phẩm toàn cầu.

Đầu tuần này, Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở khu vực sử dụng đồng euro trong tháng 8 tăng hơn 9,1% so với một năm trước đó, một mức tăng kỷ lục ở khu vực này.

Theo Bloomberg, Reuters, reliefweb

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-thuc-pham-toan-cau-giam-nam-thang-lien-tiep-nhung-trien-vong-dai-han-chua-sang-sua/